Từ nhu cầu của một số người không học nhưng lại muốn có bằng, thời gian qua trên các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook… đã xuất hiện nhiều dịch vụ làm bằng cấp, giấy tờ giả. Mặc dù lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý nhiều vụ việc liên quan nhưng do việc làm này mang lại lợi nhuận cao nên các đối tượng vẫn ngang nhiên hoạt động…
Gõ tìm kiếm trên facebook với nội dung “Làm bằng cấp chất lượng cao” chúng tôi dễ dàng tìm được hàng loạt tài khoản facebook đăng tin nhận làm giấy tờ bằng cấp giả với lời quảng cáo hấp dẫn như: Nhận làm bằng Đại học, Cao đẳng, lái xe ô tô, xe máy và các loại chứng chỉ khác giá thấp nhất; không cần đặt cọc tiền (đề phòng khách hàng chưa hài lòng sẽ được làm lại); uy tín bảo mật…Các loại giấy tờ giả này có mức giá trung bình từ vài trăm nghìn đến 4-5 triệu đồng. Khi có khách hàng, bên nhận dịch vụ sẽ hướng dẫn giao dịch qua tin nhắn facebook, zalo hoặc điện thoại. Việc giao hàng, nhận tiền được gửi thông qua đường bưu điện hoặc xe khách, người giao hàng… Để tránh bị lực lượng chức năng phát hiện, các đối tượng trên thường lập nhiều tài khoản khác nhau để công khai đăng tin cung cấp dịch vụ này.
Trong vai người có nhu cầu mua bằng Tốt nghiệp đại học để hoàn thiện hồ sơ xin việc, chúng tôi liên lạc với chủ tài khoản facebook Dương Thiên Minh thì được người này hướng dẫn gửi các thông tin cá nhân gồm số điện thoại, ngày sinh, tên trường cần mua bằng, ảnh… Giá của tấm “bằng” này là 4 triệu đồng. Khi chúng tôi hẹn liên lạc lại sau thì đối tượng còn đưa ra lời cam kết đây là “hàng xịn”, nhận hàng xong mới phải chuyển tiền để tạo sự tin tưởng.
Được biết, đầu tháng 5 vừa qua, Tòa án Nhân dân huyện Đồng Hỷ đã tổ chức phiên tòa xét xử 7 bị cáo gồm: Lưu Công Tiên (sinh năm 1989) và Vũ Văn Khởi (sinh năm 1988) cùng thường trú xóm 15, xã Giao Yến, huyện Giao Thủy (Nam Định); Phạm Văn Đức (sinh năm 1991), thường trú xóm Xuân Trung, xã Nghi Đức, T.P Vinh (Nghệ An); Vũ Mạnh Hùng (sinh năm 1988), thường trú xóm 14, xã Nghi Kim, T.P Vinh (Nghệ An); Nguyễn Xuân Sơn (sinh năm 1988), thường trú xóm Thác Vạng, xã An Khánh (Đại Từ), Nguyễn Duy Thanh (sinh năm 1991), thường trú xóm Trung Nhang, xã Cát Nê (Đại Từ); Hoàng Thị Loan (sinh năm 1988), thường trú xóm Cốc Ngạn, xã Lam Vỹ (Định Hóa). Các đối tượng bị truy tố về tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” và “Sử dụng con dấu giả của cơ quan, tổ chức”.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Thiếu tá Ngô Thanh Tuấn, Đội Trưởng Đội Cảnh sát điều tra trật tự xã hội, Công an huyện Đồng Hỷ cho biết: Những loại giấy tờ như bằng tốt nghiệp đại học, cao đẳng, Giấy phép lái xe… được rao bán trên mạng hầu hết là giấy tờ giả. Do các giao dịch thường diễn ra trên mạng xã hội, việc giao nhận hàng chủ yếu thông qua trung gian nên việc xử lý tận gốc đối tượng thực hiện hành vi làm giả giấy tờ là không đơn giản, mất nhiều thời gian. Khi bị phát hiện, không chỉ đối tượng có hành vi làm giả giấy tờ tài liệu mà ngay cả người sử dụng những bằng cấp, giấy tờ giả cũng bị xử lý theo quy định của pháp luật. Do vậy để tránh “tiền mất, tật mang” mỗi cá nhân cần tự ý thức không bỏ tiền mua các loại giấy tờ, bằng cấp được rao bán tràn lan trên mạng kẻo tự đẩy mình vào vòng lao lý. Đồng thời, khi phát hiện hành vi này, người dân cần nhanh chóng trình báo tới cơ quan công an để điều tra, làm rõ.