Cân nhắc việc cưỡng chế thi hành án đối với hộ nghèo vay vốn chính sách

15:45, 12/08/2017

Các nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước dành cho hộ nghèo với mục đích hỗ trợ để đối tượng này có điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao mức sống. Tuy nhiên, hiện có trường hợp hộ nghèo ở huyện Võ Nhai vay vốn nhưng đến hạn không trả được nợ, bị đơn vị quản lý vốn vay khởi kiện ra toà. Theo lý, dùng biện pháp mạnh buộc khách hàng vay vốn phải trả nợ cho ngân hàng là đúng pháp luật, nhưng nếu cưỡng chế kê biên tài sản để trả nợ sẽ đẩy người nghèo vào tình cảnh khốn khó…

Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) huyện Võ Nhai đang thực hiện 4 bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án Nhân dân huyện Võ Nhai về việc buộc 4 khách hành của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Võ Nhai phải trở nợ gốc, lãi vì đã quá hạn thời gian dài. Đây cũng là địa phương duy nhất trong tỉnh có khách hàng của Ngân hàng Chính sách Xã hội bị khởi kiện ra toà để đòi nợ.

 

Tìm hiểu 4 trường hợp vay vốn của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Võ Nhai chưa trả được nợ, chúng tôi thấy 3 trường hợp cơ quan THADS huyện Võ Nhai nên sớm triển khai các biện pháp nghiệp vụ để thu hồi tài sản về cho Nhà nước (vì Ngân hàng Chính sách Xã hội không kinh doanh, sử dụng nguồn vốn Nhà nước cấp để giải quyết chính sách an sinh xã hội). Cụ thể: ông Đặng Trần Tiến ở xóm Làng Lèn, xã Tràng Xá không thuộc diện hộ nghèo nhưng được vay vốn phát triển kinh tế vùng khó khăn và tổng số tiền còn nợ lại là 21,5 triệu đồng. Qua xác minh của cơ quan chức năng, ông Đặng Trần Tiến có điều kiện trả nợ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Võ Nhai vì hiện mỗi tháng được hưởng trợ cấp xã hội trên 4 triệu đồng nhưng ông chây ỳì, không có ý thức trả nợ. Trường hợp thứ là gia đình ông Luân Văn Đạo và vợ là bà Hoàng Thị Thuỷ ở xóm La Mạ, xã Lâu Thượng cũng không phải hộ nghèo nhưng được vay vốn phát triển kinh tế vùng khó khăn với số tiền phải trả Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Võ Nhai là 33,46 triệu đồng.

 

Đối với trường hợp ông Nguyễn Văn Trường ở xóm Nà Liêu, xã Tràng Xá, khi vay vốn là hộ nghèo nên được Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Võ Nhai giải ngân các món vay với tổng số tiền phải thanh toán là 51,2 triệu đồng. Sau đó, gia đình ông Nguyễn Văn Trường thường xuyên đi làm ăn xa, ít khi về xã Tràng Xá và cũng không thực hiện nghĩa vụ trả nợ gốc, nợ lãi cho Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Võ Nhai. Sau khi Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Võ Nhai khởi kiện ra toà, ông Trường đã có dấu hiệu bán các tài sản của gia đình ở xóm Nà Liêu, tìm cách chuyển khẩu đi nơi khác.

 

Trường hợp đặc biệt nhất cần các cơ quan chức năng của huyện Võ Nhai xem xét tạm dừng việc cưỡng chế thi hành án là bà Hoàng Thị Khánh ở xóm Đồng Rã, xã Dân Tiến. Bà Khánh thuộc diện hộ nghèo đơn thân (chồng đã chết, 2 con nhỏ ở với ông bà nội) được vay các nguồn vốn chính sách để làm nhà ở, công trình nước sạch và phát triển kinh tế với tổng số tiền phải trả Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Võ Nhai trên 36,9 triệu đồng. Hoàn cảnh bà Hoàng Thị Khánh rất éo le và gần đây người phụ nữ này lại có một số biểu hiện không ổn định về thần kinh. Ông Trần Lê Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Dân Tiến cho biết: Khi đại diện cơ quan THADS huyện vào làm việc để chuẩn bị quy trình cưỡng chế kê biên tài sản, tổ chức bán đấu giá tài sản của bà Hoàng Thị Khánh để trả nợ ngân hàng, chúng tôi cũng thông tin về hoàn cảnh gia đình này. Bà Khánh có các tài sản gồm 2.900m2 bãi trồng cây, 3 sào ruộng và một căn nhà gỗ nên nếu cưỡng chế kê biên tài sản sẽ đủ tiền trả nợ ngân hàng nhưng hộ dân này sẽ nghèo hơn.

 

Khi nhận được phản ánh của chúng tôi và trực tiếp kiểm tra các trường hợp nêu trên, ông Lê Văn Hồng, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh cho rằng việc cưỡng chế kê biên tài sản của một số khách hàng chây ỳ để thu hồi vốn ở huyện Võ Nhai là cần thiết. Nhưng đối với bà Hoàng Thị Khánh, đại diện đơn vị cho vay đề nghị với chính quyền địa phương, cơ quan THADS tạm dừng việc cưỡng chế kê biên tài sản mà nên sớm có biện pháp giám định tâm thần bắt buộc để chữa trị bệnh, đảm bảo cuộc sống cho bà Hoàng Thị Khánh. Khi có kết quả giám định tâm thần, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh sẽ có cơ sở để lập hồ sơ xem xét việc khoanh nợ, xoá nợ cho bà Hoàng Thị Khánh theo quy định của pháp luật. Ông Dương Văn Quyết, Cục trưởng Cục THADS tỉnh cũng đồng quan điểm với hướng giải quyết trên. Điều khó khăn hiện nay là bà Hoàng Thị Khánh không nhận mình bị tâm thần, không nhận sự hỗ trợ lương thực của họ hàng, sống vô định.

 

Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 1,4 vạn khách hàng đang vay vốn của Chi nhánh Ngân hành Chính sách Xã hội tỉnh Thái Nguyên với tổng số vốn trên 2.900 tỷ đồng nhưng nợ quá hạn chưa đến 1 tỷ đồng (đơn vị xếp thứ 2 cả nước về tỷ lệ nợ xấu thấp). Như vậy, cho thấy người nghèo trong tỉnh khi vay vốn ưu đãi phát triển kinh tế, nâng cao mức sống luôn có ý thức, trách nhiệm cao trong việc trả nợ gốc, nợ lãi.