Phiên thảo luận chiều 3/9 về công tác năm 2019 của các cơ quan tư pháp tại UB Tư pháp của Quốc hội nổi lên vấn đề thi hành án hành chính.
Theo báo cáo trước đó của Chính phủ, tính đến ngày 31/7/2019, TAND các cấp đã chuyển giao cho các cơ quan thi hành án dân sự 2.057 bản án hành chính để theo dõi. Cơ quan thi hành án dân sự đã thực hiện theo dõi 551 việc (trong đó có 224 việc kỳ trước chuyển sang), ra 491 văn bản thông báo tự nguyện thi hành án, đăng tải công khai 112 quyết định buộc thi hành án...
Kết quả, các cơ quan hành chính đã thi hành xong 215 việc (39%) đang tiếp tục thi hành 336 việc. Riêng đối với 50 vụ việc người phải thi hành án là Chủ tịch UBND, mới chỉ 32 bản án, quyết định được chính quyền thi hành.
Chính phủ nêu nguyên nhân khiến việc thi hành án chậm trễ, không triệt để là vì số lượng các bản án, quyết định hành chính đang phải thi hành còn cao, hiện còn 336 bản án, quyết định đang tiếp tục phải tổ chức thi hành. Khó khăn nữa là chưa có cơ chế cưỡng chế thi hành án đối với các trường hợp không tự nguyện chấp hành. Trong khi đó, theo Luật Tố tụng hành chính năm 2015 và nghị định71/2016/NĐ-CP thì cơ chế thi hành án hành chính là cơ chế tự thi hành.
Nguyên nhân khác dẫn tới sự tồn đọng lớn là do 90% các bản án, quyết định của toà án về vụ án hành chính phải thi hành thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai. Theo Chính phủ, đây là lĩnh vực hết sức phức tạp, có tính lịch sử, quá trình giải quyết đòi hỏi các cơ quan phải rà soát, tiến hành nhiều thủ tục trước khi ban hành quyết định giải quyết cuối cùng, tránh phát sinh các tranh chấp, khiếu kiện tiếp theo. Do đó, quá trình tổ chức thi hành đối với các bản án, quyết định này của toà án thường bị kéo dài.
Còn một số trường hợp bản án, quyết định đã có hiệu lực nhưng bên phải thi hành án vẫn có văn bản đề nghị xem xét lại bản án theo thủ tục giám đốc thẩm dẫn đến kéo dài thời gian thi hành.
Ngoài ra, cơ quan hành chính cao nhất cũng đưa ra nhận định, tính chủ động, trách nhiệm của người đứng đầu ở một số địa phương trong việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính ở một số địa phương chưa cao.
Nhóm nghiên cứu của UB Tư pháp cho rằng, tỷ lệ thi hành án hành chính năm 2019 đạt thấp, số vụ án hành chính tồn đọng chưa thi hành xong tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2018.
Nhóm nghiên cứu đề nghị Chính phủ cần làm rõ nguyên nhân, nhất là về nguyên nhân chủ quan và có giải pháp quyết liệt nhằm bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và kỷ luật, kỷ cương hành chính, đồng thời bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được thi hành án.
Phát biểu thảo luận, đại biểu Hoàng Văn Hùng nhận xét: “Tôi cứ nghĩ án hành chính là phải thi hành đạt 100%, người đứng đầu phải gương mẫu chấp hành, nhưng đáng buồn là kết quả thi hành có 39%. Năm nào tỷ lệ thi hành án hình sự cũng thấp, đọc rất là buồn. Vậy trách nhiệm người đứng đầu ở đâu?”.
Nhấn mạnh án hành chính liên quan đến cơ quan công quyền thì không thể để tồn đọng lớn đến vậy, ông Hùng đề nghị Chính phủ phải báo cáo uỷ ban nhân dân nơi nào, chủ tịch uỷ ban nhân dân tỉnh nào không chấp hành việc thi hành án, bản án nào, ở đâu chưa được thi hành cũng cần công khai để đại biểu giám sát.
Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga cũng tán thành với quan điểm cần có báo cáo cụ thể xem Chủ tịch UBND tỉnh nào, huyện nào chưa thi hành bản án hành chính đã có hiệu lực để đại biểu Quốc hội biết và giám sát.