Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang ra đầu thú sau gần một năm lẩn trốn lập tức trở thành tâm điểm của dư luận. Đặc biệt là niềm tin của nhân dân vào công cuộc chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước ta được nhân lên.
Gần một năm qua, có thể thấy Trịnh Xuân Thanh là nhân vật thu hút sự quan tâm đặc biệt không chỉ từ trong các cuộc nghị sự mà ngay cả bên ngoài xã hội. Ở đâu thì đề tài Trịnh Xuân Thanh hầu như đều được nhắc tới. Bắt đầu từ một manh mối nhỏ là chiếc xe Lexus gắn biển xanh đã mở ra một vụ án lớn. Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), nơi Trịnh Xuân Thanh từng giữ các vị trí lãnh đạo chủ chốt từ năm 2007 đến năm 2013 liên tiếp thua lỗ tới hơn 3.000 tỷ đồng, thế nhưng vẫn được bổ nhiệm nhiều chức vụ quan trọng.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã vào cuộc và khẳng định Trịnh Xuân Thanh và Ban Thường vụ Đảng ủy, Hội đồng quản trị, Ban Tổng Giám đốc Tổng Công ty PVC đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, làm trái các quy định của pháp luật về quản lý kinh tế, để xảy ra nhiều sai phạm và thua lỗ...
Dường như biết trước được hệ lụy của những sai phạm đó, Trịnh Xuân Thanh đã nhanh chóng bỏ trốn, trước khi Cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố và phát thông báo truy nã toàn quốc, truy nã quốc tế. Thời điểm Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn, quần chúng nhân dân đã đặt ra nhiều nghi ngờ: Trịnh Xuân Thanh trốn ở đâu, ra đi nước ngoài bằng cách nào? Nếu không bắt được Trịnh Xuân Thanh thì những sai phạm trong kinh tế, những mảng tối trong công tác cán bộ liên quan đến Trịnh Xuân Thanh có thể được bóc gỡ hay không…?
Không để Trịnh Xuân Thanh đứng ngoài vòng pháp luật, trong gần một năm qua các lực lượng chức năng đã tập trung mở rộng điều tra vụ án xảy ra tại PVC, truy tố nhiều đối tượng khác liên quan và tìm nhiều biện pháp truy bắt Trịnh Xuân Thanh. Với thái độ cương quyết đấu tranh với tội phạm tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước ta, Trịnh Xuân Thanh đã nhận ra rằng sẽ không có lối thoát. Điều gì đến rồi sẽ đến, chiều 31-7, thông tin từ Bộ Công an khẳng định, Trịnh Xuân Thanh đã ra đầu thú. Việc Trịnh Xuân Thanh chịu “quy án” sau gần một năm lẩn trốn đã xóa đi những nghi ngờ của quần chúng nhân dân vào công cuộc chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước ta.
Mới đây ngày 31-7, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo TW về phòng, chống tham nhũng họp phiên thứ 12, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì hội nghị đã yêu cầu tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các quy định của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn trong công tác này, nhất là ở địa phương, cơ sở. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, tập trung vào những lĩnh vực dễ nảy sinh tham nhũng. Khẩn trương thanh tra, kết luận làm rõ đúng sai, xác định đúng nguyên nhân, trách nhiệm, xử lý nghiêm đối với những tổ chức cá nhân có sai phạm tại các dự án gây thất thoát, thua lỗ lớn, dư luận xã hội quan tâm… Đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc xảy ra tại Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC)… Tổng Bí thư nhấn mạnh, để công tác phòng, chống tham nhũng đạt kết quả như mong muốn, cần tiến hành quyết liệt hơn nữa; không chịu trở ngại nào, sức ép nào.
Nhân dân đang kỳ vọng từ vụ việc này, Trịnh Xuân Thanh sẽ là một nhân chứng đặc biệt quan trọng giúp cơ quan chức năng tiếp tục phanh phui ra nhiều “sâu mọt” khác đang ẩn nấp trong các cơ quan, đơn vị làm hại đất nước và nhân dân. Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú cũng là lời nhắc nhở rằng, lưới trời lồng lộng, đừng hy vọng những điều tốt đẹp một khi đã nhúng chàm. Nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tin vào sự nghiêm minh của pháp luật.