Mặc dù tập thể cán bộ ngành Thi hành án dân sự (THADS) của tỉnh đã có nhiều nỗ lực và các chỉ tiêu chuyên môn đều đạt, vượt kế hoạch so với yêu cầu của Tổng cục THADS đề ra. Tuy nhiên, tình trạng án chuyển tiếp từ nhiều năm và số án mới tiếp nhận giải quyết chưa triệt để nên số án tồn đọng đã lên đến trên 3.000 vụ, với số tiền phải thi hành gần 700 tỷ đồng. Điều này đã tạo áp lực rất lớn với cán bộ của các cơ quan THADS trong tỉnh…
Nhờ thực hiện đồng bộ, toàn diện các giải pháp nên trong năm 2020 các cơ quan THADS trong tỉnh hoàn thành nhiệm vụ được giao, các chỉ tiêu về việc, tiền đều đạt và vượt so với chỉ tiêu Quốc hội, Bộ Tư pháp và Tổng cục THADS giao. Trung bình hàng năm, các cơ quan THADS tỉnh thụ lý, thi hành khoảng trên 10.000 việc, tương đương số tiền phải đưa ra thi hành gần 1.000 tỷ đồng. Riêng năm 2020, các cơ quan THADS tỉnh phải thi hành gần 11.000 việc, với số tiền phải giải quyết trên 980 tỷ đồng. Kết quả xác minh, phân loại có hơn 9.000 việc với số tiền trên 259 tỷ đồng có điều kiện thi hành và các cơ quan THADS trong tỉnh đã giải quyết xong gần 8.000 việc, với số tiền gần 136 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 87,29 % về việc (tăng 1,47% so với cùng kỳ năm 2019) và 52,37 % về tiền (vượt 7,29% về việc và 13,87% về tiền so với chỉ tiêu Tổng cục THADS giao).
Tuy nhiên, công tác THADS trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn do số việc, tiền phải thi hành tăng, tính chất vụ việc ngày càng phức tạp, nhất là án dân sự, kinh tế có giá trị phải thi hành lớn, các vụ việc liên quan đến tổ chức tín dụng ngân hàng. Trong đó, số vụ việc cơ quan THADS kê biên, bán đấu giá nhưng không có người mua hoặc tài sản nhà, đất thuộc diện rất khó bán; một số vụ việc phải định giá lại nhiều lần vẫn không có người mua do tâm lý người dân ngại mua tài sản thi hành án nên ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả thi hành án.
Bên cạnh đó, vẫn còn lượng án tương đối lớn về giá trị thuộc diện chưa có điều kiện thi hành, qua nhiều năm không thi hành được, phải tiến hành đôn đốc xác minh theo định kỳ, mất nhiều thời gian, công sức của cán bộ thi hành án. Đồng chí Trần Bình, Phó Cục trưởng Cục THADS tỉnh cho biết: Hầu hết là những việc cơ quan THADS mới thụ lý ngay tại thời điểm khoá sổ lập báo cáo thống kê. Lúc này, cơ quan THADS mới ra quyết định thi hành án, vào sổ thụ lý và phân công chấp hành viên tổ chức thi hành án. Do đó, vụ việc còn chưa được xác minh làm rõ xem đương sự có điều kiện hay không có điều kiện thi hành án. Đối với những vụ việc này cần một khoảng thời gian nhất định để chấp hành viên tiến hành xác minh và làm các thủ tục cần thiết khác để tổ chức THADS. Vì vậy, kết quả thi hành đối với những vụ việc này chỉ được xác định và quy trách nhiệm cho chấp hành viên ở kỳ báo cáo kế tiếp, khi đã có đủ thời gian cho chấp hành viên xác minh nhưng vẫn không thực hiện.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, tồn đọng thi hành án còn ở những vụ việc chưa có điều kiện giải quyết. Đơn cử năm 2020 số việc chưa thi hành là 3.064 việc, tương ứng với số tiền gần 700 tỷ đồng. Trong đó, số việc bị tạm đình chỉ, hoãn thi hành án... là những việc cơ quan THADS bắt buộc phải dừng mọi hoạt động tác nghiệp để tổ chức THADS cho đến một thời điểm khác. Do vậy, những việc này có thể kéo dài ở các kỳ khác nhau và cơ quan THADS phải theo dõi để thi hành tiếp khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Ngoài những nguyên khách quan dẫn tới tồn đọng trong THADS, các cơ quan THADS cũng xác định còn có nguyên nhân chủ quan nên tiếp tục củng cố, kiện toàn bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đồng thời, lãnh đạo các cơ quan THADS thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các sai phạm, tiêu cực; tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ chuyên sâu về công tác THADS cho đội ngũ chấp hành viên; chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ kịp thời, hiệu quả đối với các vụ việc phức tạp, khó khăn, vướng mắc.
Vẫn theo đồng chí Trần Bình, Phó Cục trưởng Cục THADS tỉnh, thời gian tới, Ngành tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, trong thời gian tới, Cục THADS tỉnh tiếp tục chủ động phối hợp với các cấp, các ngành, cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả thi hành án dân sự, nhất là các vụ án lớn, trọng điểm, phức tạp, tồn đọng, kéo dài gây bức xúc trong nhân dân; rà soát các vụ việc có điều kiện thi hành để có kế hoạch, biện pháp tổ chức thi hành án có hiệu quả. Tranh thủ sự ủng hộ của các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương, các cơ quan, ban ngành liên quan trong việc hỗ trợ để cơ quan thi hành án hoàn thành nhiệm vụ. Bên cạnh đó, phát huy vai trò của Ban chỉ đạo THADS để giải quyết tốt những vụ án phức tạp, kéo dài tại địa phương, phát huy sức mạnh của các tổ chức đoàn thể thuộc Cơ quan thi hành án. Đẩy mạnh công tác dân vận, giải thích pháp luật, thuyết phục người phải thi hành án tự nguyện thi hành nghĩa vụ của mình; phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an và các cơ quan hữu quan khác bảo đảm tốt cho công tác thi hành án có hiệu lực, hiệu quả.