“Tín dụng đen” - loại hình cho vay trái quy định pháp luật này đã xuất hiện ở khắp các tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có Thái Nguyên từ hàng chục năm nay khiến nhiều gia đình phải khuynh gia, bại sản vì mất khả năng trả nợ. Vậy nhưng, cho đến nay, nó không những không bị hạn chế, mà còn ngày càng ngang nhiên công khai hoạt động.
Cho xe chạy dọc nhiều tuyến đường dẫn vào các khu dân cư, khu công nghiệp, nhà máy, trường học trên địa bàn tỉnh, chúng tôi dễ dàng bắt gặp những tờ rơi quảng cáo “cho vay”, “bốc họ”, “bốc bát họ”, “cho vay qua giấy tờ xe” hay “hỗ trợ tài chính”… được dán công khai trên các tường rào, tường nhà, biển chỉ dẫn giao thông và cả trên các tấm biển quảng cáo rao vặt do chính quyền lắp đặt… Không ghi cụ thể địa điểm cho vay, nhưng các tờ rơi này đều công bố công khai hai số điện thoại.
Để “kiểm chứng” việc vay - mượn, chúng tôi đã liên hệ với một số số điện thoại in trên tờ rơi để hỏi thủ tục và lãi suất tiền vay. Sau vài câu trao đổi ngắn gọn, theo yêu cầu của chúng tôi, họ đều rất sẵn lòng đọc cho tôi địa chỉ cửa hàng. Có cửa hàng nằm trên đường Thống Nhất, gần một trường đại học; có cửa hàng ở trên đường Lương Ngọc Quyến; có cửa hàng nằm ở đường 47, T.X Phổ Yên. Tại các cửa hàng chúng tôi đến, trong cửa hàng có 3-4 thanh niên, tầm trên 20 đến dưới 30 tuổi và đều lắp đặt camera giám sát. Sau khi nghe chúng tôi trình bày cần gấp 15-20 triệu đồng, ở mỗi cửa hàng đều có hai người thay nhau tư vấn và hỏi chúng tôi cặn kẽ về các thông tin như: Làm gì, ở đâu, đi loại xe gì, mới hay cũ, nhà đất, hộ khẩu mang tên ai… Thấy tôi thoáng chút lúng túng và có câu trả lời không đạt yêu cầu đưa ra, họ không ngại ngần bảo: Để tìm ra địa chỉ thật của người vay đối với chúng tôi là điều rất đơn giản.
Điều 201, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự như sau: 1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. 2. Phạm tội thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. 3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. |
Sau phần “thẩm vấn”, họ đưa ra cho chúng tôi hai phương án để lựa chọn. Thứ nhất, nếu vay theo hình thức bốc họ (hay còn gọi là bốc bát họ), thì với 15 triệu đồng, người vay sẽ được nhận 12 triệu đồng, sau đó, trong vòng 40 ngày, kể từ ngày đầu tiên nhận tiền, mỗi ngày, người vay phải trả 375 nghìn đồng (sẽ có người trực tiếp đến tận nhà hoặc theo địa điểm mà người vay yêu cầu để thu tiền). Còn nếu thế chấp bằng mô tô, ô tô, nhà đất… (nghĩa là vay theo hình thức thế chấp) thì người vay sẽ được cầm cả số tiền 15 triệu đồng, nhưng đổi lại sẽ phải ký giấy bán tài sản đó cho cửa hàng. Cứ 10 ngày một lần, người vay phải đóng lãi 4.000-5.000 đồng/triệu đồng/ngày (tùy từng cửa hàng và tùy thuộc vào người vay thế chấp tài sản gì), còn số tiền gốc sẽ được trả vào ngày kết thúc thời điểm vay. Đọc nhanh nội dung của những tập giấy mua bán xe, chuyển nhượng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được photo sẵn để ở trên mặt bàn, chúng tôi thấy, ngoài những thông tin cá nhân và tài sản liên quan đến việc thế chấp, thì ở dòng cuối cùng còn có đoạn ghi: Việc mua bán này là hoàn toàn tự nguyện… nhưng không một dòng nào thể hiện có liên quan đến việc vay mượn, cũng như lãi suất của khoản vay là bao nhiêu.
Theo tính toán của ngành Ngân hàng, với loại hình “bốc bát họ”, lãi suất người vay phải trả mỗi ngày cho 15 triệu đồng sẽ là 82.500 đồng, tương ứng với 0,71%/ngày, 257%/năm/. Còn với hình thức thế chấp xe, lãi suất mỗi tháng mà người vay phải trả là 120.000-150.000 đồng/triệu đồng/tháng, tương ứng 144-182,5%/năm (cao gấp 10-20 lần lãi suất cho vay thông thường của các ngân hàng hiện nay).
Tìm hiểu thêm chúng tôi cũng được các chủ cửa hàng này cho biết, trường hợp đã quá thời hạn trả nợ, nếu vay theo hình thức bát họ, thì người vay sẽ phải tiếp tục bốc một bát khác, để có tiền trả cho số nợ trước đó. Nếu tiếp tục không có khả năng trả nợ, thì họ sẽ “có cách riêng” để thu hồi nợ. Còn vay theo hình thức thế chấp, thì người vay sẽ mất luôn tài sản đã thế chấp với người cho vay (nếu trường hợp tài sản thế chấp lớn hơn số tiền vay), còn trong trường hợp thấp hơn, người vay phải có trách nhiệm bán tài sản đó đi hoặc bằng cách nào thì tùy, miễn là phải trả đủ cả gốc lẫn lãi.
Có thể nói, cách thức cho vay của các cửa hàng cho vay, hỗ trợ tài chính… hiện nay không còn xa lạ gì với nhiều người và cũng đã có không biết bao nhiêu người sau đó đã trở thành con nợ của họ, nhưng cho đến nay, vẫn rất nhiều người mắc phải. Hoạt động cho vay này vi phạm pháp luật nên cách đây khoảng hơn 3 năm, sau khi có sự vào cuộc, chỉ đạo của UBND tỉnh, nhiều cơ sở đã buộc phải dỡ biển quảng cáo và rút vào hoạt động bí mật, nhưng nay, sau khi sự kiểm soát không còn chặt chẽ nữa, thì hoạt động này đang tái diễn một cách rầm rộ, công khai. Thực tế này rất cần sự tiếp tục vào cuộc của cấp ủy, chính quyền và ngành chức năng các cấp.