Luật Nhà ở (sửa đổi): Cần quan tâm đến nhà ở xã hội

10:58, 11/03/2014

Chính sách phát triển nhà ở công vụ; quyền sở hữu nhà ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam; Quỹ phát triển nhà ở xã hội… là những vấn đề được các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung cho ý kiến khi thảo luận về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) tại phiên họp chiều ngày 10/3.

Trình bày Tờ trình về Dự thảo Luật, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, sau gần 8 năm triển khai thực hiện Luật Nhà ở, bên cạnh những kết quả đạt được thì cũng đã xuất hiện nhiều tồn tại hạn chế trong quá trình thực thi các văn bản pháp luật về nhà ở như: Luật hiện hành chưa có quy định yêu cầu các địa phương phải lập chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở; chưa có cơ chế, chính sách khuyến khích cụ thể và đủ mạnh để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê, đặc biệt là tại các đô thị lớn có nhu cầu cao về nhà ở để đáp ứng các điều kiện và khả năng chi trả của người dân; chưa có quy định về thời hạn sử dụng nhà chung cư để làm cơ sở pháp lý cho việc cải tạo, xây dựng lại khi nhà ở này hết niên hạn sử dụng mà bị xuống cấp, hư hỏng...

 

Ngoài ra, Luật hiện hành cũng chưa có cơ chế, chính sách cụ thể về phát triển và quản lý nhà ở tái định cư, về quản lý sử dụng nhà biệt thự, về quản lý sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước hoặc có quy định nhưng vẫn còn chung chung, đơn giản, chưa phù hợp với thực tế hoặc chưa thống nhất với một số luật liên quan...

 

Từ những bất cập, tồn tại nêu trên, Chính phủ cho rằng việc nghiên cứu, xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi) là hết sức cần thiết. Chính phủ cũng đề xuất 10 nhóm vấn đề cần sửa đổi. Theo đó, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) có 13 Chương với 178 Điều. Như vậy, so với Luật hiện hành có có 9 Chương 153 Điều thì dự thảo Luật này tăng thêm 4 Chương và 25 Điều.

 

Qua thảo luận, đa số các ý kiến tán thành các quan điểm, yêu cầu xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi). Các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đóng góp nhiều ý kiến vào các vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau của dự thảo Luật.

 

Về chính sách phát triển nhà ở công vụ, theo khoản 10 Điều 4 dự thảo Luật thì việc phát triển nhà ở công vụ là việc Nhà nước đầu tư nguồn vốn từ ngân sách để xây dựng hoặc mua nhà ở thương mại để bố trí cho các đối tượng thuộc diện được ở nhà công vụ theo quy định của Luật này để thuê trong thời gian đảm nhận chức vụ công tác. Và tại Chương III dự thảo Luật đã quy định một mục riêng về phát triển nhà ở công vụ.

 

Quy định này được Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Kim Khoa tán thành. Bởi theo ông, nếu không có nhà ở công vụ thì lực lượng vũ trang sẽ rất khó khăn và điều này cũng phù hợp với các luật khác. Song ông cũng cho rằng, cần quy định rõ đối tượng được hưởng và quy định rõ cơ chế quản lý.

 

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, nhiều ý kiến trong Thường trực Ủy ban này cho rằng cần phải làm rõ định hướng phát triển nhà ở công vụ ngay trong luật để tránh việc phát triển phiến diện, chỉ bó hẹp đối tượng được thuê, cấp nhà ở công vụ như hiện nay. Bởi vì thực tế cho thấy, nhà ở công vụ là nhà cho thuê, mà đối tượng có nhu cầu là rất lớn thì Nhà nước khó có thể đáp ứng được. Việc Nhà nước đầu tư xây nhà ở công vụ hiện nay thực chất là bao cấp cho một số ít đối tượng với giá rẻ, trong khi số đông cán bộ, công chức (nhất là cán bộ, công chức trẻ) có nhu cầu thì không được đáp ứng. Vì thế, yêu cầu đặt ra là phải xây dựng định hướng phát triển nhà cho thuê đối với mọi đối tượng thực hiện công vụ, chứ không nên đặt vấn đề bao cấp cho một số đối tượng nhất định. Mặt khác, có ý kiến cho rằng việc cho thuê nhà công vụ hay thực chất là việc nhà nước hỗ trợ chỗ ở cho một số đối tượng đang công tác cần được tính toán cho phù hợp, có thể nghiên cứu để hỗ trợ bằng tiền để cán bộ tự lo chỗ ở trong thời gian đảm nhận chức vụ công tác hoặc chỉ duy trì hình thức nhà công vụ cho một số cán bộ cao cấp luân chuyển công tác và cán bộ, công chức, viên chức ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị bỏ bao cấp về nhà ở công vụ; cần tính đúng, tính đủ các khoản tiền này vào lương để bảo đảm tính công bằng, công khai, minh bạch.

