Trong khi Công ty CP Thương mại Thái Hưng đang tích cực phối hợp với các sở, ngành, địa phương hoàn thiện các thủ tục đầu tư các dự án: Di dời, cải tạo, nâng cấp Nhà máy Luyện cán thép Gia Sàng và Khu Tổ hợp thương mại dịch vụ, trường học và nhà ở Gia Sàng (Thái Hưng Eco City) để sớm triển khai đầu tư xây dựng theo chủ trương của UBND tỉnh. Nhưng từ cuối tháng 5-2018 đến nay, chúng tôi nhận được một số đơn thư kiến nghị với nội dung “trái chiều, mâu thuẫn nhau” và đều mang “danh” bảo vệ quyền và lợi ích cho người lao động…! Vậy dựa trên cơ sở pháp lý nào để nhà đầu tư triển khai thực hiện các dự án trên?
Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng (gọi tắt là GSS) tiền thân là Nhà máy Luyện cán thép Gia Sàng trực thuộc Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (Tisco). Sau khi chuyển đổi hoạt động theo mô hình cổ phần (năm 2007), GSS luôn trong tình trạng sản xuất kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài, tài sản bị hủy hoại và mất cắp nhiều. Doanh nghiệp đứng trước bờ vực phá sản, quyền lợi của hàng trăm lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Đến năm 2013, GSS chính thức dừng mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) với tổng các khoản nợ lên tới trên 140 tỷ đồng không có khả năng thanh toán (trong đó có trên 60 tỷ đồng nợ các ngân hàng thương mại; trên 80 tỷ đồng nợ thuế, nợ đối tác và các khoản nợ lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của người lao động). Ngân hàng TPCM Công thương Chi nhánh Thái Nguyên đã kiện GSS ra tòa vì không trả được số tiền vay gốc và tiền lãi. Ngày 8-1-2014, Tòa án Nhân dân T.P Thái Nguyên đã tuyên GSS phải thanh toán khoản vay trên 38,8 tỷ đồng và lãi suất cho Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam Chi nhánh Thái Nguyên. Ngày 5-5-2014, Chi cục Thi hành án dân sự T.P Thái Nguyên ra quyết định cưỡng chế, kê biên, xử lý bán tài sản của GSS để trả nợ.
Tháng 7-2014, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Việt Tech đã tham gia mua và trúng đấu giá tài sản của GSS bị kê biên với giá trên 35,8 tỷ đồng (Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá số 84/HĐMB-BCV-VB/ĐG ngày 25/7/2014). Tuy nhiên, với lý do tài sản đã bị giảm giá so với giá thị trường (Công ty đã nhiều lần đề nghị được giảm giá nhưng không được chấp nhận) và quy định không được tháo dỡ tài sản, phải khôi phục sản xuất, tạo việc làm cho người lao động… Đầu tháng 2-2016, ông Nguyễn Mạnh Thái, Giám đốc Công ty Việt Tech đã có văn bản đề nghị Chi cục Thi hành án dân sự T.P Thái Nguyên xin rút không tiếp tục thực hiện hợp đồng mua bán tài sản đấu giá số 84/HĐMB-BCV-VB/ĐG.
Sau khi Việt Tech rút lui, tháng 7-2016, Công ty CP Thương mại Thái Hưng (gọi tắt là Công ty Thái Hưng) đã tham gia mua đấu giá tài sản của GSS thông qua Chi cục Thi hành án dân sự T.P Thái Nguyên và trúng đấu giá với số tiền gần 57 tỷ đồng. Đồng thời, Công ty Thái Hưng cũng cam kết thực hiện đúng các điều kiện khi tham gia đấu giá: Đầu tư xây dựng cải tạo và khôi phục sản xuất Nhà máy Luyện cán thép Gia Sàng thuộc GSS, tạo công ăn việc làm cho người lao động và đảm bảo an ninh trật tự ở địa phương… Cũng trong thời gian này, căn cứ theo các quy định của pháp luật và Công văn số 180/CV-GSS ngày 30/6/2016 của Tổng Giám đốc GSS gửi UBND tỉnh và các cơ quan có liên quan về việc trả lại đất để thực hiện bàn giao tài sản bán đấu giá. Ngày 23-9-2016, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2448/QĐ-UBND thu hồi đất của GSS cho Công ty Thái Hưng thuê. Đồng thời, chỉ đạo Sở Tài nguyên - Môi trường cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (số CC436768 & CC436767) cho Công ty Thái Hưng với tổng diện tích trên 21 nghìn m2 đất sử dụng sản xuất và gần 5,8 nghìn m2 đất sử dụng làm sân thể thao phục vụ người lao động.
