Những năm qua, công tác giải quyết đơn thư (khiếu nại, tố cáo) công dân đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, trong quá trình tiếp nhận, phân loại xử lý đơn thư KN, TC của công dân đã phát sinh nhiều đơn thư kiến nghị, phản ánh (KN,PA), nội dung chủ yếu về lĩnh vực đất đai. Mặc dù các cấp chính quyền, cơ quan đơn vị đã có nhiều cố gắng giải quyết song do những nguyên nhân khách quan, chủ quan tác động nên đơn thư KN,PA của công dân vẫn có xu hướng tăng và gửi nhiều nơi, vượt cấp.
Vì sao đơn thư của công dân có xu hướng tăng và gửi nhiều nơi, vượt cấp?
Kiến nghị, phản ánh (KN,PA) là những loại đơn phát sinh trong quá trình giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo (KN,TC) và chiếm tỷ lệ khá cao trong tổng số đơn thư tiếp nhận (năm 2016, tăng 33,8% so với cùng kỳ; 6 tháng đầu năm 2017 tăng 77,7% so với cùng kỳ và gửi nhiều nơi, vượt cấp. Nguyên nhân đơn thư tăng và gửi vượt cấp chủ yếu vẫn là chậm giải quyết ở cơ sở và công dân không đồng ý kết quả giải quyết của cơ quan có thẩm quyền..
Đâu là căn nguyên?
Theo báo cáo của Thanh tra tỉnh, năm 2016, các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp đã tiếp nhận 1.553 đơn thư, trong đó có 158 đơn KN, TC thuộc thẩm quyền giải quyết, giảm 19,4% so với cùng kỳ; đơn kiến nghị, phản ánh (KN,PA) và đơn không thuộc thẩm quyền 1.395 đơn (tăng 33,8%% so với cùng kỳ); 6 tháng đầu năm 2017, tiếp nhận 1.052 đơn, trong đó có 82 đơn KN,TC (giảm 22,6% so với cùng kỳ năm 2016); đơn KN,PA và không thuộc thẩm quyền 970 đơn, tăng 77,7% so với cùng kỳ.
Ông Đỗ Xuân Bình, xóm Cầu Mai, xã Văn Hán (Đồng Hỷ): “Từ năm 1993 đến nay, gia đình tôi liên tục kiến nghị cấp xã, huyện giải quyết một số vụ tranh chấp đất đai với những hộ dân có đất liền kề với đất của gia đình tôi. Song, kết quả giải quyết chưa thỏa đáng nên tôi mất niềm tin vào các cơ quan này. Đây chính là lý do tôi gửi đơn thẳng đến lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh”. |
Nội dung đơn thư chủ yếu tập trung vào lĩnh vực đất đai (66%); nhà cửa, tài sản (8%) chính sách, chế độ công chức, viên chức (9%); lĩnh vực văn hóa, xã hội (14%); còn lại lĩnh vực khác (3%). Điều đáng nói là, qua tiếp nhận và kết quả giải quyết đơn thư của các cơ quan có thẩm quyền cho thấy, trong tổng số 86 vụ việc (năm 2016) KN thuộc cơ quan có thẩm quyền đã giải quyết (đạt 83,5%) chỉ có 6,9% đơn thư KN đúng, 2,3% đơn thư KN có đúng, có sai, nhưng tới 90,8% KN sai; đơn TC giải quyết đạt 81,5% (có 66 vụ việc), trong đó có 7,6% đơn tố cáo đúng; 7,6% tố cáo có đúng, có sai; 84,8% tố cáo sai. Đơn KN, PA có xu hướng tăng và gửi nhiều nơi, vượt cấp.
KN,PA là những loại đơn phát sinh trong quá trình giải quyết đơn thư KN,TC, song lại chiếm tỷ lệ khá cao trong tổng số đơn thư tiếp nhận. Kiến nghị, phản ánh là một kênh thông tin giúp cho nhà quản lý làm tốt hơn nhiệm vụ, đồng thời còn thể hiện quyền làm chủ của nhân dân trong quản lý nhà nước về các lĩnh vực. KN,PA là ý kiến tốt nếu được quan tâm giải quyết kịp thời sẽ góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; nếu không quan tâm giải quyết kịp thời sẽ gây bức xúc trong nhân dân, thậm chí còn tạo thành điểm nóng. Thời gian qua đơn KN,PA và đơn không thuộc thẩm quyền trên địa bàn tỉnh có xu hướng tăng.
Lý giải điều này, ông Lưu Quang Tuấn, Phó Văn phòng UBND tỉnh, Trưởng ban Tiếp công dân tỉnh cho biết: Qua công tác TCD và tiếp nhận đơn thư cho thấy, phần lớn đơn thư đều phát sinh từ xã, phường, thị trấn. Các địa phương có nhiều đơn thư là T.P Thái Nguyên, Thị xã Sông Công và huyện Đại Từ. Đơn thư KN,PA tăng là do mỗi năm trên địa bàn tỉnh triển khai hàng chục dự án, việc thu hồi đất đã ảnh hưởng đến đời sống, quyền lợi của hàng nghìn hộ dân. Trong khi đó, một số cấp, ngành chưa quan tâm đến công tác tuyên truyền, phổ biến chế độ, chính sách nên người dân còn thắc mắc, KN,PA với mong muốn được hưởng quyền lợi cao hơn. Một số nhà đầu tư chưa có sự phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương nhằm tạo sự đồng thuận với nhân dân trong thu hồi đất để triển khai dự án. Một số dự án do trình độ, chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ còn hạn chế dẫn đến kiểm đếm, thẩm định, lập phương án đền bù còn sai sót, chưa công bằng, thiếu trách nhiệm dẫn đến bức xúc cho người dân. Các vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng và các lĩnh vực văn hóa - xã hội, chế độ chính sách khác chưa được các cơ quan đơn, vị quan tâm giải quyết thỏa đáng hoặc không thuộc phạm vi quy định của nhà nước cũng khiến người dân bức xúc có đơn kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền.
