Tư cách pháp lý của chủ hộ gia đình trong quan hệ pháp luật dân sự

16:09, 24/03/2015

Trong  nhóm vấn đề thứ 3 (chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự), Dự thảo Luật Dân sự (sửa đổi) quy định chủ thể của quan hệ dân sự bao gồm: Cá nhân, pháp nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác là phù hợp với thực tế các mối quan hệ giao dịch dân sự hiện nay.

Trong các hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo luật Dân sự (sửa đổi) được tổ chức thời gian qua đã có một số ý kiến đóng góp … Theo Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Khánh Quắc: Quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cá nhân, pháp nhân tham gia quan hệ dân sự như quy định trong Dự thảo Luật Dân sự (sửa đổi) đã rõ và phù hợp với thông lệ quốc tế. Nhưng riêng đối với hộ gia đình, tôi đề nghị cơ quan soạn thảo cần làm rõ hơn về các mặt: Tài sản chung của các hộ gia đình; chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của hộ gia đình. Trong Điều 106, Bộ Luật Dân sự 2005 quy định: “Hộ gia đình mà các thành viên có tài sản chung, cùng đóng góp công sức để hoạt động kinh tế chung trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp hoặc một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác do pháp luật quy định là chủ thể khi tham gia quan hệ dân sự thuộc lĩnh vực này”.

 

Quy định như vậy nên đã dẫn đến những cách hiểu khác nhau, như: Các thành viên trong hộ gia đình có quyền, nghĩa vụ như nhau; đại diện chủ hộ có quyền định đoạt tài sản chung của gia đình; chủ hộ là chủ thể khi tham gia các quan hệ dân sự... Điều 119 của Dự thảo Luật Dân sự (sửa đổi) đã quy định rõ, chi tiết hơn vai trò của hộ gia đình trong quan hệ dân sự: Hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân tham gia quan hệ dân sự thông qua cá nhân là người đại diện hoặc là thành viên của mình. Các thành viên có thể thoả thuận cử người đại diện thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự vì lợi ích chung. Quy định như trên là đúng và phù hợp bởi thực tế trong nhiều mối quan hệ dân sự, hộ gia đình vẫn được coi là chủ thể, như: Cấp quyền sử dụng đất; hợp đồng cung cấp điện, nước…và được pháp luật công nhận.

 

Còn ông Nguyễn Hùng Tráng, Phó Chủ tịch Hội Luật sư tỉnh cho rằng: Dự thảo Luật Dân sự (sửa đổi) nên quy định thêm nội dung các thành viên của hộ gia đình có thể thoả thuận để cử người đại diện bằng văn bản khi thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự vì lợi ích chung để tạo điều kiện về mặt pháp lý, sự thuận lợi cho cơ quan Nhà nước khi chứng thực các quan hệ dân sự. Trong thực tế, có trường hợp chủ hộ nói đã được các thành viên trong gia đình đồng ý thực hiện giao dịch dân sự nhưng khi ký kết, thực thi hợp đồng dân sự lại gặp trở ngại vì có thành viên trong gia đình không đồng ý 1 hoặc tất cả các nội dung trong hợp đồng. Hoặc Dự thảo Luật Dân sự (sửa đổi) nên bổ sung thêm nội dung, thủ tục để khẳng định rõ ràng quyền của chủ hộ trong các quan hệ dân sự.

 

Theo Điều 109 của Bộ Luật Dân sự năm 2005, việc định đoạt tài sản là tư liệu sản xuất, tài sản chung có giá trị lớn của hộ gia đình phải được các thành viên từ đủ 15 tuổi trở lên đồng ý; đối với các tài sản khác phải được đa số thành viên từ đủ mười lăm tuổi trở lên đồng ý là quy định “đóng” nên trong quá trình thực hiện có những vướng mắc đối với những trường hợp khi định đoạt tài sản có thành viên dưới 15 tuổi nhưng xảy ra tranh chấp thành đã đủ 15 tuổi và đề nghị được bảo về quyền sở hữu tài sản của mình. Dự thảo Luật Dân sự (sửa đổi) đã quy định chặt chẽ hơn, như: Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân được thực hiện theo thoả thuận của các thanh viên.

 

Trong thực tế còn thêm một vấn đề nữa mà các nhà soạ thảo Dự thảo Luật Dân sự (sửa đổi) nên nghiên cứu bổ sung là quyền từ chối sở hữu tài sản chung của hộ gia đình. Vì thực tế có nhiều trường hợp thành viên trong 1 gia đình khi kết hôn, ra ở riêng đã tách khẩu (không còn tên trong sổ Hộ khẩu của gia đình) nhưng quyền sở hữu tài sản chung vẫn còn. Từ “lỗ hổng” này sẽ có nguy cơ xảy ra tranh chấp trong giao dịch dân sự hoặc tình trạng xâm phạm tài sản của người khác khi chưa được phép nếu đại diện chủ hộ cố ý, sơ ý không cung cấp thông tin về các thành viên cùng quyền sở hữu tài sản. Mặc dù, Dự thảo Luật Dân sự (sửa đổi) đã quỹ định về bảo vệ “người thứ 3 ngay tình” nhưng vẫn nên có điều quy định về chia tài sản chung hoặc từ chối quyền sở hữu trong khối tài sản chung khi tách khẩu khỏi hộ gia đình để khi thực thi pháp luật được thuận lợi, dễ đi vào cuộc sống…