Lực lượng Cảnh sát Phản ứng nhanh (gọi tắt là 113) có trách nhiệm tiếp nhận thông tin và giải quyết ban đầu theo thẩm quyền những vụ việc có liên quan đến an ninh, trật tự và yêu cầu chính đáng của nhân dân đề nghị Công an giúp đỡ. Vậy nhưng, thời gian qua, có đến hơn 2/3 cuộc gọi đến số máy này là để trêu đùa, quấy nhiễu cán bộ trực…
Hiệu quả của 113
Thượng tá Đàm Quốc Hưng, Phó phòng Cảnh sát quản lý hành chính - trật tự xã hội (CSQLHC-TTXH), Công an tỉnh cho biết, tất cả các thông tin về tội phạm đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra; phát hiện một người bị nghi là tội phạm hoặc có dấu hiệu phạm tội; nhìn thấy có người bị thương hoặc đang gặp nguy hiểm cần giúp đỡ; thấy người có những hành vi đáng ngờ, gây mất trật tự công cộng hoặc thấy xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng… thì mọi người dân đều có thể gọi điện thoại đến số máy 113 để báo tin. Đây là số điện thoại gọi miễn phí và có thể gọi từ bất kỳ máy điện thoại nào mà không cần ấn mã vùng. Tất cả các thông tin chính xác sẽ được lực lượng 113 kịp thời có biện pháp can thiệp. Và trên thực tế, rất nhiều vụ việc được ngăn chặn, xử lý kịp thời bởi những thông tin của người dân gọi đến số máy này.
Đơn cử như trường hợp xảy ra hồi 21 giờ 49 phút ngày 10-1-2014: Khi phát hiện có trường hợp đánh nhau trước cửa một quán bia ở gần cổng Tỉnh ủy, chị Nguyễn Thị Nhung, tổ 12, phường Túc Duyên đã nhanh trí gọi điện thoại đến 113. Chỉ sau ít phút, lực lượng công an đã có mặt và bắt giữ được 2 đối tượng gây rối, thu giữ 2 dao nhọn, sau đó chuyển các đối tượng có liên quan về Công an phường Túc Duyên giải quyết; đồng thời đưa người bị thương vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên.
Không phải người dân nào cũng biết đến số 113 và biết cần gọi trong trường hợp nào. Nhiều người vẫn nghĩ, chỉ những sự việc xảy ra trên địa bàn thành phố thì mới gọi được. Thực tế không phải thế. Thượng tá Đàm Quốc Hưng trao đổi: Ở bất cứ địa điểm nào, gồm cả các xóm, xã vùng sâu, vùng xa, khi xảy ra những vụ việc có liên quan đến vấn đề an ninh trật tự như nói ở trên, mọi người đều có thể báo tin đến 113. Đối với khu vực thành phố và 1 số điểm giáp ranh, lực lượng 113 sẽ trực tiếp xử lý với thời gian nhanh nhất; còn các thông tin ở các huyện, thị, lực lượng 113 sẽ có trách nhiệm chuyển tin tới công an các địa phương để có biện pháp can thiệp kịp thời.
Hành vi đáng lên án
Trong khi chức năng, nhiệm vụ của 113 là để góp phần đảm bảo trật tự an toàn cho xã hội, thì nhiều người do ý thức và nhận thức hạn chế, nhất là thanh, thiếu niên nên đã có những hành vi thiếu văn hóa khi coi đây là số máy để trêu đùa, quấy rối và chửi bậy. Theo thống kê của Đội 113, chỉ tính trong 8 tháng đầu năm, trong tổng số 1.271 cuộc gọi đến thì chỉ có 302 cuộc gọi có liên quan đến an ninh trật tự, 869 cuộc còn lại là quấy rối, chửi bậy và báo tin sai sự thật. Ngoài ra, còn có một lượng lớn các cuộc gọi không nói gì hoặc nháy máy. Không chỉ có số máy 113, với số máy 114 (tiếp nhận thông tin về chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn) cũng bị trong tình trạng tương tự. Trong khi từ đầu năm đến nay, chỉ có khoảng 50 cuộc gọi đến có giá trị về thông tin, thì trung bình mỗi ngày, cán bộ trực 114 phải tiếp nhận tới hàng trăm cuộc gọi “vớ vẩn”. Nhiều số máy còn gọi đi gọi lại hàng chục lần/ngày. Cũng giống 113, phần lớn cuộc gọi đến là để trêu đùa, nói tục, chửi bậy, một số ít là báo tin giả. Ngoài ra, còn có một lượng lớn cuộc gọi đến là của các cháu nhỏ do sự hiếu kỳ và thiếu sự kiểm soát của bố mẹ.
Theo Thượng sĩ Tô Minh Luận, cán bộ trực 113, các cuộc gọi vô bổ làm ảnh hưởng rất lớn đến việc tiếp nhận nguồn thông tin có giá trị, vì nhiều cuộc gọi đến cùng lúc sẽ làm quá tải hệ thống dẫn đến những cuộc gọi chính đáng sẽ không kết nối được. Còn việc báo tin sai, giả sẽ làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người khác khi cần Công an giúp đỡ (vì khi điều động lực lượng xử lý tin sai, giả sẽ ảnh hưởng đến thời gian, chất lượng, phương tiện, con người… để giải quyết các vụ việc chính đáng). Đối với những cuộc gọi không nội dung, nói tục, chửi bậy, lăng mạ… sẽ khiến cán bộ trực ban thấy ức chế, căng thẳng, mệt mỏi.
Mới đây, Phòng CSQLHC - TTXH đã triệu tập Ứng Trần Hoài Văn, sinh năm 2001, học sinh lớp 8A2, Trường THCS Lương Sơn và Trần Văn Toàn, sinh năm 1999, học sinh lớp 10A4, Trường THPT Gang thép (T.P Thái Nguyên). Sự việc xảy ra hồi 22 giờ ngày 7-8-2014, Văn và Toàn khi đi sinh hoạt hè về đã gọi 6 cuộc đến số 113 trêu đùa và chửi bậy , hành vi của 2 em đã vi phạm vào điểm b, khoản 2, Điều 20, Nghị định số 167/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự “Có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ”.
Theo quy định, mức phạt cho lỗi vi phạm này là từ 2-3 triệu đồng. Tuy nhiên, do đây là vi phạm lần đầu và tuổi chưa thành niên nên Phòng CSQLHC-TTXH đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức cảnh cáo đối với 2 em. Đồng thời, gửi thông báo sự việc về Phòng Giáo dục - Đào tạo T.P Thái Nguyên, Ban Giám hiệu các nhà trường và công an địa phương để kiểm điểm, nhắc nhở và phối hợp với gia đình quan tâm, quản lý giáo dục để các em không tái diễn vi phạm.
Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền đến người dân, đặc biệt là trong học sinh, sinh viên để mọi người hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng và biết cách liên hệ của các số máy nóng trong các trường hợp cần thiết. Cùng với đó, sẽ tăng cường phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra, truy tìm các số máy gọi đến để trêu đùa, quấy nhiễu, chửi bậy để các số máy nóng của chúng tôi phát huy hiệu quả tối đa… Thượng tá Đàm Quốc Hưng nhấn mạnh.