Hơn 60 năm hoạt động, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO) đã có nhiều đóng góp to lớn đối với sự phát triển chung của đất nước. Tuy nhiên hiện nay, TISCO vẫn bộc lộ là một “cỗ máy già nua” cồng kềnh, lạc hậu không chỉ ở cơ chế vận hành, tổ chức bộ máy mà còn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư. Nhiều chuyên gia cho rằng, việc thoái vốn Nhà nước để “cải lão”, giúp doanh nghiệp này "sống khỏe" trong cơ chế thị trường cần tiến hành một cách đồng bộ, hiệu quả, có lộ trình. Và doanh nghiệp này cần chủ động đổi mới toàn diện, linh hoạt chớp thời cơ trong kinh doanh, được hưởng lợi xứng đáng khi thắng, chịu trách nhiệm khi thua giống như các thành phần kinh tế khác, chấm dứt cơ chế “xin- cho”, thất thoát tài sản công… Điều này được thể hiện rất rõ sau đại án giai đoạn 2 của TISCO (gọi tắt là TISCO 2).
Từ Kết luận của Thanh tra Chính phủ và từ phiên tòa sơ thẩm xét xử 19 bị cáo liên quan đến vụ thất thoát tài sản tại TISCO 2, nhiều người mới vỡ lẽ, xót xa và thất vọng....
"Nhắm mắt đưa chân"
Trong khối thiết bị TISCO đã tiếp nhận của MCC cung cấp có một số đầu tàu, toa xe để phục vụ vận chuyển quặng từ Mỏ sắt Trại Cau và Mỏ sắt Tiến Bộ về Công ty CP Gang thép Thái Nguyên bằng đường sắt chưa thể sử dụng được. Lý do là đầu máy MCC cung cấp chạy trên đường ray rộng 1,4m nhưng hệ thống đường ray hiện có của TISCO chỉ rộng 1,35 m. |
Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến đại án TISCO 2 và những thiệt hại lớn của nó, Thanh tra Chính phủ khẳng định, TISCO đã thành lập Ban Quản lý Dự án không đủ năng lực, vi phạm nhiều quy định về đầu tư, quản lý Dự án. Điều này là thực tế rõ ràng đã được chỉ ra tại kết luận thanh tra, điều tra, cáo trạng, bản án và tại phiên tòa vừa qua, các bị cáo đều đã cúi đầu nhận tội. Ban Quản lý Dự án TISCO 2 thời điểm triển khai có khoảng 50 người, do 1 Phó Tổng Giám đốc TISCO đứng đầu, họ đều được đánh giá là những người có trình độ cao về chuyên môn. Tuy nhiên, theo ông Phan Văn Thái, nguyên Chủ tịch Công đoàn TISCO, kể cả ban lãnh đạo TISCO và các thành viên Ban Quản lý Dự án đều chưa có kinh nghiệm quản lý một dự án lớn như vậy.
Việc thiếu kinh nghiệm và năng lực quản lý dự án nghìn tỷ với họ là điều dễ hiểu, dù rằng vài năm trước đó, TISCO đã làm chủ đầu tư triển khai thành công Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 1, nhưng đó là dự án nhỏ hơn nhiều (vốn đầu tư vài trăm tỷ đồng) và cũng không quá phức tạp về kỹ thuật. Khi triển khai Dự án mới, TISCO thuê một đơn vị liên doanh tư vấn giám sát độc lập, tuy nhiên họ chỉ có nhiệm vụ giám sát nhà thầu thực hiện các điều khoản hợp đồng, còn trách nhiệm trong công tác quản lý, vận hành Dự án thuộc chủ đầu tư là TISCO.
