Điều tra viên, Cán bộ điều tra không được "ăn uống, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích khác của người bị buộc tội, người thân thích của người bị buộc tội, đương sự hoặc người tham gia tố tụng".
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm vừa ký ban hành Thông tư số 126/TT-BCA quy định việc thực hiện dân chủ trong hoạt động điều tra của lực lượng Công an nhân dân.
Một trong những nội dung đáng chú ý tại thông tư này là Điều tra viên, Cán bộ điều tra không được làm những việc quy định tại Điều 54 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015.
Không được ăn uống, nhận tiền, bức cung, dùng nhục hình
Thông tư số 126 quy định, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Điều tra viên, Cán bộ điều tra không được làm những việc như: Tự ý tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm và đơn thư khiếu nại, tố cáo trái quy định hoặc không được Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra phân công; tự ý tiến hành các hoạt động điều tra không theo kế hoạch điều tra đã được Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra phê duyệt.
Thêm, bớt, sửa đổi, đánh tráo, hủy hoặc làm hư hỏng tài liệu, đồ vật, vật chứng của vụ việc, vụ án hoặc bằng các phương thức khác làm sai lệch nội dung vụ việc, vụ án.
Tiếp người bị buộc tội, người thân thích của người bị buộc tội, đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác ngoài trụ sở cơ quan Công an, trừ trường hợp do yêu cầu nghiệp vụ phải được sự đồng ý của Thủ trưởng hoặc Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra.
"Ăn uống, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích khác của người bị buộc tội, người thân thích của người bị buộc tội, đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác. Lợi dụng danh nghĩa công tác để gặp gỡ, nhờ, sách nhiễu hoặc cầu lợi dưới bất kỳ hình thức nào" - Thông tư nêu rõ những việc Điều tra viên, Cán bộ điều tra không được làm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Đặc biệt là không được bức cung, mớm cung hoặc dùng nhục hình dưới bất kỳ hình thức nào; tiết lộ bí mật, thông tin, tài liệu vụ án, vụ việc đang được điều tra, xác minh khi chưa được phép công khai với người không có trách nhiệm.
Không được cho người đang bị tạm giữ, tạm giam sử dụng điện thoại hoặc các phương tiện thông tin khác để liên lạc, trao đổi với người khác (kể cả trong và ngoài khu vực trại tạm giam, nhà tạm giữ); trừ trường hợp đặc biệt để phục vụ yêu cầu điều tra vụ án phải được sự đồng ý bằng văn bản của Thủ trưởng hoặc Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra đang thụ lý vụ án, vụ việc…
Thực hiện đúng quy định về kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản
Theo quy định mới có hiệu lực của Bộ Công an, khi tiến hành các hoạt động điều tra, Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên và Cán bộ điều tra được phân công điều tra phải thực hiện đúng thẩm quyền và trách nhiệm được phân công theo quy định. Phải giải thích cho người tham gia tố tụng biết quyền, nghĩa vụ của họ và bảo đảm cho họ được thực hiện các quyền của mình theo quy định.
Đối với các trường hợp giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người thì người ra lệnh giữ người, bắt người phải thông báo cho gia đình người bị giữ, người bị bắt, chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập được biết.
Trong mọi trường hợp, khi tiến hành khám xét, thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, xử lý tài liệu, đồ vật, vật chứng, Cơ quan điều tra phải thực hiện đúng quy định pháp luật.
Điều tra viên có trách nhiệm giải thích cho đối tượng bị khám xét, thu giữ, kê biên tài sản biết về các quy định pháp luật đối với hoạt động đang thực hiện; việc giải thích phải được ghi vào biên bản.
Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng, Điều tra viên, cán bộ điều tra của Cơ quan điều tra có trách nhiệm bảo đảm quyền bào chữa của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị buộc tội; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố…/.