Khắc phục tình trạng khai sinh quá hạn cho trẻ vùng cao

08:28, 23/10/2020

Huyện miền núi Võ Nhai có 8 dân tộc sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm trên 72%. Trước đây, một bộ phận người dân rất ít hoặc chưa quan tâm đến việc làm giấy khai sinh cho trẻ em. Những năm gần đây, mặc công tác đăng ký và quản lý hộ tịch được thực hiện sát sao, chặt chẽ theo quy định của Luật Hộ tịch nhưng ở một số xã vùng cao, việc “sinh không khai” vẫn còn diễn ra, gây khó khăn trong công tác quản lý hộ tịch…

Theo báo cáo của Phòng Tư pháp huyện Võ Nhai, năm 2019, toàn huyện có hơn 1.400 trường hợp đăng ký khai sinh, trong đó có 1.051 trường hợp khai sinh đúng hạn, 32 trường hợp khai sinh quá hạn (cha mẹ đi đăng ký khai sinh cho con quá 60 ngày kể từ ngày sinh), 325 trường hợp khai sinh lại (do mất giấy khai sinh hoặc trong sổ đăng ký không lưu trữ). Phần lớn các trường hợp khai sinh quá hạn này tập trung vào một số xã có đồng bào dân tộc Mông, Dao sinh sống như Thượng Nung, Sảng Mộc, Cúc Đường, Tràng Xá…

Anh Lê Quyết Thắng, cán bộ Tư pháp xã Cúc Đường cho biết: Đa số các trường hợp đăng ký khai sinh quá hạn rơi vào những hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, sống ở vùng cao, đi lại không thuận tiện. Thêm nữa, bà con không nhận thức được tầm quan trọng của việc làm giấy khai sinh và các giấy tờ tùy thân khác cho con em mình. Chỉ đến khi đi khám sức khỏe, đi học hay có vướng mắc về các chế độ chính sách thì họ mới thực hiện việc đăng ký khai sinh cho con em mình.

Còn chị Lê Thị Bình, cán bộ Tư pháp xã Tràng Xá cho hay: Sở dĩ còn có tình trạng này là do các cặp bố mẹ thuộc diện tảo hôn. Theo tập quán dân tộc Mông nơi đây, con cái chưa đủ 18 tuổi đã được bố mẹ dựng vợ gả chồng, họ sống với nhau rồi có con. Đến khi đủ tuổi đăng ký kết hôn mới đi đăng ký kết hôn rồi mới làm giấy khai sinh cho con. Mỗi năm ở Tràng Xá cũng có gần 10 cặp tảo hôn...

Nhằm giúp đồng bào các dân tộc trong huyện nâng cao nhận thức về pháp luật, những năm gần đây, Phòng Tư pháp huyện Võ Nhai đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức đăng ký khai sinh lưu động đến từng xóm, bản…, tình trạng khai sinh quá hạn trên địa bàn huyện đã được khắc phục đáng kể. Trong công tác tuyên truyền, đặc biệt là về nội dung và hình thức phổ biến giáo dục pháp luật, Phòng Tư pháp huyện thực hiện đổi mới biên soạn lại cho ngắn gọn để bà con dễ hiểu, dễ nhớ như: Tổ chức hội nghị, sân khấu hóa, thi viết, tuyên truyền trên loa, tuyên truyền lưu động tại các thôn, bản... phối hợp trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật lưu động. Chú trọng vào tuyên truyền tới các nhóm đối tượng, địa bàn có nguy cơ tảo hôn cao…

Năm 2019, Phòng Tư pháp huyện phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức được 127 hội nghị phổ biến giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý tại các xóm vùng sâu, xa, vùng dân tộc thiểu số với trên 10.600 người tham dự. Riêng năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên công tác này được thực hiện ít hơn năm 2019. Thực tế cho thấy, khi công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật được triển khai bằng nhiều hình thức, phương pháp gần gũi, dễ hiểu thì số lượng đồng bào tham gia học tập và thực hiện theo đúng pháp luật cũng dần tăng lên.

Ông Hoàng Văn Thảo, Phó phòng Tư pháp huyện Võ Nhai thông tin: Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, phổ biến Luật Hộ tịch, Luật Hôn nhân gia đình và các chế độ chính sách liên quan cho người dân, trong đó chú trọng địa bàn vùng sâu, vùng xa; đồng thời tiến hành rà soát, đăng ký lưu động đối với những trẻ chưa có giấy khai sinh. Đối với các hộ có đủ điều kiện để cấp giấy khai sinh nhưng chưa đăng ký, nhà trường sẽ tạo điều kiện để đảm bảo chế độ, chính sách cho các cháu. Với các trường hợp trẻ không có giấy khai sinh do bố mẹ kết hôn không giá thú, huyện sẽ chờ sau khi có danh sách phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền, để tiến hành đăng ký kết hôn và khai sinh theo đúng quy định...