Gần đây, Báo Thái Nguyên có nhận được phản ánh của ông Trần Văn Minh, trú tại xóm Mỹ Hòa, xã Cây Thị (Đồng Hỷ) về việc tranh chấp đất đai giữa ông và bà Bùi Thị Chi ở cùng xóm. Sự việc kéo dài đã nhiều năm và được tòa án nhân dân 2 cấp của tỉnh tiến hành xét xử nhưng đến nay chưa được giải quyết dứt điểm.
Theo ông Minh, năm 1999, gia đình ông được cấp sổ nghiệp bạ số 7922, trong đó có lô 52, diện tích 2,47ha thuộc xóm Mỹ Hòa, xã Cây Thị. Đến năm 2001, gia đình ông được UBND huyện Đồng Hỷ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) số S477259 đối với thửa đất số 52, tờ bản đồ lâm nghiệp số 11, xã Cây Thị. Nguồn gốc của thửa đất trên là của bố mẹ ông (là Trần Văn Mài - đã chết và bà Phạm Thị Ngà) khai phá trước đó. Đến năm 2004, ông cho vợ chồng em trai ông là Trần Văn Hiển, Bùi Thị Chi (ông Hiển đã mất năm 2007) mượn thửa đất trên để trồng keo. Năm 2013, đợi bà Chi khai thác hết cây, ông Minh có đến đòi lại đất thì bà Chi không trả mà nói rằng thửa đất trên đã được bà Ngà cho nên tiếp tục trồng keo. Ông Minh làm đơn đề nghị UBND xã Cây Thị giải quyết nhưng không có kết quả nên đã khởi kiện ra tòa.
Khi ra tòa, bà Bùi Thị Chi trình bày: Thửa đất số 52 mà ông Minh đòi là của mẹ chồng bà để lại cho vợ chồng bà canh tác từ năm 1999. Việc cho tặng được một số anh em trong gia đình làm chứng và chính quyền địa phương xác nhận. Khi bà đi đăng ký kê khai thì phát hiện ông Minh đã làm thủ tục kê khai thửa đất đang tranh chấp. Đây là một phần diện tích đất (nằm trên cùng 1 quả đồi) mà bà được bố mẹ chồng để lại. Còn bà Phạm Thị Ngà (năm nay đã 90 tuổi), mẹ đẻ của ông Minh cũng cho rằng việc ông Minh kê khai và được cấp GCNQSDĐ thửa đất 52 nêu trên bà không được biết nên không nhất trí với việc đòi đất của con trai mình. Còn bà Chi đưa ra bằng chứng là tờ giấy chuyển QSDĐ từ bà Ngà sang cho vợ chồng mình được xác lập ngày 1/2/1999. Trong đó có các ông là Trần Văn Doanh, Trần Văn Quảng, Trần Văn Quang (đều là con trai bà Ngà) làm chứng và xác nhận của Trưởng xóm Mỹ Hòa Phạm Văn Minh cũng như Chủ tịch UBND xã Cây Thị Trần Duy Hưng.
Thời điểm đó, việc tranh chấp phần đất trên bà Ngà cũng biết và gọi ông Minh và vợ chồng bà Chi đến để phân giải. Và đến năm 2001, cả ông Minh và bà Chi đều được cấp GCNQSDĐ. Trong đó, ông Minh được cấp thửa số 52 có diện tích 24.700m2, bà Chi được cấp thửa số 53 có diện tích 10.700m2 cùng thuộc tờ bản đồ lâm nghiệp số 11 xã Cây Thị. Theo ông Minh, hai thửa đất trên cùng nằm trên cùng một quả đồi và đã được phân chia ranh giới, mỗi người một nửa. Phần diện tích thửa 52 mà ông được cấp GCNQSDĐ có sự chênh lệch, bởi khi khởi kiện ra tòa, cơ quan chuyên môn đã tiến hành thẩm định thửa đất trên có diện tích thực tế là 10.448m2. Ông Minh cũng không thắc mắc về sự sai số này và Tòa án nhân dân huyện Đồng Hỷ cũng đã kiến nghị UBND huyện chỉnh lý lại GCNQSDĐ cho ông Minh theo diện tích đo thực tế.
