Công cuộc cải cách tư pháp đã đặt ra những yêu cầu cấp bách và cụ thể cho công tác trợ giúp pháp lý (TGPL), vì vậy, cần có những biện pháp thay đổi phù hợp nhằm đảm bảo ở mức cao nhất quyền tiếp cận pháp luật, tiếp cận công lý của các đối tượng thuộc diện được TGPL.
Ngày 30/3, tại Đà Nẵng, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương phối hợp với Chương trình đối tác tư pháp tổ chức Hội thảo “Trợ giúp pháp lý – Kinh nghiệm của một số quốc gia châu Âu, những vấn đề đổi mới, hoàn thiện tại Việt Nam. Bà Lê Thị Thu Ba - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp (CCTP) Trung ương và Ngài Jacob Gammelgaard, Cố vấn trưởng, Chương trình Đối tác tư pháp chủ trì Hội thảo.
Phát biểu khai mạc, bà Lê Thị Thu Ba nhấn mạnh: Trợ giúp pháp lý (TGPL) là một chính sách lớn trong tổng thể các chính sách xã hội của Nhà nước, mang ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc, được Việt Nam xem là một biện pháp “xóa đói, giảm nghèo về pháp luật” cho các đối tượng yếu thế trong xã hội.
Từ khi hệ thống tổ chức TGPL của Nhà nước được thành lập (1997) đến này, thực tế đã khẳng định TGPL là một chính sách hợp lòng dân nên nhanh chóng đi vào cuộc sống và thu được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tổ chức và hoạt động TGPL trước yêu cầu phát triển của xã hội hiện đang bộc lộ một số hạn chế như: nhận thức về vai trò, ý nghĩa của TGPL chưa sâu rộng; hoạt động TGPL chưa bảo đảm đúng trọng tâm, trọng điểm, còn dàn trải quá nhiều hình thức TGPL; công tác xã hội hóa TGPL diễn ra chậm; sự tham gia của luật sư vào hoạt động TGPL còn hạn chế; trình độ, năng lực trợ giúp viên pháp lý còn hạn chế, đối tượng TGPL hẹp…
“Những hạn chế này cần được khắc phục sớm với các giải pháp đổi mới nhằm đảm bảo ở mức cao nhất quyền tiếp cận pháp luật, tiếp cận công lý của các đối tượng thuộc diện được TGPL theo tinh thần Hiến pháp năm 2013 và phương hướng kiện toàn hoạt động TGPL do Ban Chỉ đạo CCTP Trung ương ương đã đề ra là “đổi mới cơ chế, chính sách nhằm mở rộng đối tượng, nâng cao chất lượng TGPL cho người dân, bảo đảm công lý, công bằng xã hội…”, bà Lê Thị Thu Ba nhấn mạnh.
Đánh giá chất lượng TGPL hiện nay còn mang tính hình thức
Chia sẻ về xu hướng quốc tế trong cải cách công tác TGPL, ông Moling Ryan, Chuyên gia cao cấp về TGPL cho biết: Các nước đều đang bắt đầu áp dụng những tiêu chí TGPL chặt chẽ hơn. Một xu hướng cải cách rất rõ là yêu cầu các bên đương sự phải có đóng góp nhiều hơn, cao hơn. Theo đó, đưa ra 9 hình thức có thể tác động tích cực cơ bản tới chi phí hoặc chất lượng TGPL bao gồm: giảm độ phức tạp trong quy trình tố tụng đối với các nhóm vụ việc; tiếp tục xây dựng các quy trình tố tụng đối với các vụ thường xuyên và khẩn cấp; Giảm các dịch vụ độc quyền của nghề luật; quy định mức phí cố định thay vì mức phí theo giờ đối với luật sư TGPL…
Theo TS Phạm Quý Tỵ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, việc quy định người được TGPL cũng phải đóng góp một phần kinh phí là vấn đề mới đối với Việt Nam nhưng các nước trên thế giới đã áp dụng. Tuy chưa có đủ cơ sở để đánh giá hết những ưu, khuyết điểm nhưng Việt Nam cần tổ chức nghiên cứu kỹ lưỡng biện pháp này để xem xét nếu phù hợp với Việt Nam thì quy định trong pháp luật của Việt Nam.
Mặt khác, theo TS Phạm Quý Tỵ, việc đánh giá chất lượng TGPL hiện nay còn mang tính hình thức, chưa bảo đảm tính khách quan và hiệu quả vì cơ quan thực hiện TGPL cũng chính là cơ quan đánh giá chất lượng vụ việc.
Vì vậy, “cần thiết phải có quy định về cơ chế đánh giá chất lượng TGPL và thủ tục khiếu nại, giải quyết khiếu nại về chất lượng dịch vụ TGPL”, TS Tỵ đưa quan điểm.
