Nguồn tin hữu ích từ nhân dân

08:42, 17/03/2015

Trong công tác phòng ngừa, đấu tranh trấn áp các loại tội phạm, tệ nạn xã hội (TNXH), sự chủ động vào cuộc của cơ quan chức năng, nhất là lực lượng công an có vai trò đặc biệt quan trọng.

Tuy nhiên, các loại tội phạm ngày càng gia tăng, hoạt động tinh vi thì sự mạnh dạn, tinh thần trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân trong việc tố giác, tín báo về tội phạm sẽ giúp cơ quan chức năng xử lý hiệu quả và kịp thời…

 

Trong những năm gần đây, tình hình vi phạm, tội phạm trên địa bàn tỉnh vẫn có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp với thủ đoạn phạm tội của các đối tượng ngày càng tinh vi, gây hậu quả xấu đối với trật tự an toàn xã hội, xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ công dân, làm thiệt hại về tài sản cho cơ quan, tổ chức và cá nhân. Một số loại tội phạm nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng vẫn còn xảy ra trên địa bàn tỉnh, như: Buôn bán trái phép các chất ma tuý; giết người; cướp tài sản; cố ý gây thương tích; lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; hiếp dâm; đánh bạc và tổ chức đánh bạc; vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ gây hậu quả nghiêm trọng… Trước tình hình đó, các cơ quan bảo vệ pháp luật trong tỉnh đã triển khai đồng bộ các văn chỉ đạo của các cơ quan tư pháp Trung ương; tham mưu với cấp uỷ, chính quyền các cấp trong tỉnh để phát động phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc; thành lập các tổ, đội ở cơ sở để huy động sức mạnh toàn dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm TNXH; tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức cảnh giác đối với các hành vi phạm tội; xây dựng các hòm thư, đường dây nóng về tố giác, tin báo tội phạm.

 

Với các giải pháp nêu trên, người bị hại trong các vụ án và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã mạnh dạn tố giác tội phạm, tin báo tội phạm cho cơ quan chức năng để kịp thời vào cuộc điều tra, xử lý giải quyết. Mỗi năm, cơ quan điều tra 2 cấp của tỉnh (cấp tỉnh và cấp huyện) thụ lý khoảng 2 nghìn tin báo, tố giác và kiến nghị khởi tố. Đại tá Phạm Đức Đang, Phó Giám đốc Công an tỉnh thông tin: Chúng tôi đã chỉ đạo cơ quan công an các cấp trong tỉnh phải lập sổ theo dõi tố giác, tin báo về tội phạm để phận loại, xử lý kịp thời theo luật định. Từ nguồn tin của các tổ chức, cá nhân, hành vi phạm tội, tội phạm đã bị điều tra, truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc xử lý theo quy định của pháp luật. Còn đồng chí Ngô Thanh Hải, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh lại khẳng định: Công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm của cơ quan chức năng trong tỉnh thời gian quan có nhiều chuyển biến tích cực. Sự phối hợp giữa Viện kiểm sát Nhân dân 2 cấp trong tỉnh với cơ quan điều tra cùng cấp và các cơ quan hữu quan ngày càng được tăng cường, đảm bảo việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm được thực hiện nghiêm túc, kịp thời, đúng pháp luật. Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố theo Thông tư số 06/TTLT/2013 của các cơ quan Trung ương, kết quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm của các cơ quan chức năng trong tỉnh đã đạt trên 90% (quyết định khởi tố đạt 63%; quyết định không khởi tố 18,6%; chuyển tin xử lý theo quy trình an ninh trật tự 2 tin; số tin tồn còn 185 tin).

 

Nhận thức vấn đề giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm có vai trò đặc biệt quan trọng đối với việc giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh, ngày 11-6-2014, Tỉnh uỷ đã có Chỉ thị số 43-CT/TU  về việc tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng đối với công tác xử lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố trên địa bàn tỉnh. Trong đó, Tỉnh uỷ yêu cầu cấp uỷ, chính quyền và đoàn thể, cơ quan, đơn vị, cán bộ đảng viên và nhân dân trên địa bàn tỉnh thực hiện một số nhiệm vụ trong công tác này, như: Tiếp tục tổ chức quán triệt và triển khai nghiêm túc, có hiệu quả các văn bản của Đảng, Nhà nước về công tác phòng, chống tội phạm, TNXH để nâng cao nhận thức; cấp uỷ, chính quyền các cấp trong tỉnh phải thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện việc phòng, chống vi phạm, tội phạm, đảm bảo mọi tố giác, tin báo về tội phạm phải được phát hiện và chuyển cơ quan điều tra có thẩm quyền xem xét xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật, không để tình trạng vụ việc xảy ra nhiều ngày nhưng không thông báo cho cơ quan chức năng hoặc không được giải quyết theo trình tự, thẩm quyền…

 

Đây là văn bản chỉ đạo quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng; phòng, chống tội phạm TNXH nên các đảng bộ trực thuộc Tỉnh uỷ đã triển khai kịp thời. Trong đó, Thành uỷ Thái Nguyên là một trong những đơn vị quán triệt, triển khai Chỉ thị số 43-CT/TU sớm nhất. Đồng chí Nguyễn Hoàng Mác, Chánh văn phòng Thành uỷ cho biết: Sau khi có Chỉ thị của Tỉnh uỷ, Thường trực Thành uỷ đã tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai và chỉ đạo các cơ quan chức năng trên địa bàn, như: Viện Kiểm sát Nhân dân; Cơ quan điều tra; Chi cục Thuế; Đội Quản lý thị trường; Hạt Kiểm lâm; Thanh tra ký Quy chế phối hợp giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Theo thông tin từ cơ quan điều tra Công an T.P Thái Nguyên, từ khi  triển khai Chỉ thị số 43 của Tỉnh uỷ, số tố giác, tin báo về tội phạm trên địa bàn có tăng so với giai đoạn trước, nhất là những hành vi phạm tội, tội phạm về trật tự an toàn xã hội và hành vi vi phạm quy định khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

 

Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ các cấp trong tỉnh, sự vào cuộc có trách nhiệm của các cơ quan chức năng liên quan và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh mạnh dạn trong việc tố giác, cung cấp nhiều tin báo về tội phạm để các ngành chức năng vào cuộc điều tra, xử lý hiệu quả, sẽ góp phần giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.