Tiếng kẻng an ninh ở Hợp Tiến

09:16, 16/06/2017

Cuối năm 2016, xã Hợp Tiến (Đồng Hỷ) đã xây dựng được mô hình “Tiếng kẻng an ninh”. Đây là địa phương đầu tiên của huyện có mô hình này và đã góp phần phát huy vai trò tích cực của nhân dân trong việc tham gia phòng, chống các loại tội phạm; giúp người dân nâng cao ý thức chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kịp thời giải quyết các mâu thuẫn phát sinh từ địa bàn dân cư...

Là địa bàn giáp ranh với nhiều xã của các huyện Phú Bình, Võ Nhai, Yên Thế (Bắc Giang) nên tình hình an ninh trật tự ở xã Hợp Tiến có nhiều diễn biến phức tạp, hay xảy ra các vụ việc như: trộm cắp tài sản, đánh bạc trái phép, tụ tập gây rối trật tự công cộng… làm ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt của người dân. Trước tình hình này, Ban Công an xã Hợp Tiến đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền xã triển khai mô hình "Tiếng kẻng an ninh". Ban đầu, xã Hợp Tiến thực hiện thí điểm tại 2 xóm là Đoàn Kết và Đồn Trình. Đây là những xóm có địa bàn rộng, nhiều tuyến đường liên xã, thường xuyên có người từ nơi khác qua lại nên vấn đề an ninh trật tự phức tạp hơn so với những xóm khác. Để thống nhất trong thực hiện, Ban Công an xã Hợp Tiến đã xây dựng quy chế hoạt động của mô hình “Tiếng kẻng an ninh”; phối hợp với Ủy ban MTTQ xã và các đoàn thể thực hiện tuyên truyền sâu rộng tới toàn thể nhân dân về lợi ích khi thực hiện mô hình, từ đó huy động sự hưởng ứng, vào cuộc của mọi người. Các thành viên tổ an ninh tự quản ở 2 xóm cũng được tham gia vào các lớp tập huấn, thực hành về cách thức đánh kẻng khi có sự việc xảy ra theo quy ước chung.

 

Chúng tôi đến xóm Đoàn Kết để tìm hiểu rõ hơn về mô hình “Tiếng kẻng an ninh” thì được ông Lê Văn Thủy, Bí thư Chi bộ xóm Đoàn Kết cho biết: Toàn xóm Đoàn Kết hiện có 130 hộ dân với trên 560 khẩu. Sau khi được UBND xã Hợp Tiến chọn làm điểm để thực hiện mô hình “Tiếng kẻng an ninh”, Chi bộ xóm Đoàn Kết đã đề ra nghị quyết về thực hiện mô hình này. Giao nhiệm vụ cho các đảng viên phối hợp với tổ an ninh tự quản, các tổ chức đoàn thể xóm làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến tới toàn thể nhân dân về lợi ích của tiếng kẻng, việc sử dụng và tuân thủ hiệu lệnh kẻng khi có sự việc xảy ra. Đồng thời tăng cường việc tuần tra, kiểm soát nhằm bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn xóm.

 

Trước kia, chưa có mô hình trên, tình hình an ninh trật tự ở xóm Đoàn Kết diễn ra khá phức tạp, hay có tình trạng thanh niên trong và ngoài xóm đi chơi khuya, tụ tập tại các bãi đất rộng hay các đoạn đường giao nhau dẫn đến xích mích, xô xát; tại các đám hiếu, đám hỷ thường có những hoạt động kéo dài đến nửa đêm gây ảnh hưởng đến làng xóm… Nhưng từ khi mô hình này được triển khai thì tinh trạng trên đã giảm hẳn. Hiện nay, tiếng kẻng ở xóm Đoàn Kết không chỉ được sử dụng để báo động khi có vụ việc khẩn cấp xảy ra mà còn được dùng thường nhật để thông báo giờ giới nghiêm. Đúng 22 giờ đêm, đồng chí công an viên ở xóm sẽ đánh 1 hồi, 3 tiếng kẻng để thông báo cho nhân dân trong xóm biết đã đến giờ tắt loa đài, kiểm tra khóa cổng, khóa cửa và xung quanh nhà để tránh sơ hở dẫn đến mất trộm. Tổ an ninh xóm cũng thường xuyên thay phiên nhau đi tuần tra tại các tuyến đường chính sau giờ giới nghiêm để nắm tình hình an ninh trật tự xóm.

