Thái Nguyên là địa phương có diện tích rừng tự nhiên lớn, trong đó, diện tích rừng đặc dụng được bảo vệ nghiêm ngặt hơn 30.000ha. Trong rừng có gần 300 loài, với 34 loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm như: Voọc, khỉ, sơn dương, nai, tê tê, mèo rừng… phân bố chủ yếu ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng, rừng Quốc gia Tam Đảo. Các loài động vật hoang dã (ĐVHD) thường bị các đối tượng săn bắt, buôn bán, bởi đem lại nguồn lợi kinh tế bất hợp pháp rất lớn. Chính vì vậy, việc bảovệ ĐVHD được cơ quan chức năng của tỉnh đặc biệt quan tâm.
Ông Bùi Thanh Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi Cục Kiểm Lâm - Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Hiện tại, nạn săn bắt, buôn bán, vận chuyển trái phép ĐVHD không còn diễn ra “nóng” như trước, nhưng luôn tiềm ẩn yếu tố phức tạp nên cơ quan chức năng phải áp dụng nhiều biện pháp để quản lý, bảo vệ. Trên địa bàn tỉnh, số lượng ĐVHD không còn nhiều, sinh sống phân tán, nếu không quản lý, bảo vệ tốt thì nguy cơ sụt giảm và có nguy cơ mất đi nguồn gen quý hiếm. Hàng năm, ngoài việc điều tra số lượng các loại động, thực vật, lực lượng kiểm lâm thường xuyên phối hợp với công an, chính quyền địa phương tăng cường công tác quản lý, tuyên truyền, vận động người dân nâng cao y thức chấp hành các quy định về bảo vệ ĐVHD… Đặc biệt, mỗi năm lực lượng kiểm lâm, công an đã vận động người dân trên địa bàn giao nộp hàng trăm khẩu súng săn, súng tự chế và bẫy thú.
Ông Ngô Văn Tuyên, Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng chia sẻ: Đối với địa bàn huyện Võ Nhai, ĐVHD tập trung chủ yếu ở rừng đặc dụng Thần Sa. Thời gian qua, lực lượng chức năng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân sinh sống ở vùng lõi nên việc săn bắt, buôn bán, vận chuyển ĐVHD trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng đã giảm rõ rệt. Trong 2 năm trở lại đây, cơ quan chức năng không phát hiện hiện tượng săn bắt, buôn bán ĐVHD ở rừng đặc dụng Thần Sa.
Thái Nguyên nằm ở vị trí cửa ngõ phía Bắc của thủ đô Hà Nội nên nhiều năm trước, việc vận chuyển buôn bán ĐVHD từ các tỉnh trung chuyển qua Thái Nguyên rất phức tạp. Vì vậy, để bảo vệ ĐVHD công tác tuần tra cũng đã và đang được tăng cường, lực lượng Kiểm lâm cơ động túc trực 24/24 tại Quốc lộ 3 (đoạn qua xã Sơn Cẩm, T.P Thái Nguyên) để ngăn chặn những trường hợp buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép. Cùng với đó là phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi săn bắt, nuôi nhốt, buôn bán ĐVHD. Năm 2019, cơ quan chức năng phát hiện và thu giữ 1 cá thể hổ đông lạnh tại phường Tân Long (T.P Thái Nguyên). Đối tượng này đã bị xử lý hình sự, phạt tù. Cũng trong năm 2019, cơ quan chức năng đã phát hiện 1 trường hợp vận chuyển trái phép 1 cá thể khỉ.
Ngoài ra, việc ngày càng có nhiều mô hình chăn nuôi ĐVHD được cấp phép để phục vụ nhu cầu thực phẩm nên tình trạng săn bắt, vận chuyển buôn bán ĐVHD trái phép đã giảm. Theo số liệu thống kê của Chi Cục Kiểm lâm, hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 70 trang trại, hộ gia đình được cấp phép nuôi ĐVHD. Các cá thể ĐVHD được cơ quan chức năng đánh mã số để theo dõi, quản lý. Thêm vào đó, việc rừng tự nhiên ngày càng thu hẹp cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến sự phát triển, sinh trưởng của các loài ĐVHD trong tự nhiên. Hiện các cơ quan chức năng đã tiến hành quy hoạch và bảo vệ nghiêm ngặt các cánh rừng tự nhiên, đẩy mạnh trồng rừng, phủ xanh hàng trăm nghìn héc ta đất trống, đồi trọc nên đã tạo điều kiện để cho ĐVHD tự nhiên có môi trường sống tốt hơn…