Điểm tựa pháp lý cho người yếu thế

00:46, 22/07/2021

Phát huy vai trò, chức năng, nhiệm vụ được giao, những năm qua, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước (Sở Tư pháp) đã thực hiện hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh.

Bằng nhiều hoạt động thiết thực, cụ thể, công tác trợ giúp pháp lý của Trung tâm đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân, bảo đảm tốt quyền và lợi ích hợp pháp cho các đối tượng được trợ giúp.

Phúc Lương là xã đặc biệt khó khăn của huyện Đại Từ, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 94,5% dân số, đời sống còn nhiều khó khăn nên trình độ, nhận thức về pháp luật của người dân còn hạn chế. Nhằm giúp người dân nâng cao kiến thức, hiểu biết về pháp luật, những năm qua, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước đã thực hiện nhiều hoạt động trợ giúp pháp lý tại xã, riêng từ đầu năm 2021 đến nay, đã tổ chức được 2 đợt truyền thông và 2 chuyến tư vấn pháp lý.

Ông Đào Văn Dũng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Phúc Lương cho biết: Công tác truyền thông, tư vấn pháp lý của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tại xã trong những năm qua rất có ý nghĩa, giúp bà con nâng cao hiểu biểu pháp luật, từ đó tích cực chấp hành các quy định, đóng góp vào hoạt động của địa phương.

Không chỉ có xã Phúc Lương, trong năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, Trung tâm đã thực hiện hơn 30 chuyến tư vấn và trên 70 đợt truyền thông pháp luật cho hàng nghìn người tại các xã nghèo, xóm đặc biệt khó khăn trên địa bàn các huyện: Võ Nhai, Định Hóa, Đồng Hỷ, Phú Lương, Đại Từ, Phú Bình.

Bên cạnh đó, Trung tâm cũng đẩy mạnh hoạt động truyền thông dưới nhiều hình thức như: Lắp bảng thông tin về trợ giúp pháp lý; in và cấp phát miễn phí tờ gấp pháp luật cho người dân...

Chị Nguyễn Thị Ánh, chuyên viên Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước cho biết: Trợ giúp pháp lý miễn phí là chủ trương, chính sách của Nhà nước đã được triển khai thực hiện từ nhiều năm nay nhằm bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Các đối tượng được trợ giúp gồm: Người nghèo; người có công với cách mạng; người già cô đơn, người tàn tật và trẻ em không nơi nương tựa; người dân tộc thiểu số thường trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn...

Đây đều là đối tượng chính sách, người yếu thế có điều kiện tiếp cận pháp luật hạn chế nên khi truyền thông chúng tôi phải chuẩn bị kỹ lưỡng, đảm bảo nội dung chính xác nhưng dễ hiểu nhất. Trong các buổi truyền thông, chúng tôi dành nhiều thời gian giải đáp thắc mắc với từng sự việc cụ thể, giúp bà con hiểu tường tận hơn các quy định của pháp luật.

Ngoài công tác truyền thông, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tham gia tố tụng, tư vấn, đại diện ngoài tố tụng, thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí cho các đối tượng theo quy định.

Năm 2020 và 6 tháng đầu năm nay, Trung tâm thụ lý 829 vụ việc, trong đó tư vấn pháp luật hơn 201 vụ việc, tham gia tố tụng 671 vụ việc, đại diện ngoài tố tụng 22 vụ việc. Các vụ việc được thụ lý và giải quyết đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật. Các trợ giúp viên pháp lý, luật sư do Trung tâm chỉ định đã tận tâm, nhiệt huyết, trách nhiệm, bảo vệ tốt quyền và lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp. Qua đó góp phần hạn chế thấp nhất các trường hợp oan sai, góp phần nâng cao chất lượng giải quyết vụ án của các cơ quan tố tụng.

Hiện nay, nhu cầu tìm hiểu pháp luật và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về pháp lý của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo tại miền núi, vùng cao, khu vực đặc biệt khó khăn ngày càng tăng; yêu cầu về chất lượng, tính chuyên nghiệp của công tác trợ giúp cũng ngày càng cao.

Ông Vũ Văn Chính, Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước cho biết: Thời gian tới, Trung tâm sẽ tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện công tác này và tăng cường trợ giúp pháp lý ở cơ sở nhằm giúp các đối tượng yếu thế tiếp cận tốt với dịch vụ trợ giúp pháp lý. Đồng thời tiếp tục đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý, qua đó có những điều chỉnh kịp thời nhằm nâng cao hiệu quả công tác này.