Cần đề cao công tác thực thi Luật trong bảo vệ môi trường

14:51, 19/02/2014

Sáng 18-2, Ủy ban Khoa học Công nghệ - Môi trường của Quốc hội phối hợp Bộ Tài nguyên Môi trường, Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) tổ chức “Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng Luật Bảo vệ môi trường”.

Ông Võ Tuấn Nhân, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ - Môi trường của Quốc hội cho biết, trong quá trình soạn thảo, nghiên cứu, xây dựng dự thảo Luật Bảo vệ môi trường, vấn đề xử lý vi phạm, giải quyết tranh chấp về môi trường, bồi thường thiệt hại về môi trường vẫn còn nhiều vướng mắc trong thực tiễn.

 

Tại hội thảo, nhiều ý kiến đề nghị quy định chi tiết các hành vi vi phạm, chế tài xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đối với mọi chủ thể theo hướng xử lý trực tiếp, kịp thời và nghiêm minh.

 

Bên cạnh đó cần làm rõ hơn khái niệm tranh chấp môi trường; bổ sung quy định xác định cộng đồng dân cư là một chủ thể trong quan hệ tranh chấp; quy định nghĩa vụ chứng minh và xuất trình chứng cứ trong các vụ khiếu kiện về môi trường.

 

Dự thảo Luật cũng cần quy định chi tiết, rõ ràng cụ thể hơn các nguyên tắc xác định thiệt hại của tổ chức, cá nhân do ô nhiễm môi trường, suy thoái môi trường; quy định cụ thể các đối tượng bắt buộc phải mua bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường; các đối tượng, phạm vi phải mua phí bảo hiểm thiệt hại về môi trường….

 

Ông Bakhodir Burkanov, Phó Giám đốc UNDP Việt Nam nhận định, Việt Nam đã đạt được phần lớn các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của mình trước kỳ hạn đề ra là năm 2015. Tuy nhiên, Việt Nam rất có khả năng không đạt được mục tiêu phát triển thiên niên kỷ thứ bảy về môi trường đặc biệt, đặc biệt ở lĩnh vực cung cấp nước sạch, cải thiện điều kiện vệ sinh, đa dạng sinh học. “Điều này đòi hỏi luật môi trường phải thật tốt, đề cao tầm quan trọng của việc triển khai và thực thi pháp luật”.