Việc ông Minh được cấp GCNQSDĐ với thửa đất trên cũng được đại diện UBND huyện Đồng Hỷ thừa nhận là đủ điều kiện và đúng quy định của pháp luật vì thời điểm ông Minh được cấp GCNQSDĐ, UBND huyện không nhận được đơn thư khiếu nại nào. Hơn nữa, cùng thời điểm trên, bà Chi cũng được cấp GCNQSDĐ mảnh đất liền kề với đất ông Minh, bản thân bà Ngà và mọi người trong gia đình cũng biết nhưng không ai có ý kiến, khiếu nại gì.
Căn cứ vào những tình tiết trên, tại phiên xét xử sơ thẩm ngày 14/4/2016, Tòa án nhân dân huyện Đồng Hỷ đã xác định giấy chuyển quyền sử dụng đất mà bà Ngà cho vợ chồng ông Hiển, bà Chi không phải là căn cứ hợp pháp. Đồng thời công nhận quyền sử dụng hợp pháp của ông Trần Văn Minh đối với thửa đất số 52. Vậy nhưng, bản án trên đã bị viện kiểm sát kháng nghị, bà Chi kháng cáo nên ngày 10/8/2016, Tòa án nhân dân tỉnh đã mở phiên tòa phúc thẩm vụ án và quyết định hủy án sơ thẩm, giao hồ sơ về Tòa án nhân dân huyện Đồng Hỷ giải quyết theo thẩm quyền.
Tuy nhiên, theo ông Minh, giấy chuyển QSDĐ giữa bà Ngà cho vợ chồng bà Chi có nhiều điều khuất tất. Khi nghiên cứu hồ sơ và làm trao đổi với những nhân chứng chúng tôi cũng thấy một số điều bất hợp lý. Bà Ngà có tất cả 10 người con nhưng trong giấy chuyển nhượng này chỉ có 3 người con có ý kiến xác nhận đồng ý. Còn 5 người con còn lại (ngoài ông Minh, ông Hiển) cho rằng không có cuộc họp gia đình nào để thống nhất việc chuyển nhượng thửa đất trên cho vợ chồng bà Chi cũng như nội dung giấy chuyển nhượng. Giấy chuyển quyền viết tay này cũng không có chữ ký, xác nhận của vợ chồng ông Hiển, bà Chi. Ông Minh còn cho rằng giấy chuyển QSDĐ giữa bà Ngà với bà Chi không phải được lập ngày 1/2/1999 mà hình thành sau này nhằm hợp thức hóa.
Về điểm này, ông Trần Văn Vinh (em trai của ông Minh) tiết lộ: Khoảng tháng 4-2013, tôi được bà Bùi Thị Chi gọi đến nhờ ký giấy chuyển nhượng viết tay nhưng khi nhìn thấy có sự bất thường vì ghi ngày, tháng là 1/2/1999 nên tôi đã không ký.
Thế nhưng, từ đó đến nay, vụ việc vẫn được giải quyết dứt điểm. Theo phản ánh của ông Minh: Từ khi ông khởi kiện đến nay, vụ án đã qua 5 vị thẩm phán thụ lý. Tòa án nhân dân huyện Đồng Hỷ đã nhiều lần triệu tập các đương sự lên lấy lời khai và hòa giải nhưng không thành. Bản thân ông luôn chấp hành mọi yêu cầu của tòa nhưng chính vì vậy mà rất mệt mỏi. Còn phía bị đơn đã 2 lần trồng cây và khai thác gỗ trên mảnh đất đang tranh chấp. Trong khi đó, cách đây gần nửa năm, ông Minh thuê người tiến hành phát cỏ để chuẩn bị trồng rừng thì tòa lại yêu cầu dừng lại, chờ giải quyết nên đất thành bỏ hoang, gây lãng phí. Hiện ông chỉ mong tòa án sớm đưa ra phán quyết một cách công bằng, đúng pháp luật.
Thiết nghĩ, đề nghị của ông Minh là chính đáng, tòa án nhân dân huyện Đồng Hỷ và các cấp, ngành liên quan cũng nên quan tâm đến nguyện vọng của người dân. Căn cứ vào những cơ sở pháp lý, làm rõ những điểm còn vướng mắc để giải quyết dứt điểm vụ việc.