Tranh chấp đất ở Nam Hòa - Trách nhiệm chính quyền ở đâu?

15:39, 23/03/2021

Vì cho rằng bị em ruột lừa ký vào văn bản phân chia tài sản thừa kế và UBND xã Nam Hòa (Đồng Hỷ) chứng thực cho giao dịch này, chị Nguyễn Thị Thanh Thủy ở xóm Ngòi Chẹo, xã Nam Hòa bị mất quyền thừa kế của mình. Từ đây, chị Thủy nảy sinh mâu thuẫn, tranh chấp đất đai với em ruột là Nguyễn Thành Luân.

Chị Thủy kể: Tháng 4-2017, mẹ tôi (bà Bùi Thị Hương) chết, bà để lại một thửa đất rộng trên 5.000m2. Đến khoảng tháng 1-2018, khi tôi đang đi làm gần nhà thì em ruột tôi là Nguyễn Thành Luân gọi điện thoại nói với tôi là em cần một khoản tiền làm ăn nên phải làm các thủ tục vay vốn ngân hàng. Mọi thủ tục em đã chuẩn bị xong, chị về nhà ký cho em vào giấy tờ đất đai để hoàn thiện thủ tục với ngân hàng. Vì tin tưởng, tôi đã ký vào các giấy tờ mà Luân đưa. Mãi đến hơn 2 năm sau, khi có người đến đòi lấy đất của gia đình, tôi mới phát hiện Luân lừa tôi ký vào văn bản phân chia tài sản thừa kế để chuyển quyền sử dụng toàn bộ 5.000m2 đất và thực hiện bán đất cho người khác.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, văn bản phân chia tài sản thừa kế được lập vào ngày 19/1/2018 và được UBND xã Nam Hòa ký, đóng dấu chứng thực cùng ngày. Tuy nhiên, mãi đến giữa năm 2020, sau khi chị Thủy phát hiện em trai mình bán đất và phản ánh đến chính quyền địa phương thì mới được UBND xã cung cấp văn bản phân chia tài sản thừa kế trên. Sau khi đọc, chị Thủy đã rất bức xúc vì trước đó chị không thỏa thuận về nội dung nào như trong văn bản với anh Luân, thậm chí có những nội dung sai. Cụ thể, trong văn bản ghi “Ngoài chúng tôi ra (tức anh Luân và chị Thủy), bà Bùi Thị Hương không còn người thừa kế nào khác” là không đúng. Bởi bà Bùi Thị Hương chết vào năm 2017, khi đó mẹ đẻ của bà Hương là bà Trần Thị Cúc vẫn còn sống. Điều này minh chứng bằng trích lục khai tử số 67/TTKT-BS, UBND xã Cát Nê (Đại Từ), bà Trần Thị Cúc chết vào ngày 20/10/2020. Như vậy, vào thời điểm năm 2018, bà Cúc cũng là người hưởng thừa kế tài sản như anh Luân và chị Thủy. Tuy nhiên, nội dung văn bản phân chia tài sản thừa kế ghi như trên đã tước đi toàn bộ quyền và lợi ích hợp pháp của bà Cúc. 

Điều 651, Bộ luật Dân sự năm 2015: Hàng thừa kế thứ nhất gồm vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.

Còn anh Nguyễn Thành Luân cho hay: Văn bản phân chia tài sản thừa kế đã quá lâu nên bản thân không còn nhớ chính xác là ai là người tạo lập và được thực hiện như thế nào. Từ văn bản phân chia tài sản thừa kế được UBND xã Nam Hòa chứng thực, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Đồng Hỷ đã căn cứ để chuyển quyền sử dụng hơn 5.000m2 đất cho anh Nguyễn Thành Luân kể từ tháng 1/2/2018. Từ đây, anh Luân nhanh chóng thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho một số hộ gia đình, cá nhân, trong đó một số hộ đã hoàn tất thủ tục đăng ký chuyển quyền sử dụng đất, còn một số hộ, cá nhân đang tiếp tục thực hiện thủ tục nhận chuyển quyền, nhưng chưa hoàn tất thủ tục đăng ký như bà Nguyễn Thị My, Nguyễn Thị Minh... Bà Nguyễn Thị My bức xúc: Khi biết “bìa đỏ” đã được đăng ký quyền sử dụng sang cho anh Luân thì giữa năm 2020, gia đình tôi quyết định mua 1.000m2 đất thổ cư, trị giá hơn 2 tỷ đồng. Đến nay, tôi đã thanh toán đến hơn 85% số tiền cho anh Luân. Hợp đồng mua bán đất giữa 2 bên cũng đã được công chứng và chuyển lên Văn phòng đăng ký đất đai của huyện để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng. Thế nhưng, sau đó vài tháng, biết thửa đất này phát sinh tranh chấp giữa anh Luân và chị Thủy nên tôi chưa được cấp “bìa đỏ”.

Về vấn đề này, ông Lê Văn Lâm, Chủ tịch UBND xã Nam Hòa nói: Văn bản phân chia tài sản thừa kế để sót người thừa kế là do lỗi của công dân khi đề nghị, đăng ký các thủ tục chưa đầy đủ, trung thực, bên cạnh đó có một phần trách nhiệm của công chức tư pháp đã chưa kiểm tra kỹ hồ sơ. Về hướng giải quyết sự việc này, ông Lâm trả lời tiếp: Toàn bộ hồ sơ đã được UBND xã chuyển lên Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai của huyện, còn công chức tư pháp của xã trực tiếp tiếp nhận hồ sơ đã luân chuyển công tác đến xã Văn Hán (Đồng Hỷ) từ cuối năm 2020. Về xử lý trách nhiệm của cán bộ, công chức thì đợi sau khi ra toà án xét xử, cán bộ sai đâu sẽ xử lý ở đó.

Trước thực trạng này, đề nghị cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc xác minh tính hợp pháp của văn bản phân chia tài sản thừa kế. Nếu có căn cứ xác định văn bản này không đúng pháp luật thì cần được cơ quan Nhà nước thu hồi, hủy bỏ theo quy định, nhằm trả lại quyền phân chia thừa kế tài sản cho các thành viên trong gia đình chị Nguyễn Thị Thanh Thủy; đồng thời kiểm điểm trách nhiệm của cán bộ, công chức trong việc tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ, chứng thực và những người có liên quan gây thiệt hại cho người dân.