Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lực cải cách tư pháp, Cơ quan kiểm sát hai cấp trong tỉnh đã thể hiện rõ vai trò trung tâm trong công tác cải cách tư pháp vì ngoài thực hiện quyền công tố, còn có nhiệm vụ kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử và kiểm sát thi hành án…
Để thực hiện tốt công tác cải cách tư pháp, ngành Kiểm sát tỉnh đã liên tục quán triệt, triển khai nội dung Nghị quyết số 49-NQ/TW đến toàn thể cán bộ, công chức. Mục tiêu lớn nhất của ngành Kiểm sát tỉnh là đào tạo, rèn luyện để đội ngũ cán bộ vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, công tâm, bản lĩnh để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Trong 15 năm qua, cơ quan kiểm sát 2 cấp của tỉnh đã thực hiện quyền công tố, kiểm sát điều tra 18.443 vụ/23.388 bị can; truy tố 16.275 vụ/26.533 bị can; ban hành 94 bản kiến nghị đối với cơ quan điều tra trong hoạt động điều tra. Cùng với đó, cơ quan kiểm sát hai cấp đã phối hợp với cơ quan toà án hai cấp trong tỉnh tổ chức 1.483 phiên toà rút kinh nghiệm; xác định 1.324 vụ án trọng điểm để xem xét toàn diện về quy trình, thủ tục pháp lý; cơ quan kiểm sát hai cấp trong tỉnh đã tham gia xét xử lưu động 1.900 vụ án tại cơ sở để tăng cường giáo dục pháp luật, tăng sức răn đe đối với tội phạm.
Trong công tác phối hợp, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh đã thường xuyên trao đổi thông tin, ký quy chế phối hợp với các ngành của tỉnh, như: Ban Nội chính Tỉnh ủy; Cơ quan Cảnh sát điều tra, Cơ quan An ninh điều tra (Công an tỉnh)… về các nội dung liên quan đến công tác chuyên môn. Đồng chí Dương Văn Duy, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh cho biết: Trong những năm qua, tình tội phạm trên địa bàn tỉnh gia tăng cả về số vụ việc và mức độ, phạm vi nên yêu cầu công tác của cơ quan Kiểm sát hai cấp đòi hỏi rất cao. Để hoàn thành nhiệm vụ, mỗi cán bộ, công chức trong Ngành đều rất nỗ lực trong quá trình thực thi công vụ, liên tục thi đua để hoàn thành các chỉ tiêu theo yêu cầu của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao.
Mặc dù đã đạt được nhiều thành tích trong tất cả các lĩnh vực chuyên môn, tuy nhiên, trong quá trình kiểm soát nội bộ, ngành Kiểm sát tỉnh vẫn phát hiện ở một số đơn vị còn để xảy ra hạn chế, sai phạm như có hành vi tự sát khi tạm giam, tạm giữ, đang thi hành án; một số trường hợp bị cáo tại ngoại bỏ trốn trước khi có quyết định thi hành án; tỷ lệ án dân sự thi hành về việc và tiền còn thấp…
Đồng chí Mai Thị Thúy Nga, Trưởng Ban Pháp chế (HĐND tỉnh) cho biết: Cán bộ trong Ngành làm việc trong môi trường phức tạp, áp lực nên cần có thêm chính sách đãi ngộ về vật chất, tinh thần; điều kiện về cơ sở vật chất phục vụ công tác thi hành án hình sự, dân sự và thi hành án hành chính tạm giam chưa đáp ứng được yêu cầu, cần tiếp tục được đầu tư nâng cấp. Những bất cập trong hệ thống văn bản pháp lý, Ngành nên sớm kiến nghị cấp có thẩm quyền bổ sung, hoàn thiện để phục vụ công tác chuyên môn hiệu quả hơn nữa.
Phát huy những mặt mạnh, từng bước khắc phục những vấn đề tồn tại đã, đang được Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh đưa ra lộ trình, giải pháp để thực hiện trong nhiệm kỳ 2020-2025.