Quảng Trị niêm phong 25 tấn cá nục bị nhiễm chất Pheno

08:12, 12/06/2016

Chiều 11/6, đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Quảng Trị đã tiến hành niêm phong 25 tấn cá nục tại kho lạnh của bà Lê Thị Thuộc, khu phố An Đức 3, thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị để chờ xử lý theo quy định. Đây là số cá qua kiểm nghiệm chất lượng có kết quả bị nhiễm chất Phenol, chất cực độc cấm dùng trong thực phẩm.

Trước đó, vào ngày 7/6, Sở Y tế Quảng Trị chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm phối hợp với Phòng Y tế và Phòng Nông nghiệp huyện Vĩnh Linh tổ chức kiểm tra, xác minh số hải sản còn tồn đọng tại các kho đông lạnh ở thị trấn Cửa Tùng. Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm đã tiến hành lấy 6 mẫu ngẫu nhiên tại kho đông lạnh của một hộ dân ở thị trấn Cửa Tùng, gồm 1 mẫu cá ngừ, 1 mẫu cá trích, 1 mẫu cá song và 3 mẫu cá nục (1 mẫu đại diện cho 20 tấn cá thu mua trước thời điểm cá chết, 1 mẫu đại diện cho 20 tấn cá thu mua sau thời điểm cá chết 10 ngày, mẫu còn lại của 30 tấn cá thu mua ngay sau thời điểm cá chết).

 

Kết quả phân tích kiểm nghiệm cho thấy 5/6 mẫu các chỉ tiêu đều nằm trong giới hạn cho phép. Riêng mẫu cá nục đại diện cho lô hàng thu mua ngay sau thời điểm cá chết phát hiện có hàm lượng Phenol 0,037mg/kg là “chất cực độc”, tuyệt đối cấm, không được phép có trong thực phẩm. Theo kết quả này, Sở Y tế đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị chỉ đạo các ngành cho phép tiêu thụ 5 lô hàng có kết quả đạt yêu cầu và buộc tiêu hủy 30 tấn cá nục có chứa chất cực độc.

 

Ông Hồ Sỹ Biên, Chi cục Trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Quảng Trị cho biết: Ngay sau hiện tượng cá chết hàng loạt, được sự chỉ đạo của Bộ Y tế, Cục An toàn thực phẩm, UBND tỉnh Quảng Trị, Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Quảng Trị đã kiểm tra 105 mẫu thủy, hải sản. Tất cả các mẫu này cho thấy kết quả bình thường, nên cấp phép lưu thông. Đối với mẫu cá nục có nhiễm chất Phenol là cá biệt, lô hàng này đã được thu mua ngay sau thời điểm khi xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt. Về hàm lượng nhiễm chất Phenol thấp nhưng theo quy định không được phép có hàm lượng chất này trong thực phẩm. Hiện tại nếu ăn vào không phải ngộ độc ngay nhưng sẽ gây tiềm tàng về sau nên cần phải tiêu hủy lô hàng mà chúng tôi kiểm nghiệm, để bảo đảm sức khỏe cho người dân.

 

Trong thời gian tới, Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ tiếp tục kiểm tra, giám sát tất cả các kho đông lạnh, các mặt hàng hải sản mà được đánh bắt xa bờ. Mặt khác, phối hợp với Chi cục Nông Lâm Thủy sản của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để kiểm tra chất lượng giúp người dân có thể mua bán và sử dụng thủy sản an toàn. Đối với việc kinh doanh thủy hải sản, hiện tại chúng tôi đang giám sát chặt chẽ các lô hàng về thủy hải sản, nên người dân yên tâm./.