Vụ chìm tàu ở Cần giờ: UBND thành phố Hồ Chí Minh đề nghị khởi tố vụ án

10:50, 07/08/2013

Liên quan đến sự cố chìm tàu tại vùng biển huyện Cần Giờ đêm 2/8, ngày 6/8, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả chỉ đạo giải quyết và khắc phục hậu quả vụ tai nạn nghiêm trọng này; đồng thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an và các đơn vị chức năng khởi tố vụ án, làm rõ nguyên nhân tai nạn, phòng ngừa các vụ việc tương tự.

Thành phố Hồ Chí Minh cũng kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Cục Hàng hải tổ chức khảo sát cắm biển báo và các thông tin cảnh báo nguy hiểm tại những vùng, khu vực, vị trí nguy hiểm trên biển để hạn chế tai nạn, giảm nhẹ thiên tai trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt; đề nghị Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực III khi nhận được tin các trường hợp tàu bị nạn phải kịp thời thông tin nhanh chóng, chính xác đến các đơn vị chức năng liên quan.

 

Theo UBND thành phố Hồ Chí Minh, vụ chìm tàu xảy ra vào lúc 21 giờ 38 phút ngày 2/8, tại cửa biển khu vực Cồn Ngựa, vùng viễn xã Long Hòa, huyện Cần Giờ. Thông tin ban đầu, tàu khách H29 chở 30 người của Công ty Cổ phần sản xuất ống thép dầu khí Việt Nam thuê phương tiện của Công ty Việt - Czeck Technology J.S trụ sở tại phường 11, thành phố Vũng Tàu do Tài công Phạm Duy Phúc và thợ máy Nguyễn Văn Dương điều khiển chở công nhân đi nghỉ mát tại Vũng Tàu. Trên đường tàu hành trình từ Gò Công Đông, Tiền Giang về Vũng Tàu khu vực Cồn Ngựa, vùng biển xã Long Hòa, huyện Cần Giờ thì bị chìm do sóng to, lốc xoáy. 21 người đã được cứu sống và 9 người chết.

 

Để tránh những sự cố đáng tiếc như trên xảy ra, ngày 5/8, Văn phòng UBND thành phố Hồ Chí Minh đã có công văn khẩn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố Lê Hoàng Quân yêu cầu Sở Giao thông Vận tải lập ngay các Tổ kiểm tra liên ngành, tổ chức tuần tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh tại các bến đò ngang, đò dọc và các phương tiện vận tải hành khách lưu thông trên sông, kênh, rạch; bảo đảm tuyệt đối an toàn khi tham gia giao thông đường thủy, không chở quá tải (phương tiện phải được đăng kiểm, có hệ thống thông tin liên lạc, trang bị đầy đủ áo phao, phao cứu sinh); không được xuất bến khi không đảm bảo an toàn hoặc khi có mưa to, giông gió, sóng lớn, đặc biệt là tàu cánh ngầm, tàu hoạt động du lịch, ghe thuyền của ngư dân; yêu cầu Sở Xây dựng kiểm tra công tác bảo đảm an toàn tại các nhà ở, nhà xưởng, công trình, công trường đang thi công (nhất là giàn giáo, cần trục tháp), chung cư cũ xuống cấp, công trình ngầm trước khi xảy ra bão, giông gió.

 

UBND thành phố giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn thành phố nghiên cứu phương thức thông tin cứu nạn - cứu hộ của người dân đến cơ quan chức năng, đảm bảo trong thời gian nhanh nhất, đặc biệt trong điều kiện đêm tối, thời tiết nguy hiểm. Sở Giao thông vận tải, UBBN các quận - huyện tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân phải mặc áo phao để đảm bảo an toàn khi tham gia các phương tiện giao thông đường thủy.