Để đảm bảo việc đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được chặt chẽ và thống nhất, thì hồ sơ phải có phiếu trả lời kết quả dương tính với chất ma túy của người có thẩm quyền trong cơ quan y tế.
Đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là một trong những biện pháp xử lý hành chính được quy định tại Điều 95, và đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được quy định tại Điều 96 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Để có căn cứ đưa một người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thì cần phải xác định người đó có nghiện ma túy hay không.
Theo quy định tại Điều 3 của Thông tư số 17/2015/TTLT-BYT-BLĐTBXH-BCA ngày 9/7/2015, thì thẩm quyền xác định tình trạng nghiện ma túy là bác sĩ hoặc y sĩ, có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, có chứng chỉ hoặc chứng nhận tập huấn về chẩn đoán và điều trị cắt cơn nghiện ma túy… đang làm việc tại các cơ sở y tế quân y, y tế quân dân y; các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của ngành Công an…
Ngoài ra, khoản 3 Điều 9 Nghị định số 136/2016/NĐ-CP ngày 9/9/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 221/2013/NĐ-CP ngày 30/12/2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Theo đó, “Người có thẩm quyền xác định tình trạng nghiện ma túy là bác sĩ, y sĩ được cấp chứng nhận hoặc chứng chỉ tập huấn về chẩn đoán, điều trị cắt cơn nghiện ma túy do các cơ quan, tổ chức được Bộ Y tế giao tổ chức tập huấn và cấp chứng chỉ, đang làm việc tại: các cơ quan y tế quân y, y tế quân dân y; các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của ngành công an; phòng y tế của cơ sở cai nghiện bắt buộc; phòng y tế của các cơ sở có chức năng tiếp nhận, quản lý người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định, trong thời gian lập hồ sơ để Tòa án nhân dân xem xét quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; trạm y tế xã, phường, thị trấn; phòng khám đa khoa khu vực; bệnh viện cấp huyện trở lên và bệnh viện thuộc các bộ, ngành”.
Theo các quy định trên thì thẩm quyền xác định tình trạng nghiện ma túy của một người phải do cán bộ y tế được tập huấn và cấp chứng chỉ về chẩn đoán, điều trị cắt cơn nghiện ma túy trong các cơ quan y tế thực hiện.
Tuy nhiên, điểm c Khoản 1 Điều 9 của Nghị định số 136/2016/NĐ-CP ngày 9/9/2016 quy định: Hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy có nơi cư trú ổn định gồm "Biên bản vi phạm hành chính về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy hoặc phiếu xét nghiệm có kết quả dương tính với chất ma túy tại thời điểm lập hồ sơ…”. Như vậy, hồ sơ đề nghị đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, có thể không cần có phiếu xét nghiệm kết quả dương tính với chất ma túy tại thời điểm lập hồ sơ của cơ quan y tế, mà chỉ cần có biên bản vi phạm hành chính về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy là đủ.
Căn cứ vào quy định này thì trước khi đề nghị đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, có thể cơ quan lập hồ sơ đề nghị không tiến hành trưng cầu cơ quan có thẩm quyền xác định tình trạng nghiện của người bị đề nghị, mà khi phát hiện họ có sử dụng ma túy thì chỉ tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy để làm căn cứ đề nghị đưa họ vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Tuy nhiên, nếu trường hợp hồ sơ đề nghị đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc chỉ có biên bản vi phạm hành chính về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy của người đó, mà không có phiếu trả lời kết quả xét nghiệm dương tính với chất ma túy của người có thẩm quyền trong hồ sơ, do không tiến hành trưng cầu cơ quan y tế có thẩm quyền xác định tình trạng nghiện ma túy của họ là không phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 9 của Nghị định số 136/2016/NĐ-CP.
Mặc khác, trong thực tế áp dụng, nếu hồ sơ đề nghị đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc không có phiếu trả lời kết quả xét nghiệm dương tính với chất ma túy của cơ quan y tế tại thời điểm lập hồ sơ, mà chỉ có biên bản vi phạm hành chính về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy, thì khi Tòa án nhân dân xem xét quyết định đưa người bị đề nghị vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, mà người đó khiếu nại cho rằng họ không sử dụng ma túy, không bị nghiện, và biên bản vi phạm hành chính là do các cơ quan chức năng lập không khách quan. Lúc này, cơ quan đề nghị sẽ không có căn cứ nào khác chứng minh người đó bị nghiện, dẫn đến không thể áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với họ.
Từ những thực tế nêu trên nhận thấy, để đảm bảo hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được chặt chẽ và thống nhất, đề nghị Viện KSND tối cao kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền, quy định hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, phải có phiếu trả lời kết quả dương tính với chất ma túy của người có thẩm quyền trong cơ quan y tế.