Giải quyết dứt điểm việc tranh chấp rừng phòng hộ hồ Núi Cốc

16:36, 25/06/2020

Thời gian qua, Báo Thái Nguyên nhận được đơn của ông Nguyễn Quốc Bình, sống tại Đảo Thủy sản, xã Phúc Trìu (T.P Thái Nguyên) đề nghị làm rõ có hay không việc Ban Quản lý rừng phòng hộ bảo vệ môi trường (RPHBVMT) hồ Núi Cốc thiên vị trong việc giao khoán bảo vệ, chăm sóc rừng.

Theo nội dung đơn, năm 2011, ông Bình đã ký hợp đồng khoán bảo vệ và khoanh nuôi tái sinh rừng theo hợp đồng số 99/HĐ-DA ngày 19/7/2011 với Ban quản lý Dự án 661 phòng hộ Núi Cốc và được Ban quản lý rừng phòng hộ Hồ Núi Cốc đồng ý cho trồng rừng bằng cây bản địa (cây trám), với phương thức xử lý thực bì tại vị trí trồng cây, mật độ 7m x 7m tại Đảo Thủy Sản, xã Phúc Trìu, trên diện tích 9,1ha. Ông Bình đã  xử lý thực bì toàn bộ diện tích đất nêu trên. Sau khi xử lý thực bì, Chi cục Kiểm lâm tỉnh vào làm việc, yêu cầu ông Bình tạm dừng trồng cây trên diện tích đất này, với lý do ông Lý Văn Cảnh kiện diện tích đất ông Bình đang cải tạo chuẩn bị trồng rừng là đất của ông Cảnh.               

Tìm hiểu chúng tôi được biết, vị trí đất rừng nêu trong đơn của ông Bình thuộc lô 3, 4, khoảnh 3 tiểu khu 213 (Bản đồ quy hoạch khu RPHBVMT hồ Núi Cốc năm 2009). Diện tích đất này đã được ông Lý Văn Cảnh, xóm Phúc Thuần, xã Phúc Trìu canh tác từ năm 1993 và thực hiện trồng rừng theo Dự án 661 năm 2005, chăm sóc rừng năm 2006, 2007 (có hợp đồng trồng rừng, chăm sóc rừng giữa ông và Ban quản lý rừng phòng hộ hồ Núi Cốc). Năm 2008, theo quy hoạch 3 loại rừng xã Phúc Trìu, lô rừng trên không thuộc quy hoạch rừng phòng hộ nên ông Cảnh không được Ban Quản lý rừng phòng hộ hồ Núi Cốc tiếp tục ký hợp đồng chăm sóc bảo vệ. Năm 2009, lô rừng trên được quy hoạch vào RPHBVMT hồ Núi Cốc theo quyết định số 3467/QĐ-UBND ngày 28/12/2009 của UBND tỉnh Thái Nguyên. Năm 2015, thực hiện Quyết định 3152/QĐ-UBND ngày 31/12/2014 của UBND tỉnh Thái Nguyên về việc phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững có sự tham gia của người dân đối với khu RPHBVMT hồ Núi Cốc, tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2014-2020, ông Cảnh đã có đơn đề nghị nhận khoán. Sau khi rà soát trên hồ sơ trồng rừng năm 2005, lô rừng ông Cảnh trồng dự án năm 2005 được đưa vào hồ sơ thiết kế khoán BVR năm 2015. Ông Cảnh được nhận khoán bảo vệ qua các năm 2015, 2016, 2018. 

Vì ông Bình không được trồng cây trên khu đất đã cải tạo nên làm đơn kiến nghị gửi đến các cơ quan chức năng. Cơ quan chức năng đã xác minh, kết luận ông Bình trồng rừng trên diện tích đất trên là sai quy định. Mới đây nhất, tại báo cáo kết quả xác minh đơn khiếu kiện của ông Bình, Sở Nông nghiệp và PTNT (cơ quan chủ quản Ban quản lý RPHBVMT hồ Núi Cốc) cũng kết luận: Ban quản lý rừng phòng hộ hồ Núi Cốc hợp đồng trồng rừng năm 2005, khoán bảo vệ rừng năm 2006, 2007 tại lô 3, khoảnh 3, tiểu khu 213 với hộ ông Lý Văn Cảnh, nhưng đến năm 2011 lại hợp đồng giao khoán bảo vệ lô rừng trên với ông Nguyễn Quốc Bình (hợp đồng số 99/HĐ-DA ngày 19/7/2011, đã hết hiệu lực từ ngày 31/12/2011) là không đúng quy định.

Tuy nhiên, ông Bình cho rằng, Ban quản lý rừng phòng hộ hồ Núi Cốc hợp đồng khoán, bảo vệ rừng cho ông sai nguyên tắc thì phải phải chịu trách nhiệm, không thể có chuyện “quýt làm cam chịu”. Năm 2011, ông phải bỏ ra vài trăm triệu đồng để thuê nhân công đào hố, xử lý thực bì trồng cây thì lại bị dừng nhưng cơ quan chức năng không giải thích rõ ràng nên ông càng bức xúc, cho rằng có sự thiên vị trong việc giao khoán bảo vệ chăm sóc rừng.                

Qua sự việc nêu trên, thiết nghĩ cơ quan chức năng cần sớm giải quyết dứt điểm, tránh để tình trạng tranh chấp, kiếu kiện kéo dài làm ảnh hưởng, tác động xấu đến rừng phòng hộ hồ Núi Cốc.