Sẽ kỷ luật công chức cửa quyền, gây khó khăn trong giải quyết bồi thường nhà nước

08:50, 25/09/2013

Dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện trách nhiệm hoàn trả và xử lý kỷ luật người thi hành công vụ trong lĩnh vực bồi thường nhà nước do Bộ Tư pháp phối hợp với Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ đang được đưa ra lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Một nội dung nhận được sự quan tâm của các cơ quan, tổ chức và xã hội là quy định về việc xử lý kỷ luật, các trường hợp xử lý kỷ luật, hình thức xử lý kỷ luật đối với công chức và viên chức.

 

Theo đó, hình thức kỷ luật theo từng trường hợp vi phạm đối với công chức, viên chức sẽ là: Khiển trách; cảnh cáo; hạ bậc lương; giáng chức; cách chức; buộc thôi việc.

 

Cụ thể, sẽ áp dụng hình thức kỷ luật khiển trách đối với công chức có thái độ hách dịch, cửa quyền hoặc gây khó khăn, phiền hà đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong quá trình giải quyết bồi thường, chi trả tiền bồi thường, xem xét trách nhiệm hoàn trả đối với người thi hành công vụ hoặc giải quyết khiếu nại, tố cáo về bồi thường nhà nước...

 

 Đáng chú ý, theo Dự thảo, hình thức kỷ luật giáng chức sẽ được áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý để xảy ra vi phạm pháp luật nghiêm trọng thuộc phạm vi quản lý của mình dẫn đến việc gây ra thiệt hại cho tổ chức, cá nhân và thiệt hại đó thuộc trường hợp được bồi thường theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN); không hoàn thành nhiệm vụ quản lý, điều hành theo sự phân công mà không có lý do chính đáng, để xảy ra hậu quả nghiêm trọng trong việc giải quyết bồi thường và chi trả tiền bồi thường, xem xét trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ, giải quyết khiếu nại, tố cáo về bồi thường nhà nước...

 

Áp dụng hình thức kỷ luật cách chức đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý vi phạm ở mức độ rất nghiêm trọng các quy định khác của pháp luật liên quan đến công chức, mà việc vi phạm đó đã gây ra thiệt hại cho tổ chức, cá nhân và thiệt hại đó thuộc trường hợp được bồi thường theo quy định của Luật TNBTCNN...

 

Dự thảo Thông tư cũng đưa hình thức kỷ luật buộc thôi việc đối với công chức bị phạt tù mà không được hưởng án treo và việc bị áp dụng hình phạt là do có hành vi trái pháp luật gây ra thiệt hại cho tổ chức, cá nhân. Thiệt hại đó thuộc trường hợp được bồi thường theo quy định của Luật TNBTCNN hoặc công chức vi phạm ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng các quy định khác của pháp luật liên quan đến công chức, mà việc vi phạm đó đã gây ra thiệt hại cho tổ chức, cá nhân và thiệt hại đó thuộc trường hợp được bồi thường theo quy định của Luật TNBTCNN.

 

Theo Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thanh Tịnh, việc xử lý kỷ luật người thi hành công vụ, Luật TNBTCNN và các văn bản hướng dẫn thi hành, mặc dù đã có quy định, nhưng mới chỉ quy định mang tính nguyên tắc (ví dụ: Khoản 3 Điều 56 Luật TNBTCNN có quy định: “Người thi hành công vụ ngoài việc phải hoàn trả khoản tiền quy định tại khoản 1 Điều này thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm còn phải bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật”. Khoản 1 Điều 20 Nghị định số 16 có quy định: “Người có nghĩa vụ hoàn trả đã được cơ quan có trách nhiệm bồi thường thông báo đến lần thứ ba về việc hoàn trả mà cố ý không thực hiện nghĩa vụ hoàn trả thì bị kỷ luật theo quy định của pháp luật”…). Bên cạnh đó, mặc dù vấn đề xử lý kỷ luật người thi hành công vụ đã được quy định rất cụ thể tại Nghị định số 34/2011/NĐ-CP và Nghị định số 27/2012/NĐ-CP, tuy nhiên, các quy định này lại chưa phản ánh được những đặc thù từ hành vi vi phạm trong lĩnh vực bồi thường nhà nước, nên các cơ quan có thẩm quyền xử lý kỷ luật khó khăn trong việc xác định hình thức kỷ luật. Vì vậy, việc xây dựng và ban hành Thông tư liên tịch về nội dung này là hết sức cần thiết.

 

Tuy nhiên, hiện nay, một số ý kiến cho rằng, việc quy định về xử lý kỷ luật công chức, viên chức là thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Đồng thời, qua rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về xử lý kỷ luật công chức, viên chức cho thấy, không có Bộ, cơ quan ngang Bộ nào quy định về xử lý kỷ luật công chức, viên chức. Do đó, việc xử lý kỷ luật người thi hành công vụ trong lĩnh vực bồi thường nhà nước cần được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về xử lý kỷ luật đối với công chức và viên chức và đề nghị cân nhắc, việc có nên quy định vấn đề xử lý kỷ luật người thi hành công vụ trong Thông tư liên tịch này hay không?.../.