Sự đồng thuận của người lao động (Bài 2)

20:32, 09/06/2018

Trao đổi với chúng tôi, anh Bùi Quang Sáng, Chủ tịch Công đoàn GSS cho biết:  Đúng như kỳ vọng của người lao động GSS và cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, với sự nỗ lực của Nhà đầu tư - Công ty Thái Hưng, cuối tháng 12-2016, mẻ thép cán đầu tiên đã ra lò, đánh dấu sự hoạt động SXKD trở lại của GSS sau gần 4 năm dừng sản xuất. Giai đoạn này, GSS bảo đảm việc làm ổn định cho trên 200 lao động với mức thu nhập bình quân trên 6 triệu đồng/người/tháng. Cần phải nói thêm rằng, sau gần 8 tháng triển khai Dự án Đầu tư xây dựng, cải tạo và khôi phục sản xuất Nhà máy, Công ty Thái Hưng đã bỏ ra số tiền trên 152 tỷ đồng, tăng hơn 44 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư được duyệt (108 tỷ đồng).

Tuy nhiên, cũng theo anh Sáng, sau 6 tháng đi vào sản xuất trở lại, GSS và nhà đầu tư phải quyết định dừng sản xuất do thua lỗ lớn. Nguyên nhân chính là do thiết bị trên dây chuyền sản xuất thép cán của GSS đa phần được chế tạo từ những năm 70 của thế kỷ trước. Sau 40 năm hoạt động cùng với thời gian dừng sản xuất khá lâu, thiết bị không được chăm sóc, bảo dưỡng nên rất nhiều chi tiết, linh kiện hỏng hóc nặng, dẫn đến chi phí gia công sản phẩm quá lớn, gần gấp đôi so với các nhà máy cán thép khác (gần 2,2 triệu đồng/tấn sản phẩm, trong khi ở các thương hiệu khác giá thành gia công từ 1- 1,2 triệu đồng/tấn sản phẩm). Nhiều chỉ tiêu tiêu hao nguyên liệu/tấn sản phẩm của GSS cũng tăng cao so với kế hoạch như: dầu FO tăng 31,8%, điện tăng 16,1%, thép phế phẩm tăng đến 39,1%...

Thật là “Họa vô đơn chí”! Ông Bùi Long Xuyên, Tổng Giám đốc GSS không giấu được sự mệt mỏi, cho biết: Bên cạnh việc sản xuất thua lỗ, thì số tiền gần 57 tỷ đồng GSS có được từ việc đấu giá tài sản vẫn chưa được giải quyết rạch ròi. Ngoài khoản tiền 38 tỷ đồng Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam Chi nhánh Thái Nguyên thu hồi (gồm nợ gốc 33 tỷ đồng và 5 tỷ tiền lãi), số tiền còn lại trên 17 tỷ đồng cho đến thời điểm này vẫn bị Chi cục Thi hành án dân sự T.P Thái Nguyên phong tỏa với lý do có đơn khiếu nại tố cáo của bà Vũ Thị Kiều Oanh, một trong những cổ đông, trú tại tổ 4, phường Gia Sàng, T.P Thái Nguyên.

Ông Bùi Long Xuyên, Tổng Giám đốc GSS: “Mặc dù Thủ tướng Chính phủ cùng các bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đề nghị giải quyết quyền lợi cho người lao động, nhưng đến nay, số tiền trên 17 tỷ đồng của doanh nghiệp vẫn bị phong tỏa do đơn khiếu nại, tổ cáo thiếu căn cứ của bà Oanh”!

 Trong đơn kêu cứu khẩn cấp gửi các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và chính quyền tỉnh, thay mặt cho tập thể lãnh đạo và người lao động của GSS, ông Bùi Long Xuyên trình bày: “Sau hơn 6 năm gặp rất nhiều khó khăn, người lao động tại GSS tưởng chừng quyền lợi của mình sẽ được đảm bảo khi các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương đã tích cực vào cuộc tìm giải pháp, tháo gỡ. Thế nhưng đến nay, quyền lợi của người lao động vẫn chưa được giải quyết vì sự cản trở của vợ chồng cổ đông Vũ Thị Kiều Oanh và Lê Xuân Hộ (ông Hộ nguyên là Phó Chủ tịch HĐQT, Phó Tổng Giám đốc GSS. Trong phiên tòa sơ thẩm ngày 29-7-2014, ông bị Toà án Nhân dân T.P Thái Nguyên tuyên 5 năm tù giam về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” (mặc dù ông không nhận hành vi phạm tội - PV)...

