Xử lý ô tô gắn biển sai lệch bản đồ Việt Nam

08:39, 25/07/2020

Mới đây, Bộ Thông tin - Truyền thông đã có Công văn gửi các Bộ: Công an,Giao thông - Vận tải, Công Thương và Tài nguyên - Môi trường về việc xử lý hiện tượng lưu hành sản phẩm bản đồ thể hiện sai lệch chủ quyền biên giới Quốc gia. Theo đó, có tình trạng phương tiện giao thông vận tải đường bộ của cá nhân, tổ chức dán bản đồ Việt Nam trên kính, thân và khung biển số xe nhưng không thể hiện đầy đủ chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Thực tế ở Thái Nguyên, khảo sát tại một số tuyến đường tập trung nhiều phương tiện giao thông cũng như một số huyện, thị xã, chúng tôi nhận thấy tỷ lệ xe ô tô gắn decal trang trí không nhiều. Ít xe mới có dán thêm cờ Tổ quốc, dòng chữ “Tôi yêu Việt Nam” hoặc hình bản đồ Việt Nam trên biển số; cơ bản đều thể hiện đầy đủ chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Khi được hỏi, một vài trường hợp cho biết trước đây có thể không chú ý, sau khi đọc văn bản chỉ đạo và thông tin trên báo chí thì đã kiểm tra, chủ động gỡ bỏ phần phụ kiện gắn bản đồ nếu không có đầy đủ phần lãnh thổ của Tổ quốc.

Đại úy Vũ Quốc Huy, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông, Công an T.X Phổ Yên thông tin: Qua tuần tra, kiểm soát cho thấy hầu hết người dân có ý thức tốt về vấn đề chủ quyền. Việc gắn thêm bản đồ vào biển số xe hoặc dán decal trang trí có hình bản đồ đều thể hiện đầy đủ chủ quyền biển đảo. Mỗi khi tạm dừng phương tiện kiểm tra, chúng tôi cũng chú ý tuyên truyền nội dung này.

Còn anh Hứa Văn Phong, chủ cửa hàng nội thất ô tô Duy Tùng, đường Phan Đình Phùng (T.P Thái Nguyên) cho biết: Nhu cầu khách lắp tấm ép bảo vệ biển số xe hiện khá phổ biến, giúp hạn chế bụi bẩn, trầy xước và trông bắt mắt hơn. Nhưng họ cũng rất chú ý, với bản đồ Việt Nam thì phải thể hiện đầy đủ quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thì mới lắp.

Theo nhận định của Bộ Thông tin - Truyền thông, các phương tiện giao thông có phạm vi đi lại rộng, tác động thị giác lớn đến người dân và du khách nước ngoài. Hành vi gắn bản đồ Việt Nam trên biển số mà không có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa dễ khiến hình thành ý thức sai lệch về chủ quyền biển, đảo. Về lâu dài, việc này gây bất lợi trong công tác đấu tranh pháp lý về chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông. Lỗi sai phạm như đề cập ở trên đã có quy định xử phạt rõ ràng.

Ông Vi Tuấn Dũng, Chánh Thanh tra Sở Thông tin - Truyền thông cho biết: “Cơ sở in, sản xuất và phát hành sản phẩm như decal dán lên các phương tiện giao thông mà không thể hiện đầy đủ chủ quyền Quốc gia là vi phạm quy định Luật Xuất bản, có thể bị xử phạt đối đa đến 100 triệu đồng”. Trong khi đó, Luật Biển Việt Nam nêu rõ, cơ quan, tổ chức và mọi công dân có trách nhiệm bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển, đảo và quần đảo. Nghị định số 18/2020/NĐ-CP của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 01/04/2020) cũng nêu, phạt tiền 30-40 triệu đồng đối với hành vi lưu hành sản phẩm đo đạc và bản đồ, xuất bản bản đồ liên quan đến chủ quyền lãnh thổ Quốc gia mà không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền, biên giới Quốc gia. Người vi phạm còn có thể bị áp dụng hình thức phạt bổ sung tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm.

Theo khuyến cáo, công dân khi gắn những decal, hình ảnh trang trí lên biển số hay các vị trí khác của phương tiện giao thông cần lưu ý, nội dung hình ảnh phải thể hiện đầy đủ và chính xác các thông tin, nhất là thông tin liên quan đến chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Trường hợp không thể hiện đầy đủ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cần phải tháo bỏ ngay, nếu không sẽ bị lực lượng chức năng xử lý theo quy định.