Trợ giúp pháp lý miễn phí là chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước đã được triển khai thực hiện từ nhiều năm nay nhằm bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo tinh thần Hiến pháp năm 2013. Đây là hoạt động vô cùng ý nghĩa vì giúp người dân nâng cao nhận thức pháp luật, tăng cường ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật. Trong hoạt động tố tụng, trợ giúp pháp lý miễn phí cũng là kênh quan trọng để tuyên truyền, giúp đỡ người phạm pháp nhận thức rõ lỗi lầm, bảo vệ cán cân công lý, không để xảy ra oan sai…
Mỗi năm, Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng của tỉnh tổ chức trợ giúp pháp lý miễn phí cho trên 450 đối tượng. Trong đó, cán bộ của Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh và các luật sư là cộng tác viên tham gia tố tụng 390 vụ việc; đại diện ngoài tố tụng 15 vụ việc (hình sự 334 vụ việc; dân sự 68 vụ việc; hành chính 10 vụ việc, lĩnh vực khác 1 vụ việc. Riêng 8 tháng năm 2020, Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh đã cử cán bộ, công tác viên thực hiện thụ lý 113 vụ việc. |
Trợ giúp pháp lý nói chung và trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng nói riêng là chính sách nhân văn, có ý nghĩa bền sâu đối với các đối tượng được thụ hưởng. Trong hoạt động tố tụng, có sự tham gia của các cơ quan tư pháp: Công an, kiểm sát, tòa án nhằm bảo vệ nền pháp chế, xử lý nghiêm minh các trường hợp phạm pháp. Cùng với đó, chính sách pháp luật của Nhà nước cũng quy định rõ những đối tượng được trợ giúp pháp lý miễn phí khi phạm pháp. Đối với hoạt động này trong tỉnh luôn được cán bộ của Sở Tư pháp, các luật sư là cộng tác viên của Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh thực hiện trách nhiệm, tham gia toàn bộ quá trình tố tụng để bảo vệ quyền lợi cho người dân. Việc trợ giúp pháp lý miễn phí này vừa có giá trị tuyên truyền, giúp đỡ người phạm pháp nhận thức rõ lỗi lầm, vừa bảo vệ cán cân công lý, góp phần không để xảy ra oan sai trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử…
Triển khai công tác trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng, Sở Tư pháp đã tham mưu để cấp có thẩm quyền thành lập Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng của tỉnh gồm các sở, ngành liên quan. Tại cấp huyện, UBND là cơ quan xây dựng, triển khai các nhiệm vụ trợ giúp pháp lý, trong đó có nội dung trợ giúp pháp lý về tố tụng. Khi chúng tôi tiếp xúc với các trường hợp bị xâm phạm, hoặc phạm pháp đã được trợ giúp pháp lý miễn phí đều nói lời cảm ơn sự quan tâm của Nhà nước để giúp họ thêm hiểu biết, niềm tin để bảo vệ chính mình.
Tủ sách pháp luật ở xóm Bến (Đắc Sơn, T.X Phổ Yên) được trang bị 200 đầu sách về pháp luật.
Anh Hà Trần Khải ở xã Tân Dương (Định Hóa) và chị Nguyễn Thị Lá ở xã Nghinh Tường (Võ Nhai) đều khẳng định qua việc tuyên truyền, hướng dẫn về quy trình, thủ tục của trợ giúp viên pháp lý, luật sư là công tác viên trong quá trình tố tụng họ mới nhận thấy mình sai ở chỗ nào, thực hiện những việc gì để giảm hình phạt, bảo vệ quyền lợi theo quy định của pháp luật.
Mặc dù tình hình dịch bệnh COVID-19 gây gián đoạn, ảnh hưởng ít nhiều tới hoạt động trợ giúp pháp lý đối với những vụ việc liên quan đến đối tượng được trợ giúp miễn phí nhưng Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh vẫn có giải pháp để cử cán bộ, cộng tác viên tham gia ngày từ đầu quá trình tố tụng.
Đống chí Bùi Đức Thuận, Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh: Trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng không chỉ có ý nghĩa tuyên truyền pháp luật, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân khi tham gia tố tụng mà còn góp phần hỗ trợ, bổ sung về chuyên môn trong suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử. |
Ông Vũ Văn Chính, Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh cho biết: Để nâng cao hiệu quả phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng, đơn vị sẽ tiếp tục tổ chức quán triệt và triển khai Luật trợ giúp pháp lý năm 2017, các văn bản hướng dẫn thi hành, Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT và Quy chế hoạt động của Hội đồng phối hợp liên ngành trong hoạt động tố tụng tỉnh Thái Nguyên. Đồng thời, Trung tâm đẩy mạnh mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng và Trung tâm trợ giúp pháp lý nhằm đảm bảo 100% người được trợ giúp pháp lý có người bào chữa, bảo vệ khi có yêu cầu. Các cơ quan tham gia Hội đồng sẽ thường xuyên đánh giá kết quả và chủ động khắc phục những hạn chế trong việc thực hiện công tác phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng, tăng cường công tác phối hợp tổ chức tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ và các quy định về trợ giúp pháp lý giữa các cơ quan thành viên.
Thời gian tới, hoạt động trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng sẽ tiếp tục đổi mới để trợ giúp kịp thời các đối tượng khi có yêu cầu của cơ quan chức năng và bản thân người phạm pháp. Trong đó, Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh sẽ xem xét ký hợp đồng thêm với các luật sư ở các văn phòng luật sự trong, ngoài tỉnh để chủ động về nhân lực, cử trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên tham gia các lớp đào tạo để cập nhật, trang bị đầy đủ kỹ năng trợ giúp pháp lý cho các đối tượng yếu thế, bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý trong các vụ việc cụ thể.