Điều 643: Từ chối nhận di sản
1. Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.
2. Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản; người từ chối phải gửi văn bản từ chối nhận di sản cho người quản lý di sản, nhứng người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản, tổ chức hành nghề công chứng hoặc ủy ban nhân dân cấp xã nơi có địa điểm mở thừa kế.
3. Việc từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản.
Về khoản 3, Điều 643 Dự thảo: Theo chúng tôi, nên bổ sung thêm như sau:
“3. Việc từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản. Trong thời gian di sản chưa phân chia, người từ chối nhận di sản có quyền hủy bỏ việc từ chối nhận di sản theo phương thức từ chối nhận di sản quy định tại khoản 2 Điều này”
Bổ sung thêm quyền hủy bỏ việc từ chối nhận di sản là để bảo đảm được quyền của người thừa kế trong việc thiết lập cũng như hủy bỏ hành vi pháp lý của mình.
Điều 648: Người lập di chúc
1. Người đã thành niên có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình, trừ trường hợp người đó bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức và làm chủ được hành vi của mình.
2.Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi được lập di chúc, nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.
Chủ thể lập di chúc là người định đoạt tài sản của mình thông qua hành vi pháp lý đơn phương nên điều kiện về độ tuổi và năng lực trí tuệ của người lập di chúc là điều kiện đầu tiên trong việc xác định giá trị pháp lý của di chúc. Tuy nhiên, điều luật này vẫn còn những điểm chưa rõ ràng và toàn diện, có thể gây nên nhiều tranh cãi và khó khăn trong công tác xét xử.
Cụ thể như sau: Theo quy định tại khoản 2 thì người từ đủ 15 tuổi đến 18 tuổi muốn lập di chúc phải được sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ về việc lập di chúc. Tuy nhiên, điều luật không quy định rõ về thời điểm và hình thức sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ. Sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ được thừa nhận vào thời điểm nào? Trước, trong hay sau khi con lập di chúc? Hay cả 03 thời điểm đều có giá trị pháp lý? Sự đồng ý đó thể hiện bằng miệng hay bằng văn bản?
Bởi vậy, theo chúng tôi thì Điều 648 Dự thảo cần được sửa đổi như sau:
2.Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi được lập di chúc, nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý bằng văn bản riêng hoặc có bút tích của cha, mẹ hoặc người giám hộ vào cuối bản di chúc do người này lập ra. Sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ được thể hiện trước và trong khi di chúc được lập đều có giá trị pháp lý.
Điều 666: Gửi giữ di chúc
Khoản 2, khoản 3, Điều 666 Dự thảo quy định về nghĩa vụ của bên nhận gửi giữ di chúc, tuy nhiên, lại không có quy định về chế tài trách nhiệm đối với bên nhận gửi giữ di chúc nếu vi phạm nghĩa vụ đó. Vì vậy việc gửi giữ di chúc chủ yếu dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau, quy định về nghĩa vụ của người nhận gửi giữ di chúc chỉ mang tính hình thức. Bởi vậy, để bảo đảm bên nhận gửi giữ di chúc nghiêm túc và có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ của mình, chúng tôi cho rằng cần quy định chế tài bồi thường thiệt hại khi bên nhận gửi giữ di chúc có lỗi trong việc thực hiện nghĩa vụ của mình. Cụ thể cần quy định thêm khoản 4 như sau: Trong trường hợp bên nhận gửi giữ di chúc có lỗi trong việc thực hiện nghĩa vụ của mình thì phải bồi thường thiệt hại. Mức bồi thường thiệt hại tối đa bằng toàn bộ mức phí gửi giữ di chúc.
Điều 671: Di sản dùng vào việc thờ cúng
Theo quy định tại Điều 671, Dự thảo thì người lập di chúc được quyền để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng. Tuy nhiên, pháp luật không quy định rõ phần di sản dùng vào việc thờ cúng của người để lại di sản tối đa là bao nhiêu. Do đó, nếu người lập di chúc định đoạt tài sản dùng vào việc thờ cúng quá lớn sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của những người thừa kế.
Theo quy định của pháp luật dân sự các Nhà nước phong kiến Việt Nam thì: Luật Hồng Đức quy định hương hỏa là 1/20 điền sản; Luật Bắc kỳ năm 1931 và Luật Trung kỳ năm 1936 thì hương hỏa là 1/5 điền sản. Như vậy, hương hỏa chỉ là một phần nhỏ điền sản của người chết để lại cho cháu, con để sử dụng, thu hoa lợi dùng vào việc thờ cúng. Bởi vậy, để bảo đảm quyền lợi của người thừa kế, đề nghị cần quy định cụ thể về phần di sản được dùng vào việc thờ cúng trong khoản 1 Điều 671 theo hướng:
1.Trường hợp người lập di chúc để lại không quá một phần năm di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho một người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng…
Điều 674: Giải thích nội dung di chúc
Điều 674 Dự thảo quy định “… Khi những người này không nhất trí về cách hiểu nội dung di chúc thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết”.
Đây là quy định mới bổ sung của Dự thảo có ý nghĩa quan trọng trong việc hướng nội dung cách hiểu di chúc của những người thừa kế theo cùng một hướng. Tuy nhiên, Điều luật không quy định trong trường hợp nếu các đồng thừa kế không nhất trí về cách hiểu nội dung di chúc theo giải thích của Tòa án thì giải quyết như thế nào? Phải chăng giải quyết của Tòa án về cách hiểu nội dung di chúc là quyết định bắt buộc các đồng thừa kế phải tuân theo? Chúng tôi cho rằng, để giải quyết triệt để và bảo đảm quyền lợi của các đồng thừa kế thì Điều 674 Dự thảo cần được bổ sung theo hướng:
“… Khi những người này không nhất trí về cách hiểu nội dung di chúc thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết. Nếu những người thừa kế vẫn không nhất trí về cách hiểu nội dung di chúc theo giải quyết của Tòa án thì coi như không có di chúc và việc chia di sản được áp dụng theo quy định về thừa kế theo pháp luật”.