Góp phần nâng cao hiệu quả giải quyết án

17:21, 06/06/2016

Không để xảy ra án oan, sai và án bị đình chỉ vì không phạm tội, tình trạng hoàn hồ sơ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng do lỗi chủ quan được hạn chế một cách tối đa, không để xảy ra điểm nóng trong hoạt động tố tụng... Đó là nét nổi bật trong hoạt động chuyên môn của Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) huyện Đồng Hỷ trong những năm trở lại đây.

Ông Nguyễn Thế Chung, Viện trưởng VKSND huyện Đồng Hỷ cho biết: Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được đơn vị lựa chọn làm khâu đột phá là kiểm sát chặt chẽ việc tiếp nhận, phân loại, xử lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố đảm bảo không oan, không bỏ lọt tội phạm, chính xác và kịp thời; phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra trong phân loại xử lý tin báo, tố giác tội phạm, nắm chắc tình hình phạm tội xảy ra tại địa phương. Không để xảy ra tình trạng tin báo cơ quan điều tra tiếp nhận giải quyết nhưng VKS không kiểm sát được.

 

Bởi vậy, ngay sau khi có thông tin vụ việc, lãnh đạo cơ quan cập tức cử ngay kiểm sát viên đến hiện trường, tham gia phối hợp ngay từ đầu khi cơ quan điều tra tiếp nhận thông tin và chủ động đề ra yêu cầu xác minh tin báo. Hằng ngày, tuần, kiểm sát viên trao đổi thông tin với điều tra viên của cơ quan công an, cùng thu thập chứng cứ để giải quyết.

 

Ông Chung chia sẻ: VKS là “mắt xích” giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, vừa trực tiếp vừa gián tiếp nên điều quan trọng là phải giữ được sự tỉnh táo để tham gia, giám sát và đánh giá toàn diện, khách quan nhất trong quá trình giải quyết án. Do đó, lãnh đạo đơn vị và kiểm sát viên phải luôn đề cao tinh thần trách nhiệm, sâu sát, trực tiếp nghiên cứu hồ sơ. Kiểm sát viên phối hợp với điều tra viên trực tiếp đến hiện trường nghiên cứu, tìm chứng cứ, phân tích các tình tiết đồng thời cùng hồi cung, phúc cung (thẩm định, củng cố lại lời khai, hồ sơ) đối với nghi can. 

 

Không chỉ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên ngành, VKSND huyện còn chấp hành nghiêm chế độ thỉnh thị đối với ngành dọc cấp trên, nhất là trước những vụ việc phức tạp. Chẳng hạn trong vụ việc Ngô Văn Hồng (trú tại xã Tân Long) là một ví dụ. Hồng bị bắt vì phạm tội cướp tài sản. Theo lời khai của Hồng nguyên nhân dẫn đến việc hắn cướp xe máy là trước đó, Hồng cùng bị hại cùng đánh bạc với nhau. Bị hại thua nên Hồng bắt người đó viết giấy vay nợ. Trong vụ án này, có quan điểm cho rằng Hồng đã phạm tội đánh bạc. Tuy nhiên VKS đã giữ nguyên quản điểm Hồng không phạm tội này vì chưa rõ hành vi, không thu được vật chứng. Cẩn trọng hơn, cơ quan vẫn thỉnh thị VKSND tỉnh và được cấp trên đồng tình quan điểm. Theo đó, cơ quan điều tra cũng đã không khởi tố hành vi đánh bạc đối với Hồng và các đối tượng khác.

 

Trong quá trình giải quyết án, VKSND huyện Đồng Hỷ luôn nâng cao tinh thần trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra nên tiến độ, chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra được đảm bảo và từng bước nâng cao. Có thể lấy ví dụ từ vụ Vũ Ngọc Long phạm tội mua bán trái phép chất ma tuý. Theo đó, ngày 15-6-2015, Công an huyện Đồng Hỷ bắt được 2 đối tượng có hành vi sử dụng trái phép chất ma tuý. Qua đấu tranh khai thác, các đối tượng khai là mua ma tuý của Vũ Ngọc Long (trú tại xóm Vải, xã Hoá Thượng). Cùng ngày, lực lượng chức năng đã tiến hành khám xét khẩn cấp chỗ ở của Long, phát hiện và thu giữ 8 gói nhỏ heroin (có trọng lượng 1,44g). Tuy nhiên, Long không thừa nhận hành vi phạm tội của mình và biện ra chứng cớ ngoại phạm. Trong quá trình tố tụng, VKS đã yêu cầu cơ quan điều tra giám định mẫu vật chứng, đồng thời cùng điều tra viên xác định hiện trường các đối tượng mua bán ma tuý. Không những vậy, kiểm sát viên còn tự mình đi phúc cung, ghi lời khai của bị can, của các nhân chứng mà bị can nói đã gặp để làm rõ mâu thuẫn trong lời khai. Bản thân Long cũng là đối tượng có sử dụng ma tuý, được công an xã xác nhận. Song song với đó, tại các lời khai, biên bản đối chất hồ sơ (cũng như trước toà sau này) nhiều nhân chứng khẳng định được mua ma tuý của Long về sử dụng… Từ những luận chứng, luận cứ xác đáng, Long đã bị truy tố trước Toà và hiện đang chấp hành án với hình phạt 7 năm tù.

 

Kiểm sát viên Đàm Thị Hoàn, người trực tiếp thụ lý vụ án trên cho biết: Để làm tốt nhiệm vụ thì mỗi kiểm sát viên phải nghiên cứu kỹ tài liệu, đề ra yêu cầu điều tra đúng pháp luật, chính đáng để cơ quan điều tra đáp ứng, quan trọng hơn và phải tham gia vụ án từ đầu đến cuối. Sau khi kết thúc điều tra và trước khi hoàn thành bản cáo trạng, kiểm sát viên phải tiến hành phúc cung, củng cố lại lời khai bị can. Đây là bước khá quan trọng giúp hạn chế tối đa thiếu sót trong quá trình tố tụng. Và từ cuối năm 2015, lãnh đạo VKS yêu cầu 100% vụ án phải được kiểm sát viên phúc cung.

 

Nhờ thực hiện nghiêm túc quy chế công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, xét xử mà tình trạng án oan, sai và án bị hoàn hồ sơ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng được hạn chế. Trong năm 2015, đơn vị thụ lý thực hành quyền công tố và kiểm sát, truy tố 96 vụ/161 bị can, không có án bị đình chỉ điều tra do không phạm tội. VKS ra quyết định truy tố đúng thời hạn, đúng tội 100% số vụ có kết luận điều tra, tỷ lệ giải quyết án của VKS đạt 100%. Tỷ lệ án hoàn trả hồ sơ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng chỉ có 0,9%. Không có án VKS truy tố mà toà tuyên không phạm tội. Từ đầu năm đến nay, VKSND Đồng Hỷ tiếp nhận, thụ lý trên 70 vụ, đơn vị đã hoàn thành cáo trạng chuyển toà án nhân dân cùng cấp 49 vụ trên đề nghị của cơ quan điều tra, không có hồ sơ bị quá hạn. Nếu như trong quý I năm 2016, toàn tỉnh có 6 vụ toà trả hồ sơ cho VKS (bằng 2,1%) và VKS trả hồ sơ cho cơ quan điều tra 4 vụ (bằng 1,3%) thì tại huyện Đồng Hỷ không để xảy trường hợp nào.