Mặc dù đã nhiều lần cơ quan chức năng cảnh báo về các phương thức, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản nhưng thời gian qua, trên địa bàn T.P Thái Nguyên vẫn có không ít người mất cảnh giác bị lừa mất hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng…
Theo số liệu từ Đội Cảnh sát Hình sự (Công an T.P Thái Nguyên): Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn xảy ra trên 40 vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng, tổng số tiền thiệt hại của các nạn nhân trị giá hàng tỷ đồng. Chưa kể nhiều trường hợp nạn nhân không đến cơ quan Công an trình báo.
Cá biệt, riêng tháng 7 vừa qua đã xảy ra 20 vụ việc (tăng 5 vụ so với cùng kỳ năm trước và tăng gấp hai lần so với 6 tháng đầu năm nay).
Một số phương thức, thủ đoạn phổ biến các đối tượng lừa đảo nạn nhân là: Chiếm quyền sử dụng tài khoản facebook, zalo của người bị hại, nhắn tin lừa đảo đến danh sách bạn bè yêu cầu chuyển tiền; kết bạn qua mạng xã hội và hứa hẹn gửi quà có giá trị sau đó yêu cầu nạn nhân chuyển tiền nộp thuế hoặc lệ phí hải quan; hay chúng gửi tin nhắn qua facebook, zalo, viber… thông báo trúng thưởng và đề nghị nộp phí để nhận thưởng.
Bên cạnh đó, nhiều nạn nhân có nhu cầu vay tiền đã tìm đến các app vay tiền online với lời hứa thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh để vay rồi bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cụ thể như: Khoảng 11 giờ 40 phút ngày 28-7, chị N.T.H.K. sinh năm 1994, ở tổ 13, phường Quang Trung, nhận được điện thoại từ số 0866217401 mời vay tiền, nói chị K. kết bạn zalo với số điện thoại để nói rõ thủ tục. Qua nói chuyện, đối tượng tự nhận là bên công ty Ceo Finance, xác nhận cho chị K. vay 38 triệu đồng, hướng dẫn chị tải đường link và cung cấp thông tin cá nhân để đăng ký, rồi yêu cầu chuyển tiền để chứng minh khả năng chi trả. Chị K. đã chuyển 7 lần đến 2 số tài khoản của ngân hàng Techcombank, mang tên Doan Thị Thanh Thanh và Tu Thi Thom tổng số tiền 150 triệu đồng nhưng vẫn không nhận được khoản vay. Sau đó, biết mình bị lừa nên chị K. đã đến cơ quan công an trình báo.
Một thủ đoạn cũ mặc dù đã được các lực lượng chức năng cảnh báo nhưng vẫn nhiều nạn nhân mới mắc phải đó là các đối tượng mạo danh cán bộ Nhà nước như công an, viện kiểm sát, tòa án gọi điện cho người dân gây sức ép với yêu cầu phục vụ điều tra, làm người dân hoang mang, từ đó phải chuyển một số tiền lớn vào tài khoản đối tượng cung cấp.
Điển hình là khoảng 7 giờ 40 phút ngày 4-8, ông B.Q.U, sinh năm 74 tuổi, ở phường Trung Thành nhận được điện thoại của đối tượng xưng là cán bộ công an thông báo ông có liên quan đến đường dây buôn bán ma túy và rửa tiền.
Đối tượng yêu cầu ông chuyển tiền để kiểm tra, xác minh tài khoản. Ngay sau đó, ông đã đến ngân hàng Vietinbank tại phường Trung Thành chuyển số tiền 115 triệu đồng đến số tài khoản 103873567940, ngân hàng Vietinbank, mang tên Phan Thi Dieu Anh.
Kể lại sự việc, ông B.Q.U cho biết: Khi nhận được cuộc điện thoại thực sự tôi rất hoang mang. Chúng còn kết bạn qua mạng xã hội để gửi những giấy tờ của cơ quan Nhà nước như lệnh bắt bị can để tạm gian. Tôi đọc thấy có đầy đủ tên tuổi, địa chỉ, số chứng minh nhân dân của mình. Trong đầu tôi lúc ấy chỉ có suy nghĩ mình làm theo để chứng minh mình không vi phạm pháp luật, ai ngờ…
Trước đó, khoảng 12 giờ 30 phút ngày 30-7, chị T.T.N.H. ở tổ 12, phường Quang Trung nhận được cuộc gọi đến từ số +808692 342 393 của một người nói giọng nam giới tự xưng là nhân viên công ty điện lực thông báo chị đang nợ tiền điện với số tiền 60 triệu đồng tại T.P Hồ Chí Minh.
Đối tượng yêu cầu chị trình báo với Công an T.P Hồ Chí Minh và chủ động kết nối điện thoại để chị H. nói chuyện với một người nữ giới tự xưng là công an. Quá trình nói chuyện, đối tượng yêu cầu chị H. chuyển hết tiền mình có vào tài khoản ngân hàng của chị H., sau đó vào trang web do đối tượng cung cấp và đăng nhập thông tin cá nhân, thông tin tài khoản, mật khẩu vào các ô có sẵn để phục vụ điều tra.
Đến khoảng 19 giờ 30 phút cùng ngày, chị H. kiểm tra tài khoản của mình thì phát hiện bị mất số tiền hơn 540 triệu đồng. Ngày 03-8 chị đến Công an T.P Thái Nguyên trình báo.
Anh Đồng Văn Duy, điều tra viên Đội Cảnh sát Hình sự (Công an T.P Thái Nguyên) khuyến cáo: Để chủ động phòng tránh các hoạt động lừa đảo qua không gian mạng, người dân hãy nâng cao tinh thần cảnh giác, khi nhận được điện thoại của người xưng là cán bộ Nhà nước cần xác minh rõ thông tin, hỏi người nhà, người thân có hiểu biết pháp luật.
Tuyệt đối không cung cấp, trao đổi, chia sẻ thông tin cá nhân và chuyển tiền cho bất cứ ai, bất cứ yêu cầu nào khi không có căn cứ cụ thể, rõ ràng.
Ngoài ra, nếu gặp khó khăn về vấn đề tài chính, có nhu cầu vay tiền, người dân nên đến các ngân hàng, tổ chức tín dụng tin cậy để được tư vấn cụ thể về mức vay, lãi suất, thời hạn trả tiền vay…