Tổng kết thi hành Bộ luật Hình sự 1999

08:34, 16/03/2014

Ngày 15-3, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết thi hành Bộ luật Hình sự năm 1999. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ đến dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Bộ luật Hình sự phải tiếp tục thể chế hóa Nghị quyết 49 về cải cách tư pháp

 

Ghi nhận và biểu dương những nỗ lực, cố gắng của các Bộ, ngành, địa phương trong việc chỉ đạo hoạt động tổng kết thi hành Bộ luật Hình sự, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, hơn 14 năm qua, công tác triển khai thi hành Bộ luật Hình sự đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của đất nước, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ có hiệu quả các quyền con người, quyền cơ bản của công dân.

 

Tuy nhiên cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng, những quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Nhiều quy định chưa có tính khả thi, lạc hậu, không còn phù hợp. Một số vấn đề mới phát sinh trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và xu thế hội nhập quốc tế chưa được kịp thời điều chỉnh; kỹ thuật văn bản còn nhiều hạn chế...

 

Chính những hạn chế, bất cập này đã gây khó khăn cho các cơ quan thực thi và ảnh hưởng đến chất lượng công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, phòng chống tham nhũng.

 

Theo Phó Thủ tướng, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung nghiên cứu để đưa ra các đề xuất, các giải pháp sửa đổi, bảo đảm Bộ luật Hình sự sửa đổi lần này phải có tính khả thi cao, bảo vệ có hiệu quả các quyền con người, quyền cơ bản công dân, đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội.

 

Bộ luật Hình sự sửa đổi phải tạo ra hành lang pháp lý để bảo vệ và thúc đẩy nền kinh tế thị trường; bảo vệ quyền cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.

 

Bộ luật Hình sự phải tiếp tục thể chế hóa những quan điểm, chủ trương của Đảng về Cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị, đặc biệt là giảm bớt khung hình phạt tối đa quá cao trong một số loại tội phạm. Khắc phục tình trạng hình sự hóa quan hệ kinh tế, quan hệ dân sự và bỏ lọt tội phạm. Hình sự hóa đối với những hành vi nguy hiểm cho xã hội mới xuất hiện.

 

Nhiều quy định cần sửa để bảo đảm tính hiệu quả

 

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên, qua thực tiễn 12 năm thi hành, có thể khẳng định, Bộ luật Hình sự năm 1999 đã quy định một cách tương đối có hệ thống, toàn diện các nguyên tắc, chế định chung của chính sách hình sự, đã hình sự hóa được khá nhiều hành vi nguy hiểm cao cho xã hội và xác định hệ thống hình phạt khá toàn diện, khoa học; thực sự là công cụ pháp lý quan trọng, góp phần tích cực vào việc đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm.

 

Thực tế, thời gian qua tình hình tội phạm diễn biến hết sức phức tạp với những phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. Số lượng tội phạm luôn có xu hướng gia tăng, nghiêm trọng hơn cả về quy mô và tính chất, nhất là các tội xâm phạm trật tự, an toàn xã hội có tính chất bạo lực gia tăng, thể hiện thái độ coi thường pháp luật của người phạm tội. Đáng chú ý là xuất hiện tình trạng trẻ hóa tội phạm, hoạt động tội phạm theo các băng nhóm tội phạm có tổ chức.

 

Hơn nữa, tình trạng vỡ “bong bóng bất động sản” và những hệ lụy của nó đã làm gia tăng các loại tội phạm. Tội phạm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, quản lý dự án, đất đai, bất động sản, tội phạm về ma túy diễn ra ngày càng nghiêm trọng hơn với thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, số lượng rất lớn, có trang bị vũ khí…

 

Trong bối cảnh đó, một số điều Bộ luật Hình sự còn quy định chung chung; chưa thực sự hợp lý, dẫn tới việc áp dụng hình phạt chưa bảo đảm tính chính xác, khách quan… Các văn bản hướng dẫn thi hành chưa được ban hành kịp thời hoặc chưa cụ thể… Một số hành vi có tính chất nguy hiểm cho xã hội nhưng chưa được quy định trong Bộ luật Hình sự.

 

Theo các chuyên gia, các nhà khoa học cho rằng, Bộ luật Hình sự cần sửa đổi theo hướng, thể chế hóa về mặt hình sự chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc bảo vệ, thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội...

 

Theo ông Nguyễn Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Công an, hiện quy định về án treo còn nhẹ, tùy nghi, quy định về giam giữ chưa chặt; đề nghị khi sửa đổi luật cần thu hẹp khoảng cách từ mức tối thiểu đến mức tối đa; “nhóm” một số tội phạm đang được quy định rải rác trong bộ luật như môi trường, thực phẩm; yêu cầu nội luật hóa các quy định theo tình hình thực tế của đất nước. Nên thường xuyên tổ chức họp bàn về vấn đề thực hiện cũng như nhanh chóng ban hành văn bản hướng dẫn. Đại diện này cho hay: “vô cùng khó khăn khi ban hành văn bản hướng dẫn thi hành, chưa có văn bản nào trước 13 tháng”.

 

Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Trần Công Phàn cho rằng, hiện chúng ta chưa làm được việc giải thích luật nhằm giảm những vướng mắc bất cập trong việc thi hành. Hiện chỉ có 26 điều luật mô tả về yếu tố lỗi và điều này cũng gây ảnh hưởng đến việc quyết định hình phạt. Bộ luật Hình sự sửa đổi cần nghiên cứu mở rộng thêm việc miễn truy cứu trách nhiệm hình sự với người chưa thành niên, người già; xóa bỏ một số hình phạt như cảnh cáo, buộc công khai xin lỗi… vì tác dụng của các hình phạt này không lớn.