Sẽ xử lý các mỏ khoáng sản hết hạn khai thác nhưng vẫn tiếp tục hoạt động

14:14, 01/08/2014

Theo ông Lại Hồng Thanh, Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường(TN&MT), hiện nhiều mỏ khai thác khoáng sản đã hết hạn khai thác nhưng vẫn tiếp tục hoạt động. Để giải quyết vấn đề này, Bộ TN&MT đang rà soát lại, tiến hành đóng cửa các mỏ hết hạn hoặc cấp lại giấy phép cho các mỏ đủ điều kiện.

Ông Lại Hồng Thanh cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2014, Bộ TN&MT đã tiến hành 3 cuộc thanh tra, kiểm tra, gồm 1 cuộc kiểm tra đột xuất việc chấp hành pháp luật trong hoạt động khoáng sản trước ngày Luật Khoáng sản 1996 có hiệu lực tại 6 tỉnh (Bắc Kạn, Tuyên Quang, Nghệ An, Thanh Hóa, Phú Thọ, Thái Nguyên) và 2 cuộc thanh tra việc chấp hành pháp luật về khoáng sản trong hoạt động thăm dò, khai thác nước khoáng của 16 tổ chức tại 3 tỉnh (Phú Thọ, Hòa Bình, Quảng Ngãi). Đơn vị thanh tra đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 38 tổ chức, cá nhân với tổng số tiền 2 tỉ 536 triệu đồng.

 

Về việc kiểm soát giấy phép khai thác khoáng sản đã hết hạn được cho là chưa chặt chẽ do Kiểm toán Nhà nước vừa công bố, cụ thể: phát hiện có 26 giấy phép hết hạn nhưng chưa đóng cửa mỏ, 47 giấy phép thuộc diện được cấp lại nhưng đến nay vẫn chưa được cấp. Ngoài ra, kết quả kiểm toán tại một số Tập đoàn, Tổng công ty con cho thấy một số đơn vị khai thác khoáng sản vượt mức phạm vi được cấp phép, chưa kí quỹ phục hồi môi trường, chưa đóng cửa mỏ và phục hồi môi trường sau cấp phép. Cụ thể như công ty TNHH Mạo Khê khai thác vượt 883.065 tấn, công ty TNHH MTV Hòn Gai vượt 649.943 tấn.

 

Về vấn đề này, ông Thanh cho biết, trong số 47 giấy phép chưa được cấp lại, có 36 giấy phép thuộc thẩm quyền của Bộ. Đến tháng 5/2014, Bộ đã tiến hành cấp lại cho 7 khu vực, chuyển giao 3 khu vực cho UBND tỉnh cấp, 2 khu vực làm thủ tục đóng cửa mỏ, 1 khu vực dừng khai thác, còn lại 8 khu vực vẫn chưa nộp hồ sơ tiến hành cấp phép lại.

 

Liên quan đến việc công ty TNHH vàng Phước Sơn (Tập đoàn Besra) phải đóng cửa vì lí do thuế suất tài nguyên quá cao, ông Thanh khẳng định, Công ty Vàng Phước Sơn đóng cửa là do khó khăn tài chính. “Thuế tài nguyên là do Bộ Tài chính quy định. Đối với các loại khoáng sản khó khai thác, đòi hỏi công nghệ cao, chi phí lớn, nên tính mức thuế suất hợp lí để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư khai thác. Vàng Phước Sơn là mỏ vàng gốc đầu tiên do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép vẫn đang hoạt động. Dây chuyền công nghệ khai thác, chế biến ở đây cũng được coi là hiện đại nhất Việt Nam hiện nay”, ông Thanh cho biết.

 

Theo ông Thanh, trong thời gian tới Bộ cũng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình quản lý nhà nước về khoáng sản, đặc biệt quan tâm tới công tác hậu kiểm sau khi cấp giấy phép hoạt động khoáng sản./.