Nên đưa tủ sách pháp luật về khu dân cư

17:32, 07/06/2016

Tủ sách pháp luật (TSPL) là một hình thức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật quan trọng đến với cán bộ, người dân, góp phần đưa pháp luật vào cuộc sống, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành luật pháp, nâng cao dân trí… Tuy nhiên trước thực tế TSPL được bố trí ở các xã, thị trấn như ở huyện Đồng Hỷ cho thấy, kênh thông tin tuyên truyền này tỏ ra kém hiệu quả và bất cập.

TSPL xã Khe Mo được bố trí tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của xã. Trong tủ chứa khoảng 100 đầu sách các loại. Bằng cảm quan, người dân có thể dễ dàng nhìn thấy và hỏi mượn các cuốn sách để đọc tại chỗ hoặc đăng ký mượn về đọc. Vậy nhưng, dường như nó lại không được mấy ai để ý đến. Bà con đến đây đơn thuần chỉ làm thủ tục hành chính, nếu có vấn đề liên quan đến pháp luật hay vướng mắc thì cũng hỏi trực tiếp cán bộ chuyên môn của xã. Chị Nguyễn Kim Dung, công chức tư pháp xã cho hay: Việc người dân đến xã tìm đến TSPL để đọc, nghiên cứu rất ít, có chăng cũng chỉ có một vài người tìm đọc trong khi chờ đợi lấy kết quả thủ tục hành chính. Cuốn sổ theo dõi người mượn qua nhiều năm số lượng cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

 

Anh Tạ Quang Bảy, người dân xóm Ao Rôm 1 (xã Khe Mo) đến bộ phận một cửa của xã làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho biết: Chỉ khi có việc cần tôi mới lên xã nên không biết đến TSPL.

 

Theo chị Dung, lượng sách có trong TSPL của xã hoàn toàn là do được trên cấp xuống. Còn suốt nhiều năm qua, xã không bố trí được nguồn kinh phí để mua sắm, bổ sung, đặc biệt là những sách, văn bản pháp luật mới. Cũng từ những lý do đó mà sách về pháp luật, nhất là luật mới được sửa đổi, bổ sung hiện rất thiếu.

 

Là trung tâm hành chính của huyện đóng trên địa bàn, dân số đông nhưng việc khai thác TSPL của thị trấn Chùa Hang cũng không khá hơn là mấy. Hiện tủ sách được bố trí tại phòng tiếp công dân của UBND thị trấn. Trong tủ có khoảng 100 đầu sách. Theo anh Phương Huy Quân, Công chức Tư pháp - hộ tịch thị trấn, từ đầu năm đến nay, địa phương được cấp 20 cuốn sách, chủ yếu là các luật, chính sách mới. Còn lại phần lớn là sách luật cũ và các loại sách khác. Tất nhiên, toàn bộ những số sách trên có được là được cấp chứ địa phương không có kinh phí mua sắm.

 

Còn theo cùng tôi, vấn đề đặt ra ở đây là dù nhiều ít, sách cũ hay mới thì nó vẫn chưa được nhiều người tìm đọc. Cuốn số theo dõi người mượn sách của anh Quân mặc dù đã trải qua nhiều năm nhưng cũng chỉ viết được vẻn vẹn có mấy trang. Tên, địa chỉ ghi trong sổ cũng là một số cán bộ của thị trấn. Anh Quân chia sẻ: Hiện nay, bản thân công chức tư pháp - hộ tịch như tôi phải kiêm nhiệm rất nhiều việc cùng lúc như: công tác tiếp dân; trực ở bộ phận môt cửa; quản lý và đăng ký hộ tịch; quản lý, hướng dẫn khai thác tủ sách pháp luật… do vậy cũng không thể “túc trực” thường xuyên ở TSPL để phục vụ bà con.

 

Qua tìm hiểu, các TSPL tại các xã, thị trấn khác đều cùng chung một thực trạng. Phần lớn, các địa phương đều chờ sách được cấp, UBND các xã không bố trí được kinh phí để bổ sung sách, báo, tài liệu pháp luật mới. Ngoài ra, TSPL được bố trí ở phòng làm việc của cán bộ tư pháp hoặc bộ phận một cửa nên cho người dân ngại đến tìm đọc trong giờ hành chính, muốn đọc ngoài giờ ngoài giờ hành chính lại không có ai phục vụ. Trong khi đó, văn bản quy phạm pháp luật (luật, nghị định, thông tư…) được sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ hằng năm khá nhiều làm cho việc cập nhật thay thế kịp thời gặp nhiều khó khăn, không đáp ứng kịp thời nhu cầu tìm đọc của người dân khi cần đến… Điều khó nữa là người dân, thậm chí là đội ngũ cán bộ cấp xã chưa có thói quen tự tìm hiểu pháp luật thông qua TSPL, ngay cả khi có những vướng mắc liên quan đến pháp luật hoặc quyền lợi bị xâm phạm cũng chẳng mấy khi tìm đến sách mà hỏi thẳng cán bộ chuyên trách ở xã.

