Thủ đoạn cũ, nạn nhân mới

09:06, 20/02/2020

Kẻ gian đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết và cả sự tham lam của một số người dân để thực hiện các hành vi lừa đảo bằng công nghệ cao. Cụ thể, các đối tượng người nước ngoài móc nối với đối tượng người Việt Nam lấy cắp dữ liệu tài khoản cá nhân rồi giả danh cơ quan chức năng yêu cầu chuyển tiền phục vụ điều tra; lấy cắp dữ liệu, làm giả thẻ ngân hàng để trộm cắp tiền qua mạng; lợi dụng các cuộc gọi điện thoại vừa giao dịch rồi giả làm người thân nhắn tin vay tiền…

Mặc dù cơ quan chức năng đã khuyến cáo và các cơ quan truyền thông trong tỉnh đã đăng tải nhiều bài viết phản ánh về những trường hợp bị kẻ gian lừa đảo qua internet, điện thoại nhưng số nạn nhân mới vẫn không ngừng tăng. 

Theo số liệu của Công an tỉnh, số trường hợp bị lừa đảo thông qua các phương tiện sử dụng công nghệ thông tin trên địa bàn không lớn nhưng liên tục tăng với tổng số tiền bị tội phạm chiếm đoạt khoảng trên 3 tỷ đồng (chưa kể những trường hợp bị mất tiền nhưng không tố giác tới cơ quan chức năng vì sợ mang tiếng). Riêng số trường hợp bị lừa đảo qua mạng xã hội và các phương tiện có sử dụng công nghệ thông tin khác trên địa bàn T.P Thái Nguyên tăng nhiều lần sau từng năm (năm 2017 chỉ có 4 trường hợp, năm 2018 có 18 trường hợp, năm 2019 tăng lên gần 30 trường hợp). Mới đây, tại các huyện: Võ Nhai, Đồng Hỷ và Phú Bình lại xuất hiện đối tượng người nước ngoài làm quen qua mạng, giữ mối liên lạc vài tháng rồi bày tỏ tình cảm yêu đương. Sau đó, đối tượng cho biết đã gửi quà giá trị cả triệu USD để người nhận tin, thanh toán các loại tiền phí dịch vụ tới vài trăm triệu đồng để chiếm đoạt.

Gặp gỡ, trao đổi với một số bị hại chúng tôi thấy nguyên nhân dẫn tới bị lừa đảo đều có yếu tố chủ quan, như: Cung cấp danh tính, số chứng minh thư nhân dân, số tài khoản ngân hàng, số điện thoại cá nhân… khi thực hiện các giao dịch trên mạng. Từ đó, kẻ gian sẽ tìm cách truy cập vào trang cá nhân, đánh cắp thông tin để thực hiện hành vi trộm cắp tài sản. Một số trường hợp khi mang điện thoại đi sửa chữa còn cung cấp mật khẩu, để sim điện thoại tại nơi sửa chữa nên lộ lọt thông tin cá nhân. Theo Đại tá Đặng Đức Đang, Phó Giám đốc Công an tỉnh, tội phạm sử dụng công nghệ cao xuất hiện trong phạm vi toàn quốc và diễn biến ngày càng phức tạp. Tại tỉnh ta, loại tội phạm sử dụng công nghệ cao không quá phức tạp nhưng đã xuất hiện và có nạn nhân bị lừa đảo số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng. Phương thức, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo ngày một tinh vi, luôn có sự biến tướng với nhiều chiêu trò khác nhau nhưng ý thức cảnh giác của người dân chưa cao. 

Liên tục có trường hợp bị lừa đảo qua mạng nhưng nhiều người dân trong tỉnh vẫn vô tình để lộ thông tin cá nhân khi sử dụng mạng xã hội, mua bán online, thiếu ý thức phòng ngừa. Thượng tá Phí Mạnh Hùng, Trưởng Công an huyện Phú Bình thông tin trước Tết Nguyên đan Canh Tý đơn vị tiếp nhận phản ánh của một phụ nữ tên N.T.A ở xã Tân Kim về việc đã gửi trên 200 triệu đồng để nhận quà của một đối tượng người nước ngoài. Sau đó, chị A. lại nhận được điện thoại xưng danh là cán bộ hải quan nói phải gửi thêm 160 triệu đồng nữa mới đủ tiền thuế, phí nhận quà. Thấy nghi bị lừa đảo nên chị A. đã phản ánh, nhờ lực lượng chuyên môn của Công an huyện giúp đỡ nên đã kịp thời, phong tỏa số tiền người phụ nữ này mới gửi lần 2 nên không mất. Sở dĩ các đối tượng tội phạm nắm được hoàn cảnh của các nạn nhân là do tìm hiểu thông tin cá nhân của bị hại thông qua các bài viết, hình ảnh trên trang cá nhân của bị hại, qua tin nhắn làm quen, tâm sự trên các nhóm, hội độc thân, cô đơn trên mạng xã hội Facebook. Zalo. Nhất là những phụ nữ lên mạng xã hội sau 0 giờ hàng ngày. 

Trước diễn biến phức tạp của loại tội phạm sử dụng công nghệ cao, mạng xã hội để lừa đảo, lực lượng Công tỉnh đang phối hợp với các cơ quan chức năng, UBND 9 huyện, thành, thị tổ chức tuyên truyền dưới nhiều hình thức. Đồng thời, Công an tỉnh và công an các địa phương trong tỉnh khuyến cáo: Các tổ chức, cá nhân trong tỉnh cần nâng cao ý thức cảnh giác, khi phát hiện đối tượng có dấu hiệu lừa đảo, kịp thời báo cơ quan chức năng để ngăn chặn, xử lý. Nhất là khi có đối tượng đề nghị thuê hoặc mua lại số điện thoại, tài khoản sử dụng các mạng xã hội cần từ trối, tránh để các đối tượng lừa đảo có cơ hội sử dụng danh nghĩa cá nhân gửi tin thực hiện hành vi lừa đảo. Mạng xã hội là phương tiện hữu ích trong cuộc sống nhưng sẽ là con “dao hai lưỡi” nếu người dùng chủ quan, không ý thức chọn lọc thông tin, phòng ngừa kẻ gian…