Hoàn thiện thể chế đăng ký tài sản tại Việt Nam

16:12, 16/08/2017

Sáng 16/8, tại Hà Nội, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp phối hợp với Dự án Phát triển lập pháp quốc gia (NLD) tổ chức hội thảo “Hoàn thiện khuôn khổ thể chế về đăng ký tài sản tại Việt Nam”.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh, tài sản, quyền sở hữu tài sản là nội dung quan trọng không chỉ về mặt kinh tế mà còn trong khuôn khổ pháp luật, các thiết chế về mặt tư pháp của quyền tài sản, các quyền sở hữu của người dân, tổ chức, Nhà nước. Hội thảo là cơ hội để các bên trao đổi, nhận diện, đánh giá vấn đề, từ đó có những đề xuất, kiến nghị xung quanh vấn đề liên quan đến tài sản, quyền sở hữu cũng như đăng ký tài sản, quyền sở hữu; hoàn thiện hơn nữa việc thể chế hoá các khuôn khổ pháp luật liên quan đến tài sản, quyền tài sản, sở hữu tài sản của Nhà nước, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong bối cảnh mới; góp phần đồng bộ, thống nhất triển khai các quy định của Hiến pháp năm 2013.

 

Theo bà Nguyễn Chi Lan, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp, thiết chế đăng ký tài sản có ý nghĩa quan trọng trong việc công khai, minh bạch hóa thông tin về tình trạng pháp lý của tài sản; gắn liền với quyền dân sự của mỗi cá nhân, tổ chức khi xác lập, thực hiện quyền sở hữu và các quyền khác đối với tài sản. Nội dung đăng ký tài sản được quy định trong các văn bản pháp luật khác nhau của Việt Nam như: Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Đất đai năm 2013, Luật Nhà ở năm 2014… Các quy định này đã bước đầu đạt được những kết quả nhất định trong việc công nhận, bảo hộ quyền sở hữu cũng như các quyền khác đối với tài sản của tổ chức, cá nhân; qua đó giúp Nhà nước quản lý tốt hơn thông tin về hiện trạng, tình trạng pháp lý của tài sản.

 

Tuy nhiên, các quy định của pháp luật hiện hành về vấn đề này còn có một số hạn chế, bất cập thể hiện qua thực tiễn đăng ký tài sản. Đó là thiếu nguyên tắc pháp lý chung khi xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh về đăng ký tài sản, thiếu thống nhất trong các quy định của pháp luật hiện hành về một số nội dung cơ bản của đăng ký tài sản; thiếu cơ chế đăng ký đối với một số loại tài sản theo yêu cầu như tài sản gắn liền với đất là công trình tạm, công trình phụ trợ…

 

Tại hội thảo, ông Sterling H. Dietze, Chuyên gia của Dự án Phát triển lập pháp quốc gia chia sẻ kinh nghiệm thực thi Luật Đăng ký tài sản tại Canada. Theo đó, ở quốc gia này, Hiến pháp cho phép mỗi cấp có trách nhiệm xây dựng pháp luật riêng. Cấp tỉnh có trách nhiệm với việc xây dựng pháp luật về tài sản và các quyền dân sự. Cấp liên bang chịu trách nhiệm xây dựng pháp luật về ngân hàng, vận tải biển, hàng không, sở hữu trí tuệ, đường sắt liên tỉnh. Hệ thống thông luật được áp dụng ở hầu hết các địa phương.

 

Ông Sterling H. Dietze cho rằng, Việt Nam nên cân nhắc chính sách, xây dựng thêm những nghị định, luật cụ thể để đảm bảo sự chắc chắn trong giao dịch hay các hoạt động trao đổi tài sản. Việc đăng ký tài sản phải được thực hiện trên nguyên tắc xem xét, cân nhắc rõ ràng những yếu tố như chi phí, thời gian hay khả năng có thể tiếp cận với tài sản./.