Khống chế số lần nộp tiền phạt để tránh dây dưa

09:11, 09/03/2014

Theo quy định của Bộ luật Hình sự (BLHS), tiền phạt có thể được nộp một lần hoặc nhiều lần trong thời hạn do Tòa án quyết định trong bản án. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng với việc không khống chế số lần nộp phạt dẫn đến tình trạng chây ỳ, trốn tránh.

Cần mở rộng khả năng áp dụng hình phạt tiền

 

Theo BLHS, hình phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính đối với người phạm tội ít nghiêm trọng xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, trật tự công cộng, trật tự quản lý hành chính và một số tội phạm khác do BLHS quy định.

 

Hiện nay, hình phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính đối với 76/272 tội phạm cụ thể, chiếm 27%, tập trung vào các tội xâm phạm quyền tự do, dân chủ của công dân; các tội xâm phạm sở hữu; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; các tội phạm về môi trường, ma túy… Ngoài ra, hình phạt tiền còn có ý nghĩa là hình phạt bổ sung có thể được tuyên kèm với một số loại hình phạt khác theo quy định.

 

Việc áp dụng phạt tiền trong thời gian thi hành BLHS cho thấy đã phát huy hiệu quả, tạo điều kiện cho người phạm tội tiếp tục lao động khắc phục hậu quả, giúp Nhà nước giảm chi phí trong công tác thi hành án phạt tù tại các trại giam.

 

Tuy nhiên, theo nhóm chuyên gia nghiên cứu đề tài hoàn thiện quy định của BLHS thì bản thân quy định của BLHS cũng bộc lộ mâu thuẫn. Cụ thể, theo quy định tại Khoản 1 Điều 30 BLHS thì phạt tiền sẽ được áp dụng theo 2 trường hợp: nếu phạm tội thuộc các nhóm tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, trật tự công cộng, trật tự quản lý hành chính thì người phạm tội sẽ được áp dụng phạt tiền (với tính chất là hình phạt chính) khi họ phạm tội ít nghiêm trọng.

 

Ngoài trường hợp nói trên, phạt tiền có thể áp dụng đối với tội phạm thuộc chương khác (như xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín của người khác, tội xâm phạm quyền tác giả; tội sử dụng trái phép tài sản…). Đối với trường hợp này, BLHS hiện hành không quy định phải là tội ít nghiêm trọng mới được áp dụng phạt tiền (như vậy tức là phạt tiền có thể áp dụng đối với tội nghiêm trọng).

 

Ngoài đề xuất quy định cụ thể, thống nhất, nhóm nghiên cứu cũng đề nghị nghiên cứu mở rộng khả năng áp dụng hình phạt  tiền, đặc biệt là đối với những tội phạm trong lĩnh vực kinh tế, môi trường để giảm tỷ lệ áp dụng hình phạt tù đối với loại tội phạm này theo hướng quy định hình phạt tiền là hình phạt chính có thể áp dụng đối với một số loại tội phạm cụ thể thuộc lĩnh vực này.

 

Quy định rõ để tránh lạm dụng

 

Ngoài ra, cũng theo quy định tại Điều 30 BLHS thì tiền phạt có thể được nộp một lần hoặc nhiều lần trong thời hạn do Tòa án quyết định trong bản án. Theo Nhóm chuyên gia, quy định này có ưu điểm là tạo điều kiện thuận lợi cho người bị kết án nếu khả năng kinh tế chưa cho phép thì họ có thể nộp phạt làm nhiều lần mà không phải nộp ngay một lần. Điều này thể hiện chính sách nhân đạo của Nhà nước trong xử lý tội phạm.

 

Tuy nhiên, nhóm chuyên gia cũng chỉ ra rằng, quy định này cũng dẫn tới hiện tượng một số người phạm tội lạm dụng, cố tình chây ỳ, dây dưa không chịu nộp tiền phạt làm cho thời gian thi hành án bị kéo dài, Nhà nước khó thu hồi tiền phạt. Có thể nói, thực trạng này khá phổ biến ở nước ta làm ảnh hưởng đến hiệu lực của pháp luật, niềm tin của nhân dân.

 

Để chấm dứt tình trạng nói trên, nhóm chuyên gia cho rằng cần sửa đổi theo hướng quy định rõ bị cáo có thể nộp tiền phạt một lần hoặc nhiều lần nhưng không quá 3 lần và nếu bị cáo nộp tiền phạt làm nhiều lần thì lần nộp phạt sau kế tiếp không được cách quá một tháng so với lần nộp phạt liền trước đó.

 

Quy định như vậy tạo điều kiện thuận lợi cho người thi hành án có thời gian sắp xếp để chấp hành phạt tiền nhưng vẫn phải trong khuôn khổ của pháp luật, đồng thời đảm bảo tính liên tục về thời gian nộp phạt, từ đó làm cho hình phạt này có tính khả thi trên thực tế, khắc phục việc nộp tiền phạt dây dưa, kéo dài hiện nay.

 

 

1. Phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính đối với người phạm tội ít nghiêm trọng xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, trật tự công cộng, trật tự quản lý hành chính và một số tội phạm khác do Bộ luật này quy định.

2. Phạt tiền được áp dụng là hình phạt bổ sung đối với người phạm các tội về tham nhũng, ma túy hoặc những tội phạm khác do Bộ luật này quy định.

3. Mức phạt tiền được quyết định túy theo tính chất và mức độ nghiêm trọng của tội phạm được thực hiện, đồng thời có xét đến tình hình tài sản của người phạm tội, sự biến động giá cả, nhưng không được thấp hơn một triệu đồng.

4. Tiền phạt có thể được nộp một lần hoặc nhiều lần trong thời hạn do Tòa án quyết định trong bản án.

                                                                                         (Điều 30 Bộ luật Hình sự)