Ngày 27-2, Công an tỉnh Đác Nông phối hợp với cơ quan chức năng của huyện Đác Mil tiến hành xác định vị trí, tọa độ nơi khai thác hòn đá bán quý canxedon (đá Ôpan) tại xã Đác Gằn, huyện Đác Mil trong dịp Tết Nguyên Đán Ất Mùi 2015 để xử lý hành chính đối với những người vi phạm.
Trước đó, một nhóm người đã dùng nhiều máy móc cơ giới khai thác tại rẫy cà phê của gia đình ông Nguyễn Chí Thanh, trú tại xã Đác Gằn để lấy hòn đá bán quý canxedon với khối lượng lớn vận chuyển đi tiêu thụ.
Vào đêm 11-2, khi các đối tượng dùng xe đầu kéo chở hòn đá bán quý trên đi tiêu thụ, khi đang lưu thông trên Quốc lộ 14 từ xã Đác Gằn về TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đác Lắc thì bị Công an tỉnh Đác Nông phát hiện, kiểm tra nhưng tài xế xe đầu kéo là Hoàng Văn Nghĩa, trú TP Buôn Ma Thuột không xuất trình được các giấy tờ liên quan nên Công an tỉnh Đác Nông đã đưa hòn đá về trụ sở tạm giữ để phục vụ điều tra.
Bước đầu, hòn đá được xác định là đá bán quý canxedon, thuộc diện nghiêm cấm khai thác, vận chuyển, buôn bán dưới mọi hình thức. Hòn đá có chiều dài 4 m, rộng 3,5 m, cao 1,3 m, ước nặng từ 28-30 tấn, đây được xác định là hòn đá bán quý canxedon nặng nhất được tìm thấy trên địa bàn huyện Đác Mil từ trước đến nay.
Do hòn đá trị giá hàng tỷ đồng nên người dân đã lợi dụng vào dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi để khai thác, mua bán, vận chuyển đi tiêu thụ nhằm qua mắt chính quyền và các cơ quan chức năng ở địa phương. Tuy nhiên, khi hòn đá đang vận chuyển đi tiêu thụ thì bị các cơ quan chức năng phát hiện bắt giữ.
Theo phản ảnh của người dân địa phương, tình trạng khai thác đã bán quý canxedon và nhiều loại đá quý khác đã diễn ra nhiều năm nay không chỉ tại xã Đác Gằn mà tại nhiều địa phương khác của huyện Đác Mil. Mặc dù chính quyền và các ngành chức năng của huyện, tỉnh đã nhiều lần tiến hành kiểm tra, xử phạt nhưng do các loại đá quý trên địa bàn có giá trị lớn nên nhiều đối tượng từ các nơi vẫn kéo đến lén lút khai thác để bán cho các “đầu nậu” chế tác làm đá phong thủy, trưng bày nghệ thuật… làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự và hư hỏng nương rẫy, cây trồng của người dân địa phương.