Cũng theo ông Xuyên, trước những khó khăn trên, Ban lãnh đạo GSS đã họp, lập phương án và chủ động đề xuất, được Công ty Thái Hưng nhất trí cho vay khoản tiền trên 8 tỷ đồng. Trước tiên, khoản tiền này sẽ thanh toán một phần nợ gốc bảo hiểm xã hội, nợ lương, chốt bảo hiểm xã hội và các khoản trợ cấp khác cho người lao động… Tuy nhiên, lấy lý do là cổ đông lớn và dựa vào Văn bản số 750/CCTHADS của Chi cục Thi hành án dân sự T.P Thái Nguyên, bà Oanh đã tìm mọi cách ngăn cản không cho thông qua phương án này, đồng thời yêu cầu Công ty Thái Hưng phải mua lại toàn bộ cổ phần của mình (giá trị cổ phần đến thời điểm này bằng không đồng).

Bỏ ra 152 tỷ đồng khôi phục sản xuất những vẫn thua lỗ, đặc biệt tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lao động, Ban lãnh đạo GSS đã tổ chức nhiều cuộc họp với người lao động và đi đến thống nhất đề nghị Công ty Thái Hưng tạm dừng sản xuất. Đồng thời thành lập Hội đồng xây dựng, hoàn thiện Phương án Di dời, kết hợp cải tạo nâng cấp công nghệ và công suất Nhà máy lên 500 nghìn tấn/năm do Tổng Giám đốc GSS làm Chủ tịch Hội đồng.

Ông Bùi Quang Sáng, Chủ tịch Công đoàn GSS: “Công nghệ lạc hậu, chi phí gia công sản phẩm quá lớn, đặc biệt là tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lao động chính là nguyên nhân chúng tôi đồng thuận dừng sản xuất để thực hiện Dự án Di dời, cải tạo, nâng cấp Nhà máy lên 500 nghìn tấn/năm”. 
Ông Ngô Mạnh Toàn, Phân xưởng Cán thép: “Chúng tôi mong Dự án Di dời, cải tạo, nâng cấp Nhà máy lên 500 nghìn tấn/năm sớm được triển khai xây dựng. Chắc chắn môi trường lao động sẽ được cải thiện, bảo đảm an toàn và tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động”.

Tuy nhiên, trước những vướng mắc về các thủ tục, lựa chọn dây chuyền công nghệ cũng như quy mô, vốn đầu tư, đặc biệt là việc đầu tư cải tạo, nâng cấp công suất Nhà máy tại địa điểm cũ không còn phù hợp với quy hoạch tổng thể, điều chỉnh quy hoạch chung của T.P Thái Nguyên trong phát triển kinh tế - xã hội theo Quyết định số 260/QĐ-TTg ngày 27/2/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định số 2486/QĐ-TTg ngày 20/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung của T.P Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên đến năm 2035. Qua tham khảo ý kiến của lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ngành, UBND T.P Thái Nguyên cùng các đơn vị tư vấn, Ban lãnh đạo GSS và nhà đầu tư đã thống nhất xây dựng Dự án Di dời, cải tạo, nâng cấp Nhà máy Luyện cán thép Gia Sàng lên 500 nghìn tấn/năm. Tổng mức đầu tư  của Dự án trên 834 tỷ đồng do Công ty Thái Hưng làm chủ đầu tư. 

Dự án đã được các sở, ngành chức năng của tỉnh xem xét, đánh giá kỹ lưỡng, đồng thời trình lãnh đạo UBND tỉnh thống nhất chủ trương đầu tư. Ngày 23-11-2017, UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 5322/UBND-CNN đồng ý chủ trương cho Công ty Thái Hưng thực hiện dự án trên. Theo đó, Dự án sẽ được xây dựng với tổng diện tích 5ha trong khuôn viên của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, phường Cam Giá, T.P Thái Nguyên (Công ty Thái Hưng cũng đã ký biên bản thỏa thuận về Hợp tác kinh doanh Dự án Di dời, cải tạo nâng cấp Nhà máy với Công ty CP Gang thép Thái Nguyên).
 
Dự án này ngoài việc nhận được sự đồng thuận cao của tập thể cán bộ, CNV và người lao động tại GSS, còn nhận được sự đồng thuận của hàng trăm hộ dân sống xung quanh khu vực Nhà máy. Người dân không còn mối lo ô nhiễm môi trường sinh thái, ô nhiễm nguồn nước, đồng thời việc di dời nhà máy cũng đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp sạch, thân thiện môi trường, đưa T.P Thái Nguyên xứng tầm đô thị loại I. Như vậy, việc một số cá nhân cho rằng Dự án Di dời, cải tạo, nâng cấp Nhà máy gây thất thoát vốn Nhà nước, thiệt hại nghiêm trọng đến quyền và lợi ích các cổ đông, gây mất việc cho người lao động… thì đó là ý kiến cực đoan, khó có thể chấp nhận.