Xác định, khi người dân hiểu về pháp luật, ý thức được hậu quả sẽ xảy ra như thế nào nếu mình vi phạm pháp luật... thì họ sẽ không thực hiện (hoặc hạn chế) những hành vi sai trái, bởi thế, nhiều năm qua, huyện Đại Từ đã tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật tới đông đảo người dân, đặc biệt ở những xóm, xã có nhiều vấn đề nổi cộm.
Nếu như năm 2015, thông qua phiếu thăm dò ý kiến người dân về việc yêu cầu tư vấn, trợ giúp các vấn đề liên quan đến pháp luật, Phòng Tư pháp huyện Đại Từ đã phải tổ chức tới 477 cuộc trên toàn địa bàn huyện với tổng số hơn 36.000 lượt người tham dự, trong đó trên 2.000 lượt người cần được trợ giúp pháp lý, thì năm 2017, số cuộc phổ biến, trợ giúp pháp lý đã giảm xuống còn 444 với hơn 21 lượt người tham dự và chỉ có gần 300 lượt người cần trợ giúp. Điều đó phần nào cho thấy, người dân Đại Từ đã có thể tự nghiên cứu, tìm hiểu và nâng cao nhận thức về pháp luật. Cùng với đó, tình trạng tụ tập đông người, đơn thư khiếu kiện vượt cấp giảm hẳn, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn được đảm bảo. Có được kết quả đó, theo đồng chí Nguyễn Ngọc Thắng, Trưởng phòng Tư pháp huyện Đại Từ, những cán bộ tư pháp không chỉ là người có kiến thức chuyên sâu về pháp luật mà còn phải có sự am hiểu về lịch sử, sự linh hoạt, mềm dẻo trong việc tư vấn, giải quyết các vấn đề khúc mắc của người dân. Bởi nếu tuyên truyền, giải quyết công việc một cách máy móc, cứng nhắc, không khéo còn khiến người dân tăng phần bức xúc, mọi việc cần phải tìm hiểu kỹ lưỡng các yếu tố khách quan, chủ quan ở tại thời điểm xảy ra sự việc để có cách giải quyết thấu tình, đạt lý. Con đường ngắn nhất để hạn chế những hành vi vi phạm pháp luật là tăng cường việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho quần chúng nhân dân.
Để làm tốt công tác này, UBND huyện Đại Từ đã kiện toàn Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật gồm có 25 thành viên là thủ trưởng các phòng, ban, ngành, đoàn thể; đồng thời chỉ đạo cán bộ tư pháp - hộ tịch các xã, thị trấn tham mưu UBND xã, thị trấn rà soát, công nhận đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật cấp xã. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 500 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã. Công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ này được huyện quan tâm, chú trọng. Để người dân dễ hiểu, dễ nhớ về các luật, bộ luật, việc tuyên truyền, phố biến, giáo dục pháp luật được huyện triển khai dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú, như: phát tờ gấp; tuyên truyền thông qua hệ thống loa truyền thanh; lồng ghép nội dung tuyên truyền trong các hội nghị, cuộc họp, buổi sinh hoạt; hình thức sân khấu hóa... Năm qua, UBND các xã, thị trấn đã cấp phát hơn 21 nghìn tờ gấp với các nội dung chủ yếu như tìm hiểu một số quy định về hoạt động hòa giải theo Luật Hòa giải ở cơ sở; một số quy định của Luật Trưng cầu dân ý; Bộ luật Dân sự về quyền công dân... Nhằm khai thác hiệu qủa các tài liệu tuyên truyền, phổ biến pháp luật (tờ gấp, sách pháp luật...), UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn trước mỗi hội nghị tại xã, xóm, cán bộ sẽ phát và phổ biến cho đại biểu đến dự và hướng dẫn sau khi đọc xong, thu lại để phục vụ cho những hội nghị khác. Tài liệu được đặt tại nhà văn hóa xóm, tổ dân phố để người dân có nhu cầu thuận tiện đến đọc và tìm hiểu. Huyện đã trang bị 22 đầu sách cho 80 tủ sách pháp luật của 30 xã, thị trấn. Nội dung các đầu sách tập trung chủ yếu là các văn bản pháp luật mới, có liên quan nhiều đến các vấn đề về đất đai, dân sự, hôn nhân - gia đình... Sau khi cấp phát, số sách này thường xuyên được luân chuyển tới các xóm, tổ dân phố để có thêm nhiều người dân đọc, tìm hiểu. Cùng với đó, Phòng Tư pháp huyện đã phối hợp với Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tổ chức các buổi trợ giúp pháp lý lưu động tại các xã có nhiều ý kiến thắc mắc của người dân như Cát Nê, Hoàng Nông, Khôi Kỳ... Trên địa bàn huyện cũng đã hình thành và duy trì hoạt động của 15 câu lạc bộ trợ giúp pháp lý. Các buổi trợ giúp pháp lý đã hướng dẫn cụ thể quy định của pháp luật cho nhân dân, góp phần nâng cao sự hiểu biết để người dân kịp thời bảo vệ các quyền lợi chính đáng, hợp pháp của gia đình và bản thân, cũng như không làm những việc trái với quy định của pháp luật.
Phổ biến, giáo dục pháp luật có vai trò rất quan trọng, là cầu nối để đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với mọi tầng lớp người dân. Do đó, công tác này phải mang tính thường xuyên, liên tục, đòi hỏi phải có sự nỗ lực, phối hợp của tất cả các cấp, các ngành. Với nhiều hình thức, biện pháp khác nhau, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức và tác động trực tiếp đến ý thức của người dân. Bên cạnh đó, một vai trò hết sức quan trọng của phổ biến, giáo dục pháp luật là tạo được niềm tin vào pháp luật. Khi đã có niềm tin, đối tượng sẽ biết tự điều chỉnh hành vi của mình theo đúng các quy định của pháp luật. Không những thế, họ còn có ý thức phê phán, lên án những hành vi vi phạm, đi ngược lại với các quy định của pháp luật.” - đồng chí Nguyễn Ngọc Thắng cho biết.