Tháo bỏ rào cản đối với người TGPL từ chính những quy định pháp luật
Thực tế cho thấy số lượng vụ việc tố tụng trong lĩnh vực hình sự còn ít so với nhu cầu TGPL của người dân và số luợng án có liên quan đến người được TGPL phải giải quyết hàng năm của cơ quan tiến hành tố tụng. Hiện nay, khoảng 80% vụ án hình sự chưa có người bào chữa, số vụ việc tham gia tố tụng chỉ chiếm 5,7%; tư vấn pháp luật tại trụ sở Trung tâm và Chi nhánh TGPL chiếm 22,9% trong tổng số vụ việc TGPL.
Theo Điều 56 Bộ luật Tố tụng hình sự (TTHS) quy định: 3 chủ thể có thể giúp bị can, bị cáo thực hiện quyền bào chữa là: Luật sư, Bào chữa viên nhân dân và đại diện hợp pháp của bị can, bị cáo. Thế nhưng, GS.TS Lê Hồng Hạnh – Viện trưởng Viện Pháp luật và Kinh tế ASEAN (Hội Luật gia Việt Nam) lại chỉ ra chính những quy định về người bào chữa đang làm cho quyền được nhờ người bào chữa và chất lượng của việc bào chữa trở nên khó khăn.
Đồng thời, pháp luật tố tụng hình sự chưa thực sự tạo điều kiện để thực hiện quyền bào chữa của bị can, bị cáo thông qua việc áp đặt lên các cơ quan tố tụng nghĩa vụ thích hợp như các nghĩa vụ mà cảnh sát, cơ quan điều tra ở các quốc gia áp đặt để thực hiện quyền im lặng. Trên cơ sở này, GS.TS Lê Hồng Hạnh cho rằng song song với việc quy định quyền im lặng, thì chỉ nên quy định người bào chữa là luật sư để bảo đảm chất lượng của hoạt động TGPL; bỏ các quy định về thủ tục của Bộ luật TTHS cũng như các văn bản pháp luật khác về thủ tục.
Phó Cục Trưởng Cục TGPL, Bộ Tư pháp Cù Thu Anh cũng chỉ ra, Bộ luật TTHS chưa quy định trợ giúp viên pháp lý (TGVPL) là người bào chữa, chưa quy định Trung tâm có quyền cử người thực hiện TGPL tham gia tố tụng, dẫn đến việc người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là đối tượng được TGPL, gặp trở ngại trong việc bảo đảm được quyền bào chữa của mình. Mặt khác, trong nhận thức của một số bộ phận thì TGVPL vẫn chỉ là “luật sư loại 2” nên chưa thực sự tin tưởng; trong khi đó, thù lao cho các luật sư tham gia TGPL còn hạn chế, nên đội ngũ luật sư chưa thực sự “mặn mà” với công tác này. “Đề án đổi mới công tác TGPL là cần thiết trong bối cảnh hiện nay nhằm giải quyết các vấn đề này”, ông Cù Thu Anh khẳng định.
Thực tế cho thấy công cuộc CCTP đã đặt ra những yêu cầu cấp bách và cụ thể cho công tác TGPL, vì vậy, TGPL cần có những thay đổi thích hợp. Theo TS Nguyễn Văn Dũng, Phó Viện trưởng Viện Chính sách, pháp luật và quản lý (Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) cần rà soát tính hợp lý, tính hiệu quả của các Trung tâm, các chi nhánh TGPL hiện có. “Cần chấm dứt tình trạng thành lập cho có, theo chỉ tiêu. Nghiên cứu có chính sách hợp lý đối với các tổ chức tham gia TGPL”. TS Dũng đề xuất.
Để đáp ứng yêu cầu “nguyên tắc tranh trụng trong xét xử được bảo đảm” như Hiến pháp năm 2013 quy định, theo TS Nguyễn Văn Dũng cần nâng cao trình độ chuyên môn của TGVPL…/.
Đến nay, trên toàn quốc có 63 Trung tâm TGPL Nhà nước, 199 Chi nhánh của Trung tâm đặt tại cấp huyện và liên huyện, 4.345 Câu lạc bộ TGPL. Tổng số người làm việc tại các Trung tâm và Chi nhánh trong toàn quốc là 1.244 người, trong đó 483 trợ giúp viên pháp lý (TGPL). Đến tháng 6/2013, cả nước có 317 tổ chức đăng ký tham gia TGPL, trong đó có 277 tổ chức hành nghề luật sư, 40 Trung tâm tư vấn pháp luật. Tổng số cộng tác viên trong toàn quốc là 8.980 người, trong đó có 1.055 luật sư. Từ khi triển khai thi hành Luật TGPL đến tháng 6/2014, hệ thống TGPL của Nhà nước đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, thực hiện được 824.344 vụ việc TGPL cho 843.533 người thuộc diện TGPL.