Những năm gần đây, Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) 2 cấp của tỉnh đã phối hợp tổ chức tốt các phiên tòa rút kinh nghiệm vụ án hình sự. Qua đó giúp kiểm sát viên nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử cũng như kỹ năng tranh luận tại phiên tòa, góp phần từng bước đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.
Ngày 19-8 vừa qua, VKSND tỉnh phối hợp với Tòa án Nhân dân (TAND) cùng cấp tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm đối với vụ án hình sự Ứng Diệu Hằng phạm tội: “mua bán trái phép chất ma túy”. Trực tiếp Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Hoàng Văn Tiến thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa.
Theo cáo trạng, vào tháng 2-2021, bị cáo Ứng Diệu Hằng đã mua hơn 155g ma túy các loại với giá 80 triệu đồng của một phụ nữ không rõ lai lịch, địa chỉ. Sau đó, Hằng một mình đi đến khu vực xóm Công Thương (xã Thuận Thành, T.X Phổ Yên) để bán kiếm lời nhưng chưa kịp giao dịch thì bị lực lượng chức năng bắt quả tang.
Tại phiên tòa, kiểm sát viên thực hành quyền công tố đã phân tích, đánh giá đầy đủ nội dung vụ án; xác định tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, điều kiện phạm tội, nhân thân và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo.
Căn cứ kết quả xét hỏi và tranh luận, trên cơ sở đề nghị của đại diện VKSND và quy định của pháp luật, Hội đồng Xét xử tuyên phạt bị cáo mức hình phạt phù hợp và nhận được sự đồng tình của những người tham dự phiên tòa.
Tại buổi rút kinh nghiệm sau đó, các thành viên tham dự phiên tòa đã phân tích kỹ ưu điểm, hạn chế của kiểm sát viên; nhất là công tác chuẩn bị, tư thế, tác phong và các kỹ năng. Việc lãnh đạo VKSND tỉnh trực tiếp thực hành quyền công tố tại phiên tòa rút kinh nghiệm cũng thể hiện sự trách nhiệm, làm gương để đội ngũ kiểm sát viên phát huy tinh thần tự lực tích lũy kinh nghiệm, học hỏi nâng cao trình độ nghiệp vụ.
Tinh thần nói trên đã được các phòng nghiệp vụ và VKSND cấp huyện của tỉnh thực hiện nghiêm túc. Là một trong những đơn vị dẫn đầu về nội dung này, VKSND huyện Phú Bình định hướng tập trung các phiên tòa rút kinh nghiệm vào các vụ án có tình tiết phức tạp như bị cáo không nhận tội; bị can, bị cáo đông; nhiều vấn đề dẫn tới tranh luận và có luật sư tham dự.
Ông Lê Trung Kiên, Viện trưởng VKSND Phú Bình cho biết: Chúng tôi thường xuyên phối hợp với TAND huyện lựa chọn vụ án phù hợp; giao chỉ tiêu cụ thể cho kiểm sát viên tham gia phiên tòa và tổ chức rút kinh nghiệm nghiêm túc. Việc đóng góp và trao đổi của đồng nghiệp giúp kiểm sát viên bổ sung kiến thức, trình độ thẩm vấn, kỹ năng tranh luận, xử lý tình huống phát sinh. Đồng thời nhận thức rõ hơn vai trò, vị trí của mình tại phiên tòa. Điều này góp phần giúp chất lượng xét xử, tranh tụng được nâng lên rõ rệt.
Bắt đầu tháng 4-2017, VKSND và TAND 2 cấp của tỉnh đã ký quy chế phối hợp về tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm theo yêu cầu cải cách tư pháp. Từ đó đến nay, hoạt động này được duy trì thường xuyên và ngày càng nâng cao chất lượng.
Theo thống kê, từ đầu năm tới nay, 2 ngành đã phối hợp tổ chức hơn 200 phiên tòa rút kinh nghiệm vụ án hình sự. Trong đó có nhiều vụ sử dụng tài liệu, chứng cứ được số hóa.
Các vụ án đều được thụ lý kiểm sát chặt chẽ, không có trường hợp đình chỉ điều tra do bị can không phạm tội hoặc đình chỉ miễn trách nhiệm hình sự không đúng quy định pháp luật.
Bà Đàm Thị Hoàn, Trưởng Phòng Thực hành quyền công tố và Kiểm sát xét xử phúc thẩm án hình sự, VKSND tỉnh, cho biết: Đánh giá của Ban Chỉ đạo tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm, VKSND tỉnh cho thấy, các phiên tòa đã góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng điều hành của thẩm phán; kỹ năng thực hành quyền công tố của kiểm sát viên, tránh oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm.
Một số đơn vị quan tâm lựa chọn tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm với giải quyết vụ án trọng điểm và xét xử lưu động nhằm tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân.
Đối với các vụ án phức tạp, lãnh đạo đơn vị đã quan tâm chỉ đạo ngay từ giai đoạn sơ thẩm. Khi tổ chức rút kinh nghiệm chung có đánh giá đầy đủ từ công tác kiểm sát điều tra, xây dựng hồ sơ vụ án đến chuẩn bị xét xử, thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa.
Một kết quả đáng chú ý nữa là thông qua phiên tòa rút kinh nghiệm, lãnh đạo các đơn vị có căn cứ đánh giá đúng ưu điểm, hạn chế của từng người, từ đó phân công cán bộ, kiểm sát viên phù hợp với từng phiên tòa và có hướng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ.