Người phạm tội nghiêm trọng phải bị trừng phạt để răn đe, giữ gìn sự nghiêm minh của pháp luật. Nhưng chính trong thời gian những người phạm tội bị tạm giữ, tạm giam phục vụ quá trình tố tụng và chấp hành hình phạt tù tâm trạng diễn biến rất phức tạp, có lúc bất hợp tác với cán bộ, có lúc muốn chấm dứt sự sống vì mặc cảm. Do vậy, cán bộ làm công tác quản giáo luôn phải bám sát mọi diễn biến của nghi can, nghi phạm, phạm nhân để vừa quản lý nghiêm khắc, vừa động viên, giáo dục, cảm hóa…
Thượng tá Nguyễn Văn Thiệp, Phó Giám thị Trại Tạm giam (Công an tỉnh):“Người cán bộ cảnh sát trại tạm giam luôn phấn đấu trở thành những tấm gương sáng và thực tế, phạm nhân đều gọi họ là những người thầy. Việc cảm hóa giáo dục người phạm tội, giúp họ nhận rõ lỗi lầm, ăn năn hối cải và cải tạo tiến bộ là việc làm hết sức khó khăn, phức tạp, là cả một quá trình tác động nhiều mặt tích cực vào một con người từng gây ra tội lỗi, để chuyển biến họ”. |
Thực chất công tác quản lý trại tạm giam là một loại hoạt động tư pháp mà nhiệm vụ chủ yếu là tạm giam nghi can, nghi phạm và giam giữ phạm nhân để giáo dục, cải tạo thông qua việc giáo dục pháp luật, giáo dục công dân, dạy văn hóa và tổ chức lao động sản xuất. Tại Trại Tạm giam của Công an tỉnh, việc quản lý nghi can, nghi phạm và phạm nhân có tính đặc thù khác nhau. Đối với nghi can, nghi phạm đang trong quá trình tạm giữ, tạm giam để phục vụ quá trình tố tụng đòi hỏi có sự quản lý nghiêm ngặt, chặt chẽ. Nhưng đối với các phạm nhân chấp hành hình phạt tù tại Trại Tạm giam của Công an tỉnh lại được hưởng nhiều chế độ, như: tập thể dục vào đầu giờ buổi sáng và cuối buổi chiều; được đọc sách, báo, xem ti vi và tham gia lao động sản xuất.
Trong suy nghĩ của nhiều người, trại tạm giam là nơi tối tăm miệt thị, nghi can, nghi phạm, tù nhân ẩu đả nhau bởi nạn “đại ca”, “bưởng - vạn” nhưng ai đã đến Trại Tạm giam của Công an tỉnh sẽ có cảm nhận ngược lại. Ngay từ cổng vào Trại đã thấy sự sạch sẽ, gọn gàng, cây xanh, hoa cỏ tươi mát. Các phân khu, đội của Trại được bài trí theo yêu cầu của nhiệm vụ đặc thù nhưng đều đảm bảo vệ sinh, an toàn nghiệp vụ. Trên 700 đối tượng đang bị tam giữ, tạm giam và thi hành hình phạt tù đang được Trại Tạm giam của Công an tỉnh quản lý theo quy định. Trong đó, có 94 phạm nhân đang thi hành án với mục đích cải tạo phục vụ các mặt công tác của đơn vị. Cùng với đó là các đối tượng nghi can, nghi phạm trong các vụ án đang tiến hành quy trình tố tụng. Riêng đối với phạm nhân thi hành án tại Trại đều là các trường hợp án phạt tù dưới 36 tháng, phạm các tội hình sự lần đầu nhưng không thuộc diện đặc biệt nghiêm trọng. Do vậy, Ban Giám thị, các đội, phân trại đều tạo điều kiện để phạm nhân được lao động sản xuất làm ra của cải vật chất, cải thiện điều kiện giam giữ.
Hằng ngày phạm nhân được đọc báo, xem ti vi.