 

Về quyền sở hữu nhà ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam, theo quy định tại Điều 153 và Điều 155 của dự thảo Luật thì người Việt Nam định cư ở nước ngoài nếu được phép nhập cảnh vào Việt Nam về cơ bản có các quyền về nhà ở như công dân Việt Nam ở trong nước. Tổ chức, cá nhân nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, được nhập cảnh vào Việt Nam có quyền sở hữu nhà ở tại các dự án không hạn chế về số lượng; thời hạn sở hữu đối với tổ chức thì tối đa không quá thời hạn ghi trong Giấy chứng nhận đầu tư, với cá nhân thì thời hạn sở hữu là 50 năm nhưng có thể được gia hạn nếu có nhu cầu; đồng thời có quyền cho thuê nhà ở.

 

Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành định hướng mở rộng cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam có quyền sở hữu nhà ở. Tuy nhiên, đề nghị cần nghiên cứu quy định điều kiện chặt chẽ hơn nhằm bảo đảm lợi ích quốc gia, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh, đặc biệt là tại địa bàn, khu vực trọng yếu. Chẳng hạn như quy định không được mua nhà ở tại các khu vực đặc biệt; hạn chế về số lượng nhà ở được mua trong một khu vực; hạn chế số lượng căn hộ được mua trong một tòa nhà chung cư... tránh hình thành những khu vực biệt lập hoàn toàn chỉ có người nước ngoài sinh sống. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến băn khoăn đề nghị làm rõ là với nhu cầu còn rất lớn về nhà ở của người dân đang sinh sống trong nước cũng như điều kiện để tạo lập nhà ở còn rất khó khăn thì việc mở rộng các đối tượng được sở hữu nhà ở đối với các đối tượng nêu trên, nhất là người nước ngoài như dự thảo Luật sẽ có tác động như thế nào đến quyền có nhà ở của người dân và thị trường bất động sản?

 

Quan tâm đến vấn đề nhà ở xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, vấn đề cải thiện nhà ở cho người dân là vấn đề lớn, do đó Luật này cần tập trung vào nhà ở xã hội.

 

Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền cũng tán thành việc dự thảo Luật đã có nhiều quy định liên quan đến nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư. Ông cho rằng thời gian qua các chủ đầu tư quan tâm nhiều đến nhà ở thương mại mà ít quan tâm tới nhà ở xã hội. Để giải quyết những vướng mắc, ông đề nghị dự thảo Luật cần quy định rõ thêm những ưu đãi, cơ chế để khắc phục những hạn chế về nhà ở xã hội thời gian qua. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có cơ chế đầu tư như hàng năm trích ngân sách phát triển nhà ở tổng thể, trong đó có nhà ở xã hội.

 

Ông cũng đồng tình đưa nhà ở tái định cư vào dự án Luật. “Đi nhiều nơi thấy không đáp ứng được nhu cầu của người dân. Tôi tha thiết mong muốn Luật cụ thể hóa thêm những vấn đề liên quan đến nhà ở tái định cư” – Ông Nguyễn Đức Hiền bày tỏ.

 

Liên quan đến Quỹ phát triển nhà ở xã hội, ông đề nghị nghiên cứu bổ sung nội dung các chủ đầu tư kinh doanh bất động sản trên địa bàn phải trích một phần lợi nhuận để đóng quỹ./.