Gia tăng tình trạng ly hôn ở vùng cao Võ Nhai

09:22, 23/09/2020

Những năm gần đây, kinh tế - xã hội ở huyện vùng cao Võ Nhai từng bước phát triển, một bộ phận không nhỏ người dân đi làm việc tại các khu công nghiệp, nhà máy may trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, cũng chính từ đây mà những hệ lụy kéo theo đó là tình trạng ly hôn gia tăng.

Tiếp chúng tôi tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Võ Nhai, Chánh án Nguyễn Tất Thắng lấy ra một danh sách dài những vụ ly hôn mà đơn vị đã và đang xử lý: 8 tháng đầu năm nay, tổng số án mà chúng tôi đã thụ lý là 180 vụ, việc, trong đó án hôn nhân và gia đình chiếm 60,5% với 109 vụ. Tôi làm việc ở ngành này hơn 20 năm nay, việc tỷ lệ ly hôn cao như vậy ở đây hầu như khó xảy ra.

Đồng chí Chánh án kể cho chúng tôi nghe một vụ việc mà đích thân anh xét xử cách đây khoảng 10 ngày. Đó là câu chuyện ly hôn giữa nguyên đơn là chị N.T.T, sinh năm 1987 và bị đơn là anh T.V.D tại xóm Thâm, xã Liên Minh. Hai anh chị kết hôn năm 2008, và có với nhau hai con chung. Sau này, anh chồng có biểu hiện cờ bạc, vợ khuyên bảo nhưng không nghe nên hai vợ chồng thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, cãi nhau. Để trang trải kinh tế gia đình, chị T. đi làm công nhân xa nhà, tình cảm vợ chồng dần nguội lạnh. Từ tháng 5-2020 đến nay, vợ chồng anh chị sống ly thân, người vợ sau đó đã đệ đơn đề nghị Tòa án giải quyết cho ly hôn. Sau nhiều lần hòa giải không thành công, ngày 9-9 vừa qua, Tòa án đã xét xử ly hôn. “Điều ám ảnh nhất với tôi trong phiên tòa đó là người chồng còn bắt các con nghỉ học đưa lên Tòa để chứng kiến bố mẹ cãi vã, thậm chí thóa mạ lẫn nhau (Tòa không triệu tập các cháu - PV). Nhìn ánh mắt ngây thơ, hồn nhiên của hai đứa trẻ, chúng tôi không đành lòng nên đã đưa các cháu ra ngoài trong thời gian xét xử”. Anh Thắng kể.

Trên đây chỉ là một vụ điển hình trong hàng trăm vụ ly hôn trên địa bàn huyện Võ Nhai những năm gần đây. Nguyên nhân để dẫn đến ly hôn thì muôn hình vạn trạng (nêu trong đơn xin ly hôn) do người chồng không chịu làm ăn, dùng tiền ăn chơi, quan hệ lăng nhăng. Cũng có thể do mâu thuẫn vợ chồng trầm trọng, mục đích hôn nhân không đạt được. Thêm vào đó, thời gian gần đây phát sinh thêm nguyên nhân do người chồng/vợ đi làm việc ở nước ngoài hay làm việc xa nhà nên ít có điều kiện quan tâm, chăm lo cho gia đình.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết những trường hợp ly hôn đều là những gia đình trẻ, thậm chí chỉ vừa kết hôn được 1-2 năm. Hệ lụy của việc gia tăng tình trạng ly hôn ở huyện vùng cao Võ Nhai không chỉ làm mất đi những giá trị đạo đức truyền thống mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến thế hệ tương lai. Những đứa trẻ sẽ lớn lên thiếu thốn tình thương, sự giáo dục của cả cha lẫn mẹ.

Để góp phần giảm thiểu các vụ việc ly hôn trên địa bàn, ngành Tòa án đề xuất các cơ quan, ban, ngành tiếp tục làm tốt công tác xóa bỏ các hủ tục lạc hậu trong hôn nhân và gia đình như tảo hôn, ép hôn; có kế hoạch và biện pháp cụ thể phòng, chống tệ nạn xã hội và bạo lực gia đình. Vận động các gia đình tích cực tham gia xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước thôn, xóm, khu dân cư, quy chế dân chủ cơ sở; phát huy vai trò của các tổ hòa giải để kịp thời giải quyết những mâu thuẫn nhỏ trong gia đình, không để sự việc trở nên trầm trọng; triển khai, thực hiện nghiêm túc các luật liên quan đến gia đình như: Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Hòa giải ở cơ sở…