Thời điểm UBND tỉnh ra quyết định thu hồi, giao đất cho Công ty Thái Hưng thuê sử dụng, bà Vũ Thị Kiều Oanh, một trong những cổ đông của GSS trú tại tổ 4, phường Gia Sàng, T.P Thái Nguyên đã có đơn kiến nghị và cho rằng quyết định trên chưa đúng luật vì quyền sử dụng đất của GSS “có tranh chấp”. Tuy nhiên, theo chúng tôi được biết, GSS hoàn toàn không chuyển nhượng đất cho Công ty Thái Hưng, cũng không có tranh chấp ở đây vì đất không thuộc tài sản của GSS mà là đất do UBND tỉnh cho thuê trả tiền hàng năm. Bà Oanh cũng cho rằng mình là cổ đông lớn, thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) nên chủ trương Ban điều hành GSS trả lại đất phải được thông qua Đại hội đồng cổ đông quyết định. Việc ông Bùi Long Xuyên, Tổng Giám đốc GSS ban hành Công văn số 180/CV-GSS gửi UBND tỉnh và các sở, ngành, đơn vị có liên quan trả lại đất để thực hiện bàn giao tài sản bán đấu giá là vi phạm quy định pháp luật và điều lệ GSS…
Nghị quyết HĐQT và công văn 180/CV-GSS.
Về vấn đề này, Luật sư Bùi Quang Thu (Đoàn Luật sư T.P Hà Nội) cho biết: Đây là sự nhầm lẫn, hiểu sai điều lệ hoạt động công ty cổ phần của nguyên đơn. GSS hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và tuân thủ theo điều lệ Công ty. Chính vì vậy, Công văn số 180/CV-GSS do Tổng Giám đốc GSS ký là hoàn toàn đúng pháp luật. Công văn căn cứ vào quy định pháp luật và rất nhiều văn bản của UBND tỉnh cùng các cơ quan chức năng như: Công văn số 70/UBND-KTN ngày 11/01/2016 của UBND tỉnh; Thông báo kết luận số 54/TB-UBND ngày 11/04/2016 của UBND tỉnh; Quyết định số 07/2014/QĐST-KĐTM ngày 08/01/2014 của Tòa án Nhân dân T.P Thái Nguyên; Quyết định số 70-31 và 04 của Chi cục Thi hành án dân sự T.P Thái Nguyên; Thông báo số 221/TB-THADS ngày 05/05/2016 của Chi cục Thi hành án dân sự T.P Thái Nguyên về kết quả thẩm định giá tài sản… Công văn trên cũng thể hiện Ban điều hành đã thực hiện theo hướng chỉ đạo của HĐQT (Nghị quyết số 01/NQ-HĐQT ngày 21/3/2016 của HĐQT Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng – GSS). Các luật sư cũng cho rằng, khi doanh nghiệp trúng đấu giá mua tài sản gắn liền với đất và trở thành nhà đầu tư với pháp nhân mới để khôi phục lại sản xuất thì họ phải được thuê đất là điều đương nhiên, đúng pháp luật. Hoàn toàn không có chuyện ông Bùi Long Xuyên, Tổng Giám đốc “cấu kết” hay tự ý ban hành Công văn số 180/CV-GSS khiến GSS mất quyền sử dụng đất và “mất đi phương án sản xuất, kinh doanh duy nhất” như đơn thư đề cập. Không thể nói, Công văn số 180/CV-GSS là một công văn chưa hợp pháp, trái luật.
(Còn nữa)