 

Bà Bùi Thị Làn, một người dân ở xóm Đoàn Kết chia sẻ: Tiếng kẻng an ninh ở xóm đã tạo cho gia đình tôi thói quen sinh hoạt có giờ giấc. Khi tiếng kẻng lúc 22 giờ vang lên, công việc được mọi người trong nhà gác lại để dành thời gian nghỉ ngơi. Tình trạng thanh niên đi chơi khuya gây mất an ninh trật tự trong xóm cũng giảm hẳn.

 

Xóm Đồn Trình cũng có cách triển khai mô hình “Tiếng kẻng an ninh” tương tự như xóm Đoàn Kết và đã có một số vụ việc xảy ra ở xóm được giải quyết kịp thời nhờ tiếng kẻng báo động. Điển hình như vụ việc xảy ra vào giáp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017. Lúc đó trên địa bàn xóm xuất hiện một nhóm thanh niên lạ mặt cầm theo hung khí đến đe dọa một người dân ở đây. Nắm được thông tin, ông Bàn Phúc Đức, Trưởng xóm Đồn Trình đã đánh 3 hồi kẻng dồn dập để báo động cho nhân dân. Mọi người lập tức tập trung ra tuyến đường trục chính của xóm và di chuyển đến nơi xảy ra vụ việc. Thấy có đông người dân xuất hiện, các đối tượng trên đã bỏ đi và không quay trở lại.

 

Anh Bàn Phúc Thắng, công an viên xóm Đồn Trình cho biết: Qua vụ việc nêu trên, mô hình “Tiếng kẻng an ninh” càng được bà con nhân dân trong xóm hưởng ứng tích cực bằng cách chấp hành nghiêm túc các hiệu lệnh kẻng. Trước đây, các vụ việc trộm cắp, đánh nhau, gây rối an ninh trật tự diễn ra ở xóm Đồn Trình thường không được phát hiện kịp thời. Người dân phải đơn phương đối mặt với các hành vi phạm tội nên thường có tâm lý sợ hãi, không dám can ngăn. Nhưng bây giờ, bất cứ khi nào trong xóm xảy ra những trường hợp tương tự như trên, người dân đều được thông báo qua tiếng kẻng để cùng nhau bảo vệ xóm làng nên các loại tội phạm cũng không dám lộng hành như trước.

 

Nói về ưu điểm của mô hình “Tiếng kẻng an ninh”, ông Nguyễn Hữu Hiền, Phó Công an xã Hợp Tiến cho biết: Hợp Tiến là xã có địa bàn rộng nên việc dùng tiếng kẻng báo động góp phần giữ vững an ninh trật tự ở các xóm rất phù hợp. Tiếng kẻng không chỉ dễ dàng nhận biết mà còn vang rất xa, giúp cho nhiều người biết được thông tin cùng lúc, hiệu quả hơn hẳn so với việc sử dụng hệ thống loa truyền thanh hay gọi điện thoại. Hơn nữa, từ trước đến nay, hầu hết các xóm của xã đều có thói quen sử dụng tiếng kẻng để thông báo những việc hiếu, hỷ nên khi triển khai mô hình rất thuận lợi. Đặc biệt, mô hình này đã góp phần tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong nhân dân với việc đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự tại cơ sở. Từ khi mô hình “Tiếng kẻng an ninh” được triển khai, số vụ việc xảy ra trên địa bàn xã Hợp Tiến cũng giảm đi đáng kể. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn xã xảy ra 11 vụ việc, giảm hơn 10 vụ so với cùng kỳ năm 2016. Dự kiến, từ nay đến cuối năm, xã Hợp Tiến sẽ nhân rộng mô hình này ở cả 10 xóm trên địa bàn xã.