Hoạt động giám định tư pháp chưa được quan tâm đúng mức

14:21, 06/03/2015

Sáng 6/3, tại trụ sở Chính phủ, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp lần thứ 4 Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án "Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp" (Gọi tắt là Đề án 258). Tham dự phiên họp có Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường và lãnh đạo một số Bộ, Ban, ngành, Trung ương và địa phương.

Báo cáo của Ban chỉ đạo thực hiện Đề án cho biết: Trong năm 2014, các cơ quan có thẩm quyền đã xây dựng và ban hành được một số lượng đáng kể văn bản hướng dẫn Luật giám định tư pháp, có thêm 4 tỉnh, thành phố kiện toàn Trung tâm pháp y theo quy định của Luật giám định tư pháp, nâng tổng số tổ chức giám định tư pháp công lập trong lĩnh vực pháp y ở một số địa phương lên 54 trung tâm; đội ngũ giám định viên, người giám định tư pháp theo vụ việc tổ chức được tăng cường về số lượng và nâng cao về chất lượng với tổng số giám định viên tư pháp trong toàn quốc lên khoảng 4.800 người. Đặc biệt, công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu và chế độ, chính sách đãi ngộ đối với người giám định được quan tâm với việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 01 về chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp đã tạo bước ngoặt mới trong việc dự toán, thanh quyết toán tiền bồi dưỡng giám định tư pháp tạo động lực trong hoạt động giám định tư pháp...

 

Tại phiên họp, đại diện các Bộ, ngành, địa phương đã tập trung thảo luận các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2015 nhằm nâng cao nhận thức về công tác giám định tư pháp. Các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại hạn chế trong việc tổ chức triển khai thực hiện Đề án 258 như: Việc thực hiện chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp ở một số địa phương còn chậm, tình trạng nợ tiền bồi dưỡng đối với người giám định tư pháp vẫn tồn tại ở một số địa phương. Một số Bộ, ngành được phân công chủ trì thành lập đoàn kiểm tra để kiểm tra theo Kế hoạch của Ban Chỉ đạo chưa dành sự quan tâm thích đáng cho hoạt động này.

 

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thuý Hiền cho biết: "Việc ban hành văn bản hướng dẫn Luật giám định tư pháp tuy có nhiều chuyển biến nhưng vẫn còn chậm so với yêu cầu, vẫn còn một số nội dung về giám định tư pháp cần được hướng dẫn nhưng đến nay vẫn chưa được các Bộ, ngành thực hiện. Việc củng cố kiện toàn tổ chức giám định tư pháp công lập, trong lĩnh vực pháp y ở một số địa phương chưa quyết liệt. Tính đến thời điểm hiện nay vẫn còn 8 tỉnh chưa thực hiện củng cố, kiện toàn tổ chức giám định tư pháp công lập trong lĩnh vực pháp y theo quy định của Luật giám định tư pháp".

 

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án "Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp" nhấn mạnh: Việc thực hiện các nhiệm vụ của Đề án theo đúng Kế hoạch của Chính phủ là yêu cầu bắt buộc, là trách nhiệm của các Bộ, ngành, các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương. 

 

Phó Thủ tướng đề nghị: Các bộ, ngành, địa phương cần rà soát để xác định những nhiệm vụ cụ thể đã được giao theo Đề án, tập trung thực hiện việc giám định phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng, không để tồn đọng ảnh hưởng đến hoạt động tố tụng. Đồng thời, đề xuất thành lập tổ chức giám định tư pháp công lập ở các lĩnh vực cần thiết, khuyến khích thành lập Văn phòng giám định tư pháp ở các lĩnh vực theo quy định của Luật giám định tư pháp./.