 

Bà Nguyễn Thị Phương Nhiên, Trưởng phòng Tư pháp huyện Đồng Hỷ cho biết: Hiện nay toàn huyện có 21 TSPL đặt ở các xã, thị trấn và được xây dựng từ đầu những năm 2000. Qua kiểm tra hằng năm cho thấy, hầu hết các địa phương đều rất hạn chế trong việc mua bổ sung sách cho TSPL mà chủ yếu là chờ sách cấp do kinh phí hạn hẹp. Bên cạnh đó, khu trưng bày, không gian dành cho người đọc, mượn chưa phù hợp nên hiệu quả khai thác còn thấp.

 

Nhiều người đặt ra câu hỏi: Liệu có nên duy trì TSPL? Nếu duy trì thì cần phải có giải pháp để phát huy hiệu quả thực tế của nó? Về vấn đề này, trước hết phải khẳng định rằng, TSPL là một chủ trương của Chính phủ, là kênh thông tin chính thống, có giá trị, công cụ hữu ích hỗ trợ trong việc tìm hiểu pháp luật, áp dụng pháp luật trong hoạt động quản lý điều hành của nhà nước. Việc xây dựng, quản lý, khai thác TSPL góp phần nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật của người dân, hạn chế tình trạng khiếu kiện vượt cấp, kéo dài, đồng thời là cẩm nang của cán bộ cơ sở trong công tác chuyên môn.

 

Vậy, làm thế nào để phát huy tối đa hiệu quả của TSPL? Theo ông Phạm Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Khe Mo cho rằng, nên đưa TSPL về tận xóm, bản để người dân dễ tiếp cận. Đưa tủ sách về các nhà văn hoá, giao cho xóm quản lý. Xã và xóm phải thống nhất xây dựng kế hoạch hoạt động, lịch làm việc (lịch trực) cho người được giao nhiệm vụ. Bên cạnh đó, huyện, xã triển khai tập huấn nghiệp vụ quản lý, khai thác cho đội ngũ này và thường xuyên có phương án luân chuyển, đảo các đầu sách giữa các TSPL. Còn ông Dương Tiến Vững, Chủ tịch UBND thị trấn Chùa Hang kiến nghị, nên đưa TSPL về các cụm khu dân cư để quản lý, khai thác. Bởi điều thuận lợi ở thị trấn, người dân sống tập trung và cứ 2, 3 tổ dân phố sử dụng chung 1 nhà văn hoá. Một số ý kiến lại đề nghị nên đưa TSPL ở xã đặt tại điểm bưu điện văn hoá xã để vừa kết hợp, phát huy được cơ sở vật chất sẵn có, nhân lực đồng thời áp dụng mạng thông tin điện tử trong việc tra cứu thông tin. Hơn nữa, đến đây, người dân cũng có cảm giác thoải mái hơn là lên đọc hoặc mượn sách trên trụ sở UBND.

 

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Phương Nhiên chia sẻ: Trước thực tế hiện tại vẫn nên để TSPL tại các xã, thị trấn vì ở đây có cán bộ quản lý, khai thác và hướng dẫn người đọc. Cần thiết, người dân đọc mà chưa hiểu thì có thể hỏi trực tiếp cán bộ chuyên trách. Hơn nữa, để TSPL ở 1 nơi, số lượng đầu sách cần bổ sung thường xuyên không cần quá nhiều (nhưng cũng phải được quan tâm đứng mức và tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu về tủ sách cho người dân biết). Còn nếu đưa tủ sách về tại các xóm, tổ dân phố thì quá tốt nhưng cần có lộ trình, quan trọng nhất là nguồn kinh phí sẽ rất lớn trong việc đầu tư tủ sách, bổ sung các loại sách nhất là những sách, văn bản pháp luật mới.

 

Bà Phạm Thuý Ngân, trú tại tổ 7, thị trấn Chùa Hang cho biết: Nếu đưa TSPL về tới nhà văn hoá các khu dân cư hoặc tổ dân phố thì quá tốt, người dân như chúng tôi sẽ có điều kiện thuận lợi và có nhiều thời gian để tìm hiểu.

 

Qua tìm hiểu tại các địa phương khác trong tỉnh về hoạt động của TSPL, chúng tôi thấy hầu hết các tủ sách đều cùng chung thực trạng như đã phản ánh ở huyện Đồng Hỷ. Nhiều phương án được kiến nghị, đề xuất nhưng giải pháp nào cũng cần sự quan tâm, chỉ đạo vào cuộc của tỉnh thậm chí là các cấp, ngành chức năng của Trung ương. Quan trọng hơn là tuyên truyền, giới thiệu về TSPL và khơi dậy tinh thần, ý thức đọc sách, tìm hiểu các luật, chính sách mới của cán bộ và người dân.