Xác định ứng dụng công nghệ thông tin là yêu cầu tất yếu của quá trình cải cách tư pháp, phục vụ hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm; chống oan sai, bỏ lọt tội phạm và người phạm tội... Viện Kiểm sát Nhân dân (KSND) tỉnh đã tích cực phối hợp triển khai việc số hóa hồ sơ các vụ án hình sự, tạo thuận lợi cho cơ quan tố tụng khai thác, công bố tài liệu, chứng cứ khi tranh tụng tại phiên tòa.
Thực hiện chủ trương của ngành, VKSD tỉnh Thái Nguyên đã nhanh chóng nghiên cứu, tổ chức học tập kinh nghiệm, tập huấn nội bộ và bắt tay vào triển khai áp dụng số hóa hồ sơ trong hoạt động xét xử. Đến nay, ngành Kiểm sát tỉnh đã chỉ đạo và triển khai thực hiện số hóa một số hồ sơ vụ án hình sự. Các đơn vị điển hình là: T.P Thái Nguyên, T.P Sông Công, huyện Phú Bình, huyện Đồng Hỷ…
Việc tổ chức xét xử vụ án tham ô tài sản đối với 2 bị cáo Hoàng Kim Oanh và Vũ Văn Trung diễn ra tại Tòa án Nhân dân T.P Thái Nguyên (tháng 7-2020) là ví dụ điển hình. Đây được xem là vụ án phức tạp trong việc đánh giá chứng cứ, bị can thay đổi lời khai và không nhận tội. Hai kiểm sát viên là Nguyễn Văn Việt và Thái Thị Hải Yến được phân công thụ lý kiểm sát điều tra và thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên Tòa.
Số hóa hồ sơ vụ án hình sự là phương pháp sử dụng thiết bị công nghệ để chuyển hóa chứng cứ từ dạng vật chất thành dạng file hình ảnh hoặc video để những người tiến hành tố tụng sử dụng máy tính, thông qua thiết bị trình chiếu có thể nhìn thấy, nghiên cứu và trích cứu mà không phải sử dụng đến hồ sơ vụ án bằng giấy. |
Để số hóa hồ sơ vụ án, các kiểm sát viên đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra trong việc ghi âm, ghi hình quá trình lấy lời khai; scan và sao chụp lại toàn bộ tài liệu chứng cứ. Tại phiên tòa có sự tham dự trực tiếp của lãnh đạo Viện KSND tỉnh và đại diện các phòng nghiệp vụ, kiểm sát viên tham gia xét hỏi, tranh luận đã trình chiếu tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh, video clip… để làm cơ sở chứng minh, đánh giá hành vi phạm tội; khẳng định quan điểm truy tố, buộc tội của Viện kiểm sát là có căn cứ, đúng pháp luật.
Kết quả, bị cáo Vũ Văn Trung đã phải thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình, phù hợp với các tài liệu trong hồ sơ. Kiểm sát viên Thái Thị Hải Yến, Viện KSND T.P Thái Nguyên chia sẻ: Trường hợp tại tòa bị cáo thay đổi, phủ nhận lời khai trước đó hoặc phát sinh nội dung mới cần đối chất; bị cáo cho rằng bị mớm cung hoặc nhục hình khi lấy lời khai thì việc trình chiếu video, đoạn ghi âm trong quá trình điều tra sẽ rất hiệu quả, đảm bảo sự khách quan và thuyết phục.
Ông Lý Đình Kiêm, Phó Trưởng phòng Thực hành quyền công tố và Kiểm sát xét xử phúc thẩm án hình sự, Viện KSND tỉnh đánh giá: Qua thực tế triển khai cho thấy, việc số hóa hồ sơ các vụ án hình sự đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Cụ thể là hạn chế in ấn nên giảm chi phí; dễ dàng lưu trữ truy xuất dữ liệu, nhất là tìm kiếm tài liệu đối với những vụ án phức tạp với nhiều tài liệu, bút lục; thuận lợi cho việc chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan tiến hành tố tụng. Quan trọng hơn là trong quá trình xét xử, các tài liệu được trình chiếu đảm bảo tính công khai; giúp kiểm sát viên chủ động trong quá trình tranh tụng, đưa ra quan điểm chính xác, có tính thuyết phục cao. Điều này cũng góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho kiểm sát viên.
Ngay sau khi Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành nghị quyết về chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2021-2025, ngành Kiểm sát tỉnh đã sớm đăng ký triển khai. Cụ thể bằng việc ký quy chế phối hợp với Tòa án Nhân dân về việc số hóa hồ sơ để thực hiện ở cả 2 cấp tỉnh và huyện. Trong thời gian tới, VKSND tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục đầu tư nguồn lực, phương tiện kỹ thuật để thực hiện có hiệu quả số hóa hồ sơ vụ án hình sự, không chỉ trong một giai đoạn tố tụng nhất định, mà thực hiện xuyên suốt trong cả quá trình từ khi bắt đầu thụ lý, giải quyết vụ án; phối hợp với Viễn thông Thái Nguyên xây dựng phần mềm số hóa hồ sơ, tiến tới việc thí điểm hồ sơ điện tử.