Thi hành án dân sự (THADS) luôn được đánh giá là một công việc vất vả, khó khăn bởi công việc này được thực hiện sau khi bản án đã tuyên, động chạm tới quyền lợi, tài sản của công dân. Nhằm nâng cao hiệu quả công tác THADS, thời gian qua, Chi cục THADS huyện Võ Nhai đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục, qua đó hạn chế được tình trạng khiếu nại, tố cáo và những vụ việc phải cưỡng chế…
Ông Nguyễn Văn Long, Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Võ Nhai chia sẻ: Võ Nhai là huyện miền núi có địa bàn rộng, đường sá đi lại khó khăn, tình hình an ninh trật tự tiềm ẩn một số vấn đề phức tạp. Đặc biệt, Võ Nhai có tới 68% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số với trình độ dân trí và kiến thức pháp luật còn ở mức thấp, không đồng đều. Vì vậy, việc thực hiện công tác THADS ở địa phương gặp nhiều khó khăn.
5 năm trở lại đây, bình quân mỗi năm, Chi cục THADS Võ Nhai tiếp nhận từ 400 đến 500 vụ việc, trong đó phần lớn án thụ lý là ly hôn, ma túy, hình sự. Do số lượng vụ việc ngày càng tăng cao, tính chất vụ việc ngày càng phức tạp, trong khi đơn vị chỉ có 8 cán bộ, chấp hành viên nên việc xác minh điều kiện thi hành án tốn rất nhiều thời gian, công sức. Thêm nữa, đối với diện án thu nộp ngân sách Nhà nước, qua xác minh, phân loại án, nhiều đối tượng phải thi hành án không có điều kiện kinh tế, bỏ đi khỏi địa phương, hoặc đang chấp hành phạt tù, không có tài sản, hoặc khi chấp hành xong án tù vẫn không có điều kiện thi hành án; nhiều vụ việc giải quyết liên quan đến tín dụng, ngân hàng, dẫn đến việc THADS kéo dài, làm chậm tiến độ...
Khó khăn là vậy, nhưng thời gian qua, Chi cục đã có nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả THADS, trong đó tập trung vào công tác giáo dục, vận động, thuyết phục theo phương châm “mưa dầm thấm lâu”. Theo lý giải của cán bộ nơi đây thì nếu thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động sẽ tác động tích cực đến toàn bộ quá trình giải quyết vụ việc thi hành án. Mà công tác vận động, hòa giải thành công không chỉ mang lại lợi ích cho người thi hành án mà người phải thi hành án cũng tránh được những chi phí phát sinh, bởi nếu phải cưỡng chế thì người phải thi hành án sẽ phải chịu toàn bộ các chi phí cho việc thực hiện cưỡng chế. Việc thuyết phục các đương sự tự nguyện hòa giải hoặc tự nguyện thi hành án giúp cơ quan thi hành án hoàn thành công việc một cách thuận lợi, giảm áp lực về thời gian, tiết kiệm công sức, kinh phí.
Anh Lại Đức Hiệp, Phó Chi cục trưởng kiêm chấp hành viên cho biết: Mỗi khi nhận bản án, chúng tôi chủ động nghiên cứu kỹ, tìm hiểu rõ về thân nhân, hoàn cảnh gia đình, mối quan hệ xã hội và các vấn đề gây bức xúc của các đương sự để tìm cách vận động, thuyết phục hiệu quả nhất. Với từng đối tượng là trí thức, công nhân, nông dân, người có tiền án, người cao tuổi… lại có cách tuyên truyền, vận động phù hợp, hiệu quả. Để đương sự chuyển từ trạng thái không hợp tác sang tự nguyện là cả một quá trình kiên trì khéo léo của các cán bộ thi hành án. Đơn cử như thực hiện Bản án dân sự sơ thẩm số 05/2018/DS-ST ngày 24/9/2018 của Tòa án Nhân dân huyện Võ Nhai giải quyết việc tranh chấp quyền sử dụng đất tại xã Phương Giao, giữa ông Ma Thế Kỳ, xóm Đồng Dong và ông Đỗ Văn Kiền, xóm Xuất Tác. Theo đó, ông Đỗ Văn Kiền buộc phải thu hoạch cây trên đất và trả lại quyền sử dụng 4.452m2 đất rừng cho ông Ma Thế Kỳ. Sau 3 tháng kiên trì tuyên truyền, vận động, thuyết phục với hàng chục lượt đi lại vất vả, khó khăn, cuối cùng ông Đỗ Văn Kiền đã thi hành án mà chưa phải dùng đến biện pháp cưỡng chế.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động trong THADS, 5 năm qua (2015-2020), trong tổng số 2.603 việc phải thi hành (tăng 933 việc so với nhiệm kỳ 2010-2015), Chi cục đã giải quyết xong 2.415 việc, đạt tỷ lệ 94%, vượt chỉ tiêu giao. Tổng số tiền phải thi hành là trên 15 tỷ đồng, trong đó có điều kiện thi hành là 11,4 tỷ đồng, đơn vị đã giải quyết xong được gần 9 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 77%, vượt chỉ tiêu giao. Đồng thời, Chi cục ra quyết định thi hành án đúng thời hạn 100% các bản án, quyết định được đưa ra để thi hành theo đúng quy định của pháp luật; bảo đảm việc xác minh điều kiện thi hành án, phân loại án chính xác, đúng pháp luật, đăng tải đúng quy định 100% danh sách người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành trên Công thông tin của Cục THADS tỉnh và tích hợp trên Cổng thông tin của Tổng cục THADS.
Để công tác THADS ở Võ Nhai đạt kết quả cao, thời gian tới, ông Nguyễn Văn Long cho biết: Chi cục tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và pháp luật về THADS nói riêng để người dân, đặc biệt là người phải thi hành án nắm rõ, từ đó có ý thức chấp hành bản án tốt hơn. Bên cạnh đó, Chi cục tiếp tục tranh thủ sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác THADS, đặc biệt là sự giúp đỡ của những người có uy tín trong cộng đồng như già làng, trưởng bản, những người đứng đầu các dòng họ… để động viên, thuyết phục người phải thi hành án tự giác chấp hành.