Gửi nhiều nơi, vượt cấp?
Từ năm 2006, ông Vũ Duy Thành (là bố đẻ) và anh Vũ Duy An (là con trai) ở xã Tân Khánh, huyện Phú Bình, liên tục gửi đơn kiến nghị đi nhiều cơ quan chức năng của huyện và tỉnh đề nghị giải quyết vụ việc của gia đình ông nhưng đến nay vụ việc kéo dài 11 năm vẫn chưa được giải quyết. Anh Vũ Duy An cho biết: Năm 2003, bố ông (là Vũ Duy Thành) mua một lô đất của gia đình ông Triệu Văn Hùng ở xóm Đồng Tiến, cùng xã nhưng chưa ở. Năm 2006, ông Hùng đã xây tường chắn toàn bộ 10m mặt đường chỗ ông Thành mua và xây nhà sát mép đường giao thông, không có lối vào lô đất ông Thành đã mua. Vì vậy, ông Thành đã nhiều lần gửi đơn đề nghị UBND xã Tân Khánh và huyện Phú Bình xem xét giải quyết nhưng chưa được giải quyết. Sau đó ông Thành tiếp tục gửi đơn kiến nghị đến UBND tỉnh. Ngày 16-9-2013, lãnh đạo tỉnh và đại diện các ngành chức năng đã có buổi tiếp công dân định kỳ. Sau đó, UBND tỉnh đã có Thông báo số 103/TB-UBND ngày 24-9-2013 kết luận việc đề nghị của ông Vũ Duy Thành là có cơ sở và thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND huyện Phú Bình và giao cho UBND huyện Phú Bình: “Tiến hành rà soát, kiểm tra lại hồ sơ, quy trình cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Vũ Duy Thành; điều chỉnh Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Triệu Văn Hùng trên cơ sở văn tự cam kết nhượng bán đất thổ cư giữa ông Vũ Duy Thành và ông Triệu Văn Hùng theo quy định của pháp luật. Thời hạn giải quyết xong trước ngày 30-11-2013 và báo cáo kết quả về UBND tỉnh”. Tuy nhiên từ đó đến nay, UBND tỉnh đã có Công văn 1614, ngày 20-5-2016; Ban Tiếp công dân tỉnh hai lần có Công văn (số 62/ĐĐ-TCD ngày 3-6-2015 và số 212/CV-TCD ngày 4-11-206), Đài Truyền hình Việt Nam (Công văn số 170229/PC-TKBT ngày 30-6-2017) đôn đốc UBND huyện Phú Bình xem xét giải quyết nhưng vẫn không có hồi âm, buộc anh Vũ Duy An (ông Vũ Duy Thành, đã mất tháng 7-2015) tiếp tục có đơn kiến nghị đến các cơ quan chức năng của tỉnh đề nghị giải quyết.
Trên đây chỉ là một trong những ví dụ người dân phải gửi đơn thư nhiều nơi, vượt cấp. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên chính là chậm giải quyết ở cơ sở. Do cấp cơ sở (xã phường, thị trấn, cơ quan đơn vị) chưa thực sự quan tâm tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân để làm tốt công tác dân vận. Khi có phát sinh đơn, cấp cơ sở chưa có biện pháp để giải quyết kịp thời những kiến nghị thuộc trách nhiệm của mình hoặc giải quyết chưa thoả đáng dẫn đến vụ việc trở lên phức tạp và công dân tiếp tục kiện lên cấp trên.
Bên cạnh đó còn có những nguyên nhân khác như: Một số công dân không còn tin ở chính quyền cơ sở; hoặc sợ bị trù úm, sợ chính quyền xã “ỉm” đi; thậm chí có nơi còn đe dọa công dân nếu gửi đơn thư và có dấu hiệu tiêu cực đối với những kiến nghị liên quan đến chế độ, chính sách. Chính vì vậy, công dân có tâm lý phải gửi đơn thư đến các cơ quan chức năng cao hơn và gửi đi càng nhiều cơ quan càng tốt; có những công dân gửi đi gửi lại rất nhiều lần; hoặc đơn thư trong quá trình đang giải quyết vẫn tiếp tục gửi đi các cơ quan chức năng để “hối thúc” giải quyết. Hơn nữa, tâm lý người gửi đơn thư bao giờ cũng đòi hỏi phải giải quyết ngay, trong khi đó, một phần do đội ngũ cán bộ TCD mỏng, có nơi trình độ còn hạn chế; một số đơn thư có tính chất phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực, đòi hỏi các cơ quan phải có thời gian xác minh, xem xét, phối hợp xử lý kéo dài dẫn đến chậm giải quyết.
Công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành ở một số nơi chưa tốt nên còn đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Ngoài ra, do nhận thức về pháp luật của công dân còn hạn chế nên một số vụ việc đã giải quyết nhưng công dân không đồng ý với kết quả giải quyết của cơ quan có thẩm quyền. Thêm vào đó, việc hướng dẫn, giải thích pháp luật cho công dân của cán bộ một số cơ quan chuyên môn trong quá trình giải quyết vụ việc không rõ ràng, cụ thể, người dân không tin tưởng nên tiếp tục kiến nghị lên cấp cao hơn. Trong công tác hòa giải ở cơ sở, một số nơi chưa phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để giải quyết đơn thư công dân.