Mạng xã hội qua “màng lọc” tri thức

09:35, 10/05/2020

Khoảng 270 MXH được cấp giấy phép hoạt động tại Việt Nam với khoảng 35 triệu người dùng cho thấy tính phổ quát của loại hình này trong đời sống xã hội hiện nay. Hiện trung bình mỗi ngày, người Việt Nam vào MXH hơn 2 giờ để thỏa mãn các nhu cầu của bản thân.

Tại tỉnh Thái Nguyên, tỷ lệ người dùng MXH còn cao hơn tỷ lệ trung bình của cả nước do tập trung đông học sinh, sinh viên, công nhân làm việc trong khu, cụm công nghiệp. Qua tìm hiểu của chúng tôi, giờ không chỉ có những học giả uyên bác làm việc tại các cơ sở nghiên cứu khoa học, giáo dục, cán bộ, công chức viên chức của cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh dùng MXH, mà ngay người nông dân, công dân sống ở các huyện miền núi, vùng cao của tỉnh, như: Định Hóa, Đại Từ, Võ Nhai… cũng dùng MXH để giải quyết nhiều vấn đề trong cuộc sống. Người dân trong tỉnh đã, đang sử dụng MXH để giải quyết công việc, giải trí, giao lưu, kinh doanh buôn bán… bởi tính năng kết nối, chia sẻ, tiếp nhận thông tin một cách nhanh chóng, hiệu quả, cũng như chi phí rất “bình dân”. Ngay Chính phủ cũng đã lập 2 tài khoản Facebook là “Thông tin Chính phủ” và “Diễn đàn Cạnh tranh quốc gia” với kỳ vọng giúp người dân tiếp cận kịp thời các văn bản, quy phạm pháp luật mới ban hành, thông tin thời sự chính trị, kinh tế - xã hội, hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Đối tượng vi phạm luật giao thông tại T.P Thái Nguyên tự quay hình ảnh rồi phát tán lên mạng thách thức đã bị lực lượng chức năng xử lý.

Như vậy, không thể phủ nhận vai trò tích cực của MXH trong đời sống xã hội. Song, MXH không phải toàn “mầu hồng” mà nó cũng chứa đựng lắm mối nguy hại, như: Các thế lực thù địch và bọn tội phạm sử dụng MXH là công cụ đắc lực cho các hoạt động phá hoại tư tưởng, các hoạt động phạm tội khác; MXH là nơi hỗn độn đủ loại văn hóa độc hại; nơi chia sẻ những phản ngôn, hình ảnh phi văn hóa... Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều trường hợp do kém hiểu biết đã vô tình hoặc cố ý sử dụng MXH để tung tin sai sự thật; buôn bán hàng phi pháp; vu khống, bôi nhọ người thực thi công vụ. Đơn cử như các trường hợp: Mông Thị Cúc, ở xã Điềm Mặc (Định Hóa); Phạm Văn Hải, ở xã Tân Khánh (Phú Bình); Nguyễn Sơn Tùng, ở phường Trung Thành (T.P Thái Nguyên)… đã tung tin sai sự thật trên mạng Facebook gây hoang mang dư luận, bị lực lượng chức năng của tỉnh xử phạt hành chính hàng chục triệu đồng, có trường hợp bị truy tố. Do vậy, mỗi người dùng MXH không vì những mặt trái mà tẩy chay nhưng cũng không nên quá ấu trĩ cho rằng đây là kênh thông tin, phương tiện duy nhất và chất lượng để giải quyết mọi vấn đề hàng ngày mà không có sự phòng ngừa, cảnh giác.

MXH trở thành nơi giao bán cả văn bằng, chứng chỉ làm giả.

Theo Tiến sĩ Cao Thị Hồng, Trưởng khoa Văn - Xã hội, Trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên): Nhiều người có thói quen thích chia sẻ thông tin về cuộc sống, công việc, hoạt động của cơ quan, đơn vị lên MXH hoặc sử dụng MXH làm công cụ liên lạc, trao đổi. Trong khi đó, không phải ai cũng có hiểu biết về công tác bảo vệ bí mật Nhà nước, ý thức bảo mật cá nhân nên làm gia tăng nguy cơ lộ lọt thông tin. Từ đó, các đối tượng xấu lợi dụng đăng tải lại các tài liệu mật trên MXH, tạo diễn đàn xuyên tạc, nói xấu chính quyền; kẻ gian có thông tin để thực hiện các hành vi trộm cắp. Còn Thạc sĩ luật Nguyễn Minh Cảnh, Giám đốc Chi nhánh Công ty Luật K và cộng sự tại Thái Nguyên nhận định: MXH là tập hợp các mối quan hệ giữa các cá nhân, nhóm cá nhân, tổ chức trên môi trường internet. Chính vì thế, MXH có thể coi là một loại hình cộng đồng song mang tính chất ảo và đã là ảo thì giải quyết vấn đề pháp lý khi xảy ra tranh chấp, bất đồng sẽ không hề đơn giản.

Ngày nay, bất kỳ ai chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, một máy tính bảng hay máy tính cá nhân có kết nối internet đều có thể tham gia vào MXH. Với nội dung phong phú và cách thức sử dụng dễ dàng, MXH mang lại rất nhiều tiện ích, nổi bật khi người dùng biết chọn lựa qua “màng lọc” tri thức của bản thân. Đồng thời, người dùng MXH cũng cần thường xuyên nghe, xem khuyết cáo về cách thức, phương pháp dùng MXH của các chuyên gia có kinh nghiệp. Đặc biệt, người dùng MXH trong tỉnh phải hiểu kỹ các quy định của Luật An ninh mạng để tránh những lỗi vi phạm do cả sự chủ quan và khách quan.

Tiến sĩ Lê Thẩm Dương, Chuyên gia về quản trị doanh nghiệp

“Một câu nói có thể giết chết một con người, một doanh nghiệp, nên chủ đề MXH đáng bàn. MXH là “giết người” không cần dao, rất nguy hiểm. MXH liên quan đến 3 chủ thể: kẻ nói, sức chịu đòn của người bị nói; cuối cùng là yếu tố xã hội, chế tài dư luận xã hội và quản lý nhà nước về chuyện này. Con người trở thành con người nhờ luật pháp nhưng môi trường luật đối với MXH đang có nhiều vấn đề phải bàn”.