Cần xử lý tình trạng phát tờ rơi trên đường

15:33, 11/04/2016

Hiện nay, tại T.P Thái Nguyên, hình thức quảng cáo bằng việc phát tờ rơi cho người đi đường diễn ra ngày càng phổ biến. Tình trạng này đã gây ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, mất an toàn giao thông và gây phiền toái cho người “được” nhận quảng cáo.

Một buổi chiều cuối tuần, tôi vừa đến cổng trường Mầm non 19-5 (T.P Thái Nguyên) đón con liền bị 3 bạn trẻ “chặn” xe và dúi vào tay vài tờ rơi quảng cáo khai trương nhà hàng ăn và cửa hàng quần áo trẻ em, trong đó là hàng loạt hình ảnh giới thiệu sản phẩm được in màu lòe loẹt cùng với những từ ngữ như: Dịch vụ tốt nhất, sản phẩm chất lượng nhất... Xem xong, tôi đề nghị gửi lại vì không có chỗ cất thì một người trong nhóm phát tờ rơi xua tay nói:

 

- Chúng em không nhận lại ạ, em còn nhiều tờ rơi thế này, ai cũng trả lại thì em phát bao giờ mới hết?

 

Nán lại trò chuyện, tôi được biết bạn trẻ này tên Vũ Thị Vân, quê ở một tỉnh miền Trung, hiện đang là sinh viên năm 3, khoa Ngữ văn của trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên. Theo Vân thì mỗi một đợt phát tờ rơi quảng cáo cho một cửa hàng, dịch vụ… thường diễn ra trong thời gian từ 1 đến 3 ngày, mỗi ngày người phát sẽ được giao từ 1.000 đến 2.000 tờ rơi để đi phát, điểm đến là những nơi tập trung đông người như cột đèn tín hiệu giao thông, chợ hoặc các cổng trường… đây cũng là địa điểm mà người thuê họ đã quy định để đứng phát. Đội ngũ tham gia “nghề” này chủ yếu là học sinh, sinh viên tranh thủ thời gian để kiếm thêm thu nhập, thù lao của một ngày được trả từ 100-150 nghìn đồng.

 

Trong lúc trò chuyện với tôi, Vân vẫn tranh thủ gài tờ rơi vào giỏ đựng đồ, đuôi xe, thậm chí là cả chỗ để chân của những chiếc xe ra vào cổng trường mà không cần biết người nhận có muốn hay không. Qua quan sát, tôi thấy những tờ rơi phát ra được rất ít người chú ý xem nội dung trong đó, người không quan tâm thì thường thả ngay vào các thùng rác đặt ở quanh sân trường hoặc vứt luôn xuống đất khiến khu vực sân trường trở nên nhếch nhác. Tôi hỏi chuyện một số người khi được nhận tờ rơi, đa số đều cho biết cảm thấy rất phiền phức, thậm chí có lúc đã từ chối người phát nhưng vẫn không “thoát” được. Bà Lê Thị Sen, ở tổ 2, phường Quang Trung (T.P Thái Nguyên) cho biết: Nhiều hôm ngoài đường nhận tờ rơi rồi, về đến nhà lại thấy vài tờ gài ở cửa, thậm chí là cả quyển quảng cáo khuyến mãi của các siêu thị điện máy… Hầu như tôi không bao giờ để ý đến nội dung trong tờ rơi và cảm thấy rất khó chịu khi phải nhận nó.

 

Không chỉ gây phiền toái cho người nhận, việc làm này còn gây mất an toàn giao thông. Tại những tuyến đường chính như Lương Ngọc Quyến, Hoàng Văn Thụ…là nơi có mật độ người qua lại đông thì không khó để bắt gặp hình ảnh nhiều bạn trẻ đứng canh đèn tín hiệu giao thông đặt ở các trục đường này để phát tờ rơi. Mỗi khi đèn đỏ xuất hiện là họ lập tức tràn xuống lòng đường, len lỏi vào giữa dòng xe cộ nhét quảng cáo vào tay mọi người. Anh Vũ Quang Trung, ở tổ 3, phường Đồng Quang cho biết: Phát tờ rơi ở các ngã tư nguy hiểm cho cả người phát và người nhận bởi nếu đèn xanh bật lên, người phát không chú ý thì rất dễ bị quệt xe, còn người nhận thì vì mải xem thông tin quảng cáo nên nhiều người vừa lái xe vừa đọc tờ rơi, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn. Tôi nghĩ cần phải xử phạt nghiêm đối với những đơn vị sử dụng hình thức quảng cáo như vậy.

 

Phần lớn, nhiều người nhận tờ rơi xong thường thả luôn xuống đất nên ở những điểm phát như vậy chỉ chưa đầy 1 tiếng rác đã phủ đầy mặt đường, xe cộ chạy qua lại cuốn theo những tờ quảng cáo bay lả tả. Chị Nguyễn Thị Hoa, công nhân của Công ty CP Môi trường và công trình đô thị Thái Nguyên cho biết: Việc phát tờ rơi như vậy không khác gì … phát rác, chúng tôi rất vất vả mỗi khi phải đi thu gom, nhiều lần phải ra tận lòng đường để quét. Ngày nắng còn đỡ chứ những ngày mưa tờ rơi dính bết vào mặt đường vừa bẩn, vừa khó quét.

 

Trước thực trạng như này, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý, chấn chỉnh đối với những cá nhân, đơn vị quảng cáo để góp phần xây dựng hình ảnh mỹ quan đô thị của thành phố được sạch đẹp hơn.

 

Theo Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo nêu rõ: Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với các hành vi làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông; quảng cáo có sử dụng các từ ngữ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định; ép buộc cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện quảng cáo hoặc tiếp nhận quảng cáo trái ý muốn.