Cùng với đó là cán bộ của Trại tổ chức nhiều việc làm ý nghĩa như dạy học xoá mù chữ, nâng cao trình độ văn hóa cho phạm nhân, phát động, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, thông tin thời sự kịp thời và tiến hành giáo dục về chính sách, pháp luật, đạo đức... để phạm nhân có nhận thức đúng, thấy rõ tội lỗi và sự cần thiết phải tự rèn luyện cải tạo để trở thành người có ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Mỗi quý, Các đội và phân trại phối hợp tổ chức đánh giá, bình xét phạm nhân để biểu dương người cải tạo tiến bộ, làm cơ sở xét giảm thời gian chấp hành hình phạt tù theo quy định của pháp luật. Những phạm nhân 2 quý liên tục được bình xét ý thức cải tạo tốt sẽ được gặp vợ hoặc chồng tại phòng “hạnh phúc”.
Trung tá Lương Hải Quân, Đội trưởng Đội Quản lý tạm giữ, tạm giam cho biết: Các trường hợp phạm nhân cải tạo tiến bộ được thăm thân nhân, giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù đã thấy được sự khoan hồng, nhân văn của pháp luật, phấn khởi quyết định làm lại cuộc đời. Còn những phạm nhân chưa được đặc xá thì cố gắng phấn đấu rèn luyện, cải tạo tiến bộ, để được hưởng đặc xá. Ðiều này cũng khẳng định công tác quản lý, giáo dục cải tạo phạm nhân có nhiều đổi mới, hiệu quả.
Khó khăn nhất đối với cán bộ công tác tại Trại Tạm giam của Công an tỉnh là quản lý các nghi can, nghi phạm trong vụ án đặc biệt nghiêm trọng và đối tượng đã tuyên án tử hình đợi thời gian thi hành. Đây là những đối tượng có sự diễn biến tâm lý bất thường, khó nắm bắt nên nguy cơ xảy ra nhiều sự cố như tìm cách trốn trại, tự tử, tuyệt thực, bất hợp tác với cán bộ. Trung tá Nguyễn Thị Thúy Hà, Phó đội Quản giáo, tạm giam, tạm giữ cho biết: Đặc thù công việc của cán bộ, chiến sĩ phải thường xuyên va chạm, tiếp xúc với những mặt trái của xã hội, với những tội phạm, những người đã hoặc đang mang trong mình những “mầm ác” nên cán bộ, chiến sĩ không có đạo đức tốt và lập trường quan điểm vững vàng, rất dễ bị sa ngã hoặc bị những yếu tố tiêu cực chi phối. Do đó, cấp ủy, quản lý đơn vị luôn coi trọng công tác giáo dục, rèn luyện để bảo đảm có một đội ngũ cán bộ luôn vững vàng kiên định, chí công vô tư và đầy lòng vị tha. Ngoài những khó khăn về nghiệp vụ chuyên môn, tập thể cán bộ công tác tại Trại Tạm giam Công an tỉnh hằng ngày còn phải quản lý, tiếp xúc giải quyết các vấn đề liên quan đến số phạm nhân vào Trại mang trên người nhiều căn bệnh nguy hiểm đến tính mạng như: Huyết áp, tiểu đường; nghiện ma túy, nhiễm HIV/AIDS và các bệnh nguy hiểm khác.
Vẫn biết mỗi chúng ta khi đã chọn nghề thì phải theo nghiệp nhưng đối với cán bộ làm nghề quản giáo ở Trại Tạm giam của Công an tỉnh có nhiều nỗi niềm cần sự thấu hiểu của người thân, đồng nghiệp và cộng đồng. Bởi chính sự thầm lặng và thấm đẫm tình người của các cán bộ, chiến sĩ cảnh sát trại giam là đã giúp nghi can, nghi phạm và phạm nhân dập tắt dần “mầm ác” để làm lại cuộc đời, sống có ích.