Không những thiếu kinh nghiệm và năng lực quản lý Dự án, việc TISCO ký một bản hợp đồng với những điều khoản không chặt chẽ, có nhượng bộ dễ dàng, khó hiểu khi tổng thầu là Tập đoàn Khoa học Công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC) vi phạm hợp đồng và có những đề nghị vô căn cứ là căn nguyên quan trọng khiến một dự án nhiều triển vọng trở thành đại án. Đó là việc chấp nhận phá vỡ nguyên tắc căn bản của Hợp đồng EPC số 01 đã ký với tổng thầu (trọn gói và không thay đổi giá), ký hợp đồng và trực tiếp quản lý, thanh toán cho nhà thầu phụ; thiếu cứng rắn khi MCC vi phạm tiến độ; chấp nhận nhiều loại thiết bị, máy móc do MCC cung cấp không đúng chủng loại, xuất xứ. Hiện nay, cơ quan chức năng rất khó khăn trong việc định giá lô máy móc, thiết bị mà TISCO đã nhận của MCC vì thiếu thông tin xuất xứ, nhà sản xuất…
Đầu máy xe lửa do MCC cung cấp để vận chuyển quặng cho Công ty CP Gang thép Thái Nguyên chưa thể sử dụng vì không đúng kích cỡ đường ray hiện có.
Sự thiếu trách nhiệm của Ban lãnh đạo TISCO trong công tác quản lý Dự án này là rõ ràng và đã tạo ra những “lỗ hổng” nghiêm trọng. Và khi những người có trách nhiệm với Dự án nhận thấy những sai sót, sơ hở của mình, đáng ra cần cứng rắn với nhà thầu, tích cực giám sát, đôn đốc hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền hủy thầu, áp dụng điều khoản phạt… thì lại tiếp tục “nhắm mắt đưa chân” để hy vọng Dự án sớm hoàn thành. TISCO chấp nhận các điều khoản bất lợi trong những lần thương thảo tiếp theo, nâng tổng mức đầu tư sai quy định, thanh toán cho các nhà thầu vượt quá giá trị thiết bị và thi công.
Khi chúng tôi liên lạc với một cán bộ của TISCO từng công tác trong giai đoạn Dự án TISCO 2 nay đã nghỉ hưu thì được thông tin: Trong ban lãnh đạo của TISCO thời điểm triển khai Dự án TISCO 2 có sự chủ quan, quan liêu, nhất là ở giai đoạn đầu. Trong nhiều cuộc họp quan trọng về Dự án, Tổng Giám đốc không dự chủ trì mà giao cho 1 cấp phó. Họ nghĩ rằng, hợp đồng đã chặt chẽ và là trọn gói, đã thuê tư vấn giám sát nên yên tâm nhận “chìa khóa trao tay”, không lường được các tình huống, vấn đề phức tạp.
Bài học không của riêng TISCO
Ông Đặng Văn Síu, nguyên Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc TISCO (giai đoạn 1998-2003): Hội đồng xét xử đã cơ bản định tội đúng người, đúng sai phạm; mọi chứng cớ đã được điều tra, làm rõ trong phiên tòa và có những người phải chịu tội. Nhưng đó không phải là vấn đề cốt lõi, quan trọng là cuối cùng thì sự nghiệp của Gang thép Thái Nguyên sẽ như thế nào; giống như người mới ốm dậy, không thể tiến triển nhanh được như bình thường nhưng đã có tia hy vọng. |
Ông Ngô Sỹ Hưởng, nguyên Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên (khóa XI): Sau xét xử đại án, bài học đặt ra là bên cạnh về công tác quản trị, tổ chức sản xuất còn vấn đề rất đáng phải xem xét, đánh giá là việc phối hợp, cộng tác với các doanh nghiệp nước ngoài. Trong thực tiễn, không riêng TISCO mà nhiều giao dịch kinh tế do năng lực của cán bộ và nhiều nguyên nhân sâu xa khác dẫn tới thiệt hại tài sản của Nhà nước rất lớn. |
Có một vài ý kiến bày tỏ “thông cảm” cho những người có trách nhiệm của TISCO và Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNS) liên quan đến Dự án này, vì cho rằng có một số nguyên nhân khách quan dẫn đến sai phạm như: giá cả đầu vào biến động mạnh nên phải thương thảo lại với nhà thầu; nhất nhất phải tuân theo chỉ đạo của cấp trên, dù rằng có những điều không phù hợp và sai quy định; MCC đã rất “tỉnh táo” khi thương thảo và chỉ ký những điều khoản có lợi cho họ… Tuy nhiên, những nguyên nhân khách quan ấy không đủ để biện minh cho những sai phạm chủ quan, cố ý của các bị cáo.
Quy định của pháp luật về đầu tư, thẩm quyền, trách nhiệm của chủ đầu tư là rất rõ ràng, những người có liên quan đến TISCO 2 không thể không biết. Trong một cuộc họp báo, khi nhắc đến TISCO 2, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) khẳng định: Trong các nguyên nhân dẫn đến sai phạm đều có ý chí chủ quan của người đứng đầu doanh nghiệp và là chủ đầu tư Dự án này.
Sau vụ án TISCO 2, không chỉ các bị án, VNS, Ban lãnh đạo TISCO mà các cấp, ngành, những đơn vị được giao làm chủ đầu tư sẽ tự rút ra được nhiều bài học về quản lý tài sản, quản lý dự án và việc giao nhiệm vụ chủ đầu tư. Đó là những vấn đề như cần phải chặt chẽ từ công tác thẩm định, lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng đến kiểm tra, giám sát, đôn đốc nhà thầu; cân nhắc trong việc quyết định chủ trương, giao nhiệm vụ chủ đầu tư…
Theo ông Nguyễn Ngô Hai, nguyên Phó Trưởng Ban Tư trưởng Văn hóa Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bắc Thái - Thái Nguyên: Nếu sử dụng tiền của cá nhân đầu tư thì chắc chắn các bị cáo và những người trực tiếp liên quan đến TISCO 2 không bao giờ thanh toán cho nhà thầu nhiều tiền trái với hợp đồng ký ban đầu như vậy. Những vấn đề này nếu được phát hiện, chấn chỉnh, xử lý kịp thời sẽ không gây thiệt hại nghiêm trọng như thế. Đó cũng là bài học cho các cơ quan có trách nhiệm thẩm định, kiểm tra, giám sát chủ đầu tư (trực tiếp ở đây là VNS).
Sẽ còn nhiều vấn đề cần được phân tích, mổ xẻ sau đại án này, riêng TISCO chắc chắn sẽ rút ra được nhiều bài học không những về quản lý dự án mà còn trong việc quản lý, sử dụng khối tài sản rất lớn đang được Nhà nước giao. Hiện tại, riêng Văn phòng Công ty và trụ sở các đơn vị thành viên đã nắm giữ trên 200ha đất, chủ yếu tại phía Nam T.P Thái Nguyên; mỏ than, mỏ quặng sắt của TISCO trải rộng trên phạm vi hàng nghìn héc-ta tại các tỉnh: Thái Nguyên, Cao Bằng, Tuyên Quang, Phú Thọ..., chưa kể nguồn nhân lực, giá trị thương hiệu và các yếu tố khác. Dự án TISCO 2 đã cho thấy nhiều “lỗ hổng” do nguyên nhân chủ quan như đã nêu, và trong công tác quản lý khối tài sản lớn đó nếu những người có trách nhiệm của đơn vị này buông lỏng, cảm tính, quan liêu, thiếu kiểm tra, giám sát thường xuyên thì không ai dám chắc không xảy ra hậu quả, thất thoát, lãng phí.
Những cá nhân có sai phạm liên quan đến TISCO 2 đã nhận bản án thích đáng. Con số thiệt hại 830 tỷ đồng từ TISCO 2 có lẽ chưa phải là cuối cùng vì mọi việc vẫn dang dở. Nhiều lô máy móc, thiết bị trị giá hàng nghìn tỷ đồng đã được nhập về vẫn phơi nắng mưa nhiều năm nay, nguy cơ trở thành đống sắt thép phế, gây lãng phí rất lớn, là minh chứng cho những sai lầm, là bài học đắt giá không chỉ cho riêng TISCO.